Sự kiện tiêu dùng đáng chú ý tuần qua: Gà chết và VinaPhone!

27/02/2012 09:22
Hà Nhi (Tổng hợp)
(GDVN) - Bất  chấp cảnh báo dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại, người tiêu dùng vẫn vô tư mua thịt gia cầm không rõ nguồn gốc tại các chợ, trong khi giá thịt tăng chóng mặt...

Thịt gà tăng giá, đắt khách bất chấp dịch cúm gia cầm


Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, những ngày qua, thịt gà chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán khắp các chợ, từ chợ đầu mối cho đến các chợ tạm, chợ cóc.

Điều đặc biệt là dù dịch cúm A/H5N1 đang diễn biến rất phức tạp nhưng thịt gà vẫn không bị “ế”. Thậm chí, giá thịt gia cầm ở các chợ trong khu vực Hà Nội còn có xu hướng tăng lên.
Lo lắng về dịch cúm gia cầm nhưng mặt hàng này vẫn đắt khách với người dân.
Lo lắng về dịch cúm gia cầm nhưng mặt hàng này vẫn đắt khách với người dân.

Tại chợ Đồng Xa, chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), giá thịt gà trong mấy ngày này tăng đáng kể. Hiện giá thịt gà đang giao động ở mức 60.000 đồng/kg (thịt gà công nghiệp) đến 120.000 đồng/kg (thịt gà ta). Mức giá này so với mức giá thời điểm sau Tết tăng khoảng gần 10.000 đồng/kg.

Theo đó, sức mua của người dân trong địa bàn Hà Nội vẫn không hề giảm. Chị Hoa, tiểu thương bán thịt gia cầm ở chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), cho biết: “Trung bình tôi bán được khoảng 20-30 con/ngày. Vào ngày nghỉ, ngày lễ còn bán được nhiều hơn nữa”.

Mua gà chết 25.000 đồng/kg về làm... lẩu

Trong vai một chủ quán cơm bình dân muốn tìm gia cầm giá rẻ tại chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Long Biên, PV báo Đất Việt đã chứng kiến những hình ảnh kinh hoàng về mua, bán gia cầm chết với giá “bèo”.

Biết tôi có nhu cầu tìm gà, ngan chết, anh chồng tên P. xởi lởi: “Quán cơm thì không cần hàng ngon, cứ lấy 'hàng nằm' thôi. Loại chết còn đỏ thịt thì 25.000 đồng/kg, ngan chết thì 30.000 – 40.000 đồng/kg. Muốn lấy bao nhiêu cũng có”. Chỉ tay vào đống gà bốc mùi trước mặt, anh P. thao thao: “Dân làm lẩu toàn lấy loại hàng này, mất cánh hoặc thâm tím cũng không vấn đề gì”.
"Loại chết còn đỏ thịt thì 25.000 đồng/kg, ngan chết thì 30.000 – 40.000 đồng/kg. Muốn lấy bao nhiêu cũng có"
"Loại chết còn đỏ thịt thì 25.000 đồng/kg, ngan chết thì 30.000 – 40.000 đồng/kg. Muốn lấy bao nhiêu cũng có"

Anh P. cho biết thêm, đi buôn gà sướng nhất là mua được cả đàn gà bị bệnh, giá rẻ bán ra lãi 20.000 – 30.000 đồng/kg. Con nào khỏe khỏe chút vẫn bán hàng tươi bình thường, ốm (bệnh) thì mổ đem ra chợ bán, còn chết thì thịt ướp lạnh, cung cấp cho các quán cơm. Vợ chủ hàng thêm vào câu chuyện với lời khẳng định: “Ngan hay gà chết tụi em vẫn bán bình thường. Vấn đề là thịt còn đỏ hay đã thâm tím thì giá chênh nhau chút. Nói chung, muốn hàng gì cũng có”.

Thậm chí, một chủ hàng tên Q. trong chợ Long Biên, khẳng định: “Mở quán cơm mà lấy hàng ngon thì làm sao có lãi. Gà chết giá rẻ, nấu chín lên có mà trời biết. Các quán cơm, nhà hàng họ toàn ra đây lấy hàng”.

Nạp 25 triệu đồng tiền thẻ cào mới biết... bị lừa

Trang Vnexpress đưa tin câu chuyện hy hữu liên quan tới một cụ già bị chiêu lừa tinh vi giả danh Viettel.

 Theo đó, vào ngày 15/2, chiếc máy bàn không dây Viettel của nhà ông Hà Phi Học đổ chuông, màn hình báo số máy 01666934XXX. Nhấc máy lên, ông Học nghe được giọng của một người đàn ông nói giọng Bắc lơ lớ, tự nhận là người của Tổng công ty viễn thông Quân đội Viettel thông báo ông đã nhận được giải thưởng với tổng trị giá 180 triệu đồng trong chương trình quay số ngẫu nhiên. Cơ cấu giải thưởng bao gồm một xe môtô Honda hiệu SH trị giá 110 triệu đồng và 70 triệu đồng tiền mặt.
Trong 3 ngày, ông Học đã vay mượn, mua hết 25 triệu tiền thẻ để nộp cho kẻ lừa đảo.
Trong 3 ngày, ông Học đã vay mượn, mua hết 25 triệu tiền thẻ để nộp cho kẻ lừa đảo.

Người này yêu cầu ông Học đọc số chứng minh nhân dân, làm hồ sơ nhận tiền mặt và hồ sơ xe máy, đồng thời đưa ra 3 loại phí đăng ký xe máy cho ông Học là 1 triệu; 1,5 triệu và 3 triệu để ông lựa chọn. Sau khi ông Học chọn mức phí 1,5 triệu, người này lập tức yêu cầu ông mua thẻ cào để nộp vào số điện thoại trên 1,5 triệu đồng. Sau khi nộp xong, số máy kia tiếp tục yêu cầu ông Học nộp tiếp 500.000 đồng bằng thẻ cào để “làm cước vận chuyển xe và tiền”.

