Sau Vinamilk, nhiều doanh nghiệp phản đối truy thu thuế bất ngờ của hải quan

07/01/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Nhiều doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành vì cách hướng dẫn thiếu nhất quán của hải quan đẩy họ vào thế khó.

Hải quan hướng dẫn tiền hậu bất nhất

Ngoài công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Urc, Apparel Far Eastern.. tiếp tục có nhiều doanh nghiệp cũng lên tiếng về cách hướng dẫn thiếu nhất quán và có dấu hiệu bất thường của cơ quan hải quan khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Ngày 12/12 có thêm ba doanh nghiệp gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Putratos Grand Place Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn AJE Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Hiệp Phát đã kiến nghị bằng văn bản lên các cơ quan cao nhất để phản đối việc ấn định truy thu thuế của cơ quan hải quan.

Theo đó, 3 doanh nghiệp trên đã gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương về việc bị Cục Giám sát quản lý về hải quan ấn định truy thu thuế số tiền lên đến cả chục tỷ đồng.

Sau Vinamilk, nhiều doanh nghiệp phản đối truy thu thuế bất ngờ của hải quan ảnh 1Vinamilk đề nghị Thủ tướng xem xét việc bị hải quan truy thu thuế

Cục thể, các doanh nghiệp trên bị cơ quan hải quan ấn định truy thu thuế lần lượt là Công ty trách nhiệm hữu hạn Putratos Grand Place Việt Nam số tiền hơn 8,8 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn AJE Việt Nam hơn 895 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Hiệp Phát hơn 12 tỷ đồng.

Tổng số tiền của 3 công ty trên lên bị cơ quan hải quan ấn định truy thu thuế lên đến hơn 20 tỷ đồng (chưa tính tiền chậm nộp).

Phía doanh nghiệp cho rằng, cuối năm 2016, các công ty có nhập khẩu mặt hàng đường tinh luyện theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp và đã nhập khẩu đường từ Công ty Global Mind có trụ sở tại Singapore.

Bên giao hàng được nhà cung cấp chỉ định là Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa, Công ty Thành Thành Công Tây Ninh, có trụ sở tại Việt Nam.

Phía doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ thục tục Hải quan theo đúng quy định của pháp luật tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Chi cục Hải quan quản lý hàng Xuất nhập khẩu ngoài khu công nghiệp.

Hồ sơ nhập khẩu có đẩy đủ chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D được phát hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Bộ Công Thương.

Các tờ khai đã được Chi Cục Hải quan khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Chi cục Hải quan quản lý hàng Xuất nhập khẩu ngoài khu công nhiệp chấp thuận thông quan đẩy đủ và áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (5%) theo biểu thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, đến ngày 29/11/2017, các doanh nghiệp trên nhận được thư mời từ Chi Cục Hải quan khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Chi cục Hải quan quản lý hàng Xuất nhập khẩu ngoài khu công nghiệp đến làm việc về nội dung truy thuế xuất nhập khẩu tại chỗ với số tiền ấn định.

Ba doanh nghiệp trên không đồng ý với việc ấn định truy thu thuế theo công văn số 2668a/GSQL-GQ4 ngày 30/10/2017 của  Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan.

Tân Hiệp Phát và hai doanh nghiệp đã gửi văn bản kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành đề nghị xem xét việc bị cơ quan hải quan ấn định truy thu thuế. Ảnh: T.H.P
Tân Hiệp Phát và hai doanh nghiệp đã gửi văn bản kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành đề nghị xem xét việc bị cơ quan hải quan ấn định truy thu thuế. Ảnh: T.H.P

Phía doanh nghiệp cho rằng, họ có hạn ngạch thuế quan được cấp bởi Bộ Công Thương thông qua đấu thầu công khai và đã phải trả tiền sử dụng hạn ngạch với số tiền không nhỏ.

Các lô hàng nhập khẩu tại chỗ đều có C/O mẫu D hợp lệ được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Công Thương và đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Việc doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Bộ Công Thương cấp C/O mẫu D đồng nghĩa với việc Chính phủ đã chấp thuận cho doanh nghiệp được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt như được hướng dẫn tại Công văn số 1744/TCHQ-GSQL.

Như vậy, các doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu đã thực hiện đúng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 129/2016/NĐ có hiệu lực từ 1/9/2016.

Sau Vinamilk, nhiều doanh nghiệp phản đối truy thu thuế bất ngờ của hải quan ảnh 3Hải quan Bình Dương cần giải thích thỏa đáng khi truy thu thuế của doanh nghiệp

Hơn nữa, các tờ khai đã được Chi cục Hải quan khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Chi cục Hải quan quản lý hàng xuất nhập khẩu ngoài khu công nhiệp chấp thuận thông quan đầy đủ và áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (5%) theo biểu thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu trong khối ASEAN.

Doanh nghiệp đã hoàn tất hạch toán chi phí, doanh thu và phân phối lợi nhuận cho các năm vừa qua nên việc thu thuế sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ xem xét hủy bỏ việc ấn định truy thu thuế

Văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp trên cũng khẳng định, việc cơ quan hải quan ra công văn số 2668a ngày 30/10/2017 yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố ấn định truy thu thuế nhập khẩu theo thuế suất nhập khẩu 40% là thiếu nhất quán, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và làm giảm sút lòng tin của doanh nghiệp đố với chính sách điều hành của Chính phủ.

Doanh nghiệp lựa chọn mua bán hàng hóa theo hình thức xuất, khẩu tại chỗ vì hình thức này giúp doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí (đặc biệt là chi phí logistic). Theo đó, giúp các doanh nghiệp gia tăng đáng kể lợi thế và năng lực cạnh tranh.

Trước đó Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cơ quan hải quan ấn định truy thu thuế vô lý. Ảnh: Vinamilk.
Trước đó Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cơ quan hải quan ấn định truy thu thuế vô lý. Ảnh: Vinamilk. 

Đại diện các doanh nghiệp phân tích, nếu thực hiện theo quy định nêu trên, để được hưởng ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, doanh nghiệp buộc phải làm thủ tục xuất hàng vào kho ngoại quan rồi lại làm thủ tục nhập khẩu trở lại.

Trong khi đó, trên thực tế kho ngoại quan cũng không đủ sức chứa một lượng lớn hàng hóa rất lớn trong khi bản chất của hàng hóa vẫn không thay đổi lại phải lòng vòng.

Việc này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí,… đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm bớt thủ tục, chi phí phát sinh cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Việc ấn định truy thu thêm số tiền thuế lớn theo thông báo của cơ quan hải quan là hết sức bất ngờ và bất thường đối với doanh nghiệp, đặt các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, có nguy cơ dừng hoạt động do sự bất an của các chủ đầu tư đối với việc áp dụng chính sách một cách bất nhất của cơ quan chức năng.

Các doanh nghiệp trên bày tỏ, là những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, với kế hoạch đầu tư lâu dài, doanh nghiệp đã và đang mang vốn, công nghệ để xây dựng những nhà máy, tạo ra sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đảm bảo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động Việt Nam.

Các doanh nghiệp mong muốn một môi trường đầu tư ổn định, quy định pháp luật rõ ràng, nhất quán.

Việc bị thông báo truy thu số tiền rất lớn cho hàng hóa đã nhập khẩu hơn một năm về trước trong khi doanh nghiệp không làm gì sai phạm đang gây hoang mang cho các doanh nghiệp.

Sau Vinamilk, nhiều doanh nghiệp phản đối truy thu thuế bất ngờ của hải quan ảnh 5Hướng dẫn không thống nhất, hải quan đang gây khó cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp khẩn thiết kiến nghị Chính phủ xem xét hủy bỏ ngay việc thông báo ấn định truy thu thuế nhập khẩu của cơ quan hải quan đối với các lô hàng đường tinh luyện nhập khẩu tại chỗ với C/O mẫu D mà các doanh nghiệp đã thực hiện năm 2016 theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy không chỉ một doanh nghiệp mà hàng chục doanh nghiệp đang được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đang gặp khó do sự hướng dẫn thiếu nhất quán và có phần cứng nhắc, nếu không muốn nói là quan liêu của cơ quan hải quan.

Vì vậy việc truy thu thuế (hồi tố) trong trường hợp này sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, rất có thể gây ra nhiều hệ lụy khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

Phía hải quan viện dẫn Nghị định số 129/2016/NĐ có hiệu lực từ 1/9/2016, nhưng đến ngày 30/10/2017 mới ban hành công văn số 2668a khác nào đánh đố doanh nghiệp và đẩy doanh nghiệp vào thế đã rồi.

Nếu như cơ quan hải quan hướng dẫn chính xác ngay từ đầu khi Nghị định có hiệu lực các doanh nghiệp sẽ chủ động và có phương án nhập nguyên liệu khác, và sẽ không bị rơi vào cảnh bị truy thu thuế (hồi tố) như hiện nay.

Vũ Phương