Tài sản công là của nhà nước, của nhân dân, quyết không thể lãng phí

24/11/2016 06:10
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Chính phủ phải hành động quyết liệt, siết chặt quản lý tài sản công cũng như đầu tư công.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững (Nghị quyết số 07-NQ/TW) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhìn lại quá trình xây dựng đất nước có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua những nghị quyết của Bộ Chính trị đã tạo bước ngoặt đưa đất nước vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên như nhận định của nhiều chuyên gia, nghị quyết là hết sức cần thiết, nhưng quá trình thực hiện rất cần những biện pháp quyết liệt.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM nhấn mạnh, hành động của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết Bộ Chính trị về quản lý nợ công, cơ cấu ngân sách nhà nước.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về quản lý nợ công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước ra đời hợp với lòng dân - ảnh Đại hội lần thứ XII của Đảng (nguồn VOV).
Nghị quyết của Bộ Chính trị về quản lý nợ công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước ra đời hợp với lòng dân - ảnh Đại hội lần thứ XII của Đảng (nguồn VOV).

Nghị quyết hợp lòng dân

Thưa PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công đưa ra trong lúc này có ý nghĩa như thế nào?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra lúc này phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam, phù hợp với lòng dân, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước cũng như vấn đề làm sao nâng cao được hiệu quả sử dụng tài sản công, đầu tư công.

Trong tháng vừa qua, Quốc hội cũng đã thảo luận rất nhiều xung quanh vấn đề cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Điều đó cho thấy yêu cầu mà Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Sau Nghị quyết này để triển khai đồng bộ đạt hiệu quả cao, theo ông Chính phủ, các Bộ, Ngành phải làm gì?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Trong Nghị quyết đặt ra nhiều nội dung trong đó có việc đánh giá hạn chế, yếu kém trong vấn đề cơ cấu ngân sách nhà nước trong nhiều năm qua dẫn đến chi thường xuyên gia tăng, chi đầu tư phát triển giảm.

Hạn chế, yếu kém cũng dẫn đến hiện tượng đảo nợ xuất hiện nhiều; nợ công tăng nhanh áp lực trả nợ lớn, bội chi làm cho nợ công tăng sát trần.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, để Nghị quyết quản lý nợ công, cơ cấu ngân sách nhà nước đi vào thực tiễn cần vai trò rất lớn của Chính phủ, các Bộ, Ngành - ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, để Nghị quyết quản lý nợ công, cơ cấu ngân sách nhà nước đi vào thực tiễn cần vai trò rất lớn của Chính phủ, các Bộ, Ngành - ảnh: Ngọc Quang.

Từ thực tế đó tinh thần của Nghị quyết Bộ Chính trị hết sức cương quyết thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, đảm bảo an toàn kỉ luật trong tài chính cũng như thực hiện tiết kiệm chống lãng phí.

Bên cạnh đó tính kỉ cương, kỉ luật được đề ra rất nhiều trong quản lý tài sản công cũng như đầu tư công.

Mặt khác, trên tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Quốc hội cũng đã ban hành những nghị quyết cụ thể như: Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm 2016 – 2020; Nghị quyết về đầu tư công trong trung và dài hạn… tất cả đều chung một mục tiêu làm sao nâng cao hiệu quả đầu tư công cũng như cơ cấu lại ngân sách nhà nước để đảm