Siêu lạm phát: Trẻ em dùng từng xấp tiền... chơi xếp hình

04/02/2015 07:24
Lâm Giang (Theo Rustoria)
(GDVN) - Người Đức khi đó phải mang từng chiếc hòm đựng quần áo để lĩnh tiền lương, trẻ em dùng từng xấp tiền chơi xếp hình trên đường phố.

Giá cả tăng lên chóng mặt, tiền nhanh chóng trở thành giấy vụn, hỗn loạn xảy ra khắp nơi... là tình cảnh mà một số quốc gia trên thế giới đã từng trải qua khi đối mặt với siêu lạm phát.

Cộng hòa Weimar

Một ví dụ điển hình về lạm phát phi mã mà nhiều sách giáo khoa về kinh tế không thể không nhắc tới đó là siêu lạm phát xảy ra tại Cộng hòa Weimar trong năm 1921-1923.

Để bồi thường chiến tranh và trang trải chi phí khác, Đức đã tăng cường in tiền.
Để bồi thường chiến tranh và trang trải chi phí khác, Đức đã tăng cường in tiền.

Cộng hòa Weimar (tên các sử gia gọi chính phủ nước Đức từ khoảng năm 1918 tới sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất), sau chiến tranh rơi vào cảnh tượng khá ảm đạm. Như là kết quả của Hiệp ước Versailles, Cộng hòa Weimar - bên thua cuộc, phải bồi thường rất lớn.

Trong khi đó, chính phủ mới ngay từ đầu đã bắt đầu tiến hành thực hiện các nghĩa vụ xã hội như thanh toán cho các cựu chiến binh và nạn nhân chiến tranh, trợ cấp thất nghiệp. Tất cả những điều này tạo một gánh nặng rất lớn về ngân sách và buộc họ phải in thêm tiền để có chi phí.

Người Đức phải dùng những chiếc giỏ đựng quần áo mang đi giặt để đựng tiền lương.
Người Đức phải dùng những chiếc giỏ đựng quần áo mang đi giặt để đựng tiền lương.

Nửa năm đầu tiên sau chiến tranh, Đức vẫn giữ được sự ổn định và thậm chí còn thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu cơ từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều người tin rằng nước Đức sẽ nhanh chóng hồi phục sau chiến tranh, khôi phục nền kinh tế.

Nhưng thực tế lại trái ngược với mong đợi. Nếu vào năm 1921, 75 mark đổi được 1 USD thì một năm sau đó, 190 mark mới đổi được 1 USD.

Trẻ em Đức dùng tiền chơi xếp hình.
Trẻ em Đức dùng tiền chơi xếp hình.

Trong tháng 7/1922, thị trường tài chính bắt đầu sụp đổ. Đến đầu năm 1923, 9.000 mark mới đổi được 1 USD, giá lương thực tăng lên gấp 40 lần. 

Vào đầu năm 1923, do không thanh toán được các khoản nợ, quân đội Pháp và Bỉ chiếm thung lũng Ruhr, trung tâm công nghiệp của Đức. Điều này làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã xấu, nhưng chính phủ vẫn tiếp tục in tiền.

Tiền mark trở thành giấy khi siêu lạm phát xảy ra.
Tiền mark trở thành giấy khi siêu lạm phát xảy ra.

Theo các nhân chứng, Đức đã cho 133 nhà máy in và 13 nhà máy giấy vận hành hết công suất để đổ tiền ra thị trường. Tuy nhiên, giá cả vẫn tiếp tục tăng nhanh và lượng tiền khổng lồ được in ra vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Kết quả là đến tháng 8/1923, 1 USD đổi được tới 620.000 mark và đến tháng 11 cùng năm tăng tới hơn 1 triệu lần nữa, 1 USD đổi được 620 tỷ mark. 

Người Đức khi đó phải mang từng chiếc hòm đựng quần áo để lĩnh tiền lương. Mỗi ngày, họ được phép rời chỗ làm một giờ để mua hàng hóa vì giá cả liên tục thay đổi theo từng giờ. Trẻ em dùng từng xấp tiền của cha mẹ để chơi xếp hình ngay trên phố mà không ai muốn lấy đi.

Tờ 100 nghìn tỷ mark.
Tờ 100 nghìn tỷ mark.

Tới cuối năm 1923, lạm phát tiếp tục tăng phi mã. Khi đó, 1 USD có thể đổi được tới hơn 4.000 tỷ mark. Tỷ giá thay đổi mỗi ngày.

Năm 1924, Đức tiến hành cải cách tiền tệ. Tiền cũ bắt đầu được đổi sang tiền mới. Đức đã phát hành tờ tiền có mệnh giá lên tới 100 nghìn tỷ.

Liên Xô

Siêu lạm phát ở Liên Xô bắt đầu sớm hơn so với Đức do sự hỗn loạn sau cách mạng và tiếp tục kéo dài tới khi kết thúc nội chiến.

Tờ 1 rúp lúc mới được chính quyền Xô Viết phát hành.
Tờ 1 rúp lúc mới được chính quyền Xô Viết phát hành.

Năm 1919, Bộ tài chính của Liên bang Xô Viết quyết định phát hành đồng tiền riêng của mình. Tuy nhiên, lý do thực sự đằng sau động thái này là chính phủ Xô Viết cần in tiền để trả những người nông dân và người lao động, lấp đầy những lỗ hổng lớn trong ngân sách.

Trong khi đó, những người nông dân Liên Xô lúc bấy giờ thích tích trữ hàng hóa thay vì mua bán chúng và họ chỉ dùng tiền để mua muối, ngũ cốc, rượu vodka và thuốc lá.

Tờ 1 tỷ rúp ra đời trong thời kỳ siêu lạm phát.
Tờ 1 tỷ rúp ra đời trong thời kỳ siêu lạm phát.

Tới năm 1922, tiền mới đã giảm giá trị khoảng 10.000 lần. Khi đó, Liên Xô cho in tờ tiền mệnh giá 10.000 rúp. Nhưng tới năm 1923, tiền lại mất giá thêm 100 lần nữa và tờ 1 tỷ rúp lại xuất hiện.

Siêu lạm phát thường kéo theo hỗn loạn. Tới năm 1924, đồng rúp mất giá 50 tỷ lần so với năm 1919, chính quyền Xô Viết quyết định tiến hành một cuộc cải cách triệt để, dùng vàng để ổn định tiền tệ và cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng dừng lại.

Còn tiếp...

Lâm Giang (Theo Rustoria)