Cứ như vậy, trong suốt 3 ngày, sau 9 lần nộp thẻ với số tiền lên đến 25 triệu đồng, ông Học mới cảm thấy nghi ngờ và phát hiện mình bị lừa khi hỏi cán bộ xã và đồng thời số điện thoại kia cũng tắt máy.

Sau khi có phản ánh từ các cơ quan báo chí, Viettel đã trực tiếp gặp gỡ khách hàng để xác minh vụ việc. Qua kiểm tra seri của 277 thẻ cào mà khách hàng bị lừa, chỉ còn 9 thẻ mệnh giá 100.000 đồng, đối tượng chưa kịp sử dụng. Hiện, Viettel Telecom đã khóa tài khoản seri các thẻ trên và sẽ hỗ trợ bằng cách trả lại tiền cho khách hàng.

Bỏ 2,7 triệu đồng mua thẻ VinaPhone... hết hạn

Giữa tháng 12/2011, chị N. đang làm việc tại một công ty chuyên về nhạc số trên đường Thái Hà (Hà Nội), có mua một loạt thẻ VinaPhone có tổng cộng giá trị lên tới 2,7 triệu đồng trên đường Trương Định - Hà Nội, chuẩn bị cho gia đình bên nước ngoài về có thể sử dụng trong dịp Tết nhưng khi cào mới tá hỏa vì thẻ hết hạn.
Có thể đã có rất nhiều người mua phải thẻ hết hạn của VinaPhone trong đợt thông báo và thu hồi vừa qua.
Có thể đã có rất nhiều người mua phải thẻ hết hạn của VinaPhone trong đợt thông báo và thu hồi vừa qua.
Chị ra đại lý, nơi mình mua thẻ, yêu cầu đổi mới nhưng đại lý không đồng ý, cho rằng: Lỗi là do khách hàng đã không để ý hạn sử dụng, không cào ngay sau khi mua mà ngâm gần 1 tháng sau mới mang ra sử dụng.

Cũng theo chị N.: "Khi tôi mua thẻ, đại lý cũng hoàn toàn không hề khuyến cáo cho người tiêu dùng biết đó là loạt thẻ cào sắp hết hạn. Sau hơn 2 tháng chạy vạy nhờ vả khắp nơi không được, ngày 20/2 vừa rồi tôi gọi điện cho Vinaphone (trước khi nhờ báo Giáo Dục Việt Nam lên tiếng cho quyền lợi của khách hàng – pv), nhân viên chăm sóc khách hàng của tổng đài thông báo thẻ hết hạn vào ngày 31/12/2011 nhưng nếu khách hàng mang thẻ ra đổi sẽ được thêm thời hạn đến hết ngày 15/2, nhưng không đại lý nào nói với tôi điều này”.

Trên thực tế, trước đó, vào ngày 5/12/2011, VinaPhone đã đăng tin trên một số website cũng như thông báo rộng rãi cho các đại lý về thời hạn sử dụng Thẻ cào, Mã thẻ. Điều đáng nói ở đây là phía đại lý của VinaPhone đã không thông báo cho người mua biết để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra như trường hợp của chị N. ở trên.

Vì sao phí dịch vụ của VinaPhone tăng “phi mã”?

Phản hồi đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, anh Nguyễn Thượng Tặng (Phạm Đình Hổ - Đà Nẵng) cho biết: Tháng 6/2011, anh đăng ký dịch vụ trả sau của VinaPhone, đầu số 0917.xxx.412. Tuy nhiên, đến ngày thanh toán cước, anh Tặng không khỏi tá hỏa vì tiền cước sử dụng trong tháng cao gấp 4 lần so với trước đây, khi anh vẫn còn đang sử dụng dịch vụ trả trước.


Lo lắng phải tiếp tục bị thanh toán cước phí cao "không rõ nguyên nhân", từ tháng 8/2011, anh Tặng đành bỏ sim 0917.xxx.412, mọi mối quan hệ từ trước tới nay bỗng nhiên bị gián đoạn, công việc kinh doanh cũng như các liên lạc mật thiết trong cuộc sống thông qua sim 0917.xxx.412 bị ngắt.

“Từ khi tôi bỏ sim, tháng nào nhân viên VinaPhone cũng mang báo cước đến gửi ở văn phòng cho tôi và yêu cầu tôi đóng tiền”, dù anh Tặng tắt máy, không gọi một cuộc nào nhưng bảng báo cước vẫn hiển thị cước GPRS lên tới vài trăm nghìn đồng.
 
Trao đổi với PV, VinaPhone gửi lời xin lỗi tới khách hàng vì đã không hài lòng khi sử dụng dịch vụ.

Đối với trường hợp của anh Nguyễn Thượng Tặng – chủ thuê bao 0917.xxx.412, VinaPhone đã kiểm tra lịch sử thuê bao của khách hàng trên hệ thống và nhận thấy ngày 18/3/2011 số thuê bao này chuyển từ trả trước sang trả sau. Các gói đã đăng ký nếu khách hàng không soạn tin hủy dịch vụ khi hết hạn gói, hệ thống sẽ tự động gia hạn. Như vậy, thời điểm trước khi và sau khi chuyển đổi hình thức thuê bao, khách hàng đã đăng ký sử dụng các gói dịch vụ khác nhau với mức tiền khác nhau.

Hà Nhi (Tổng hợp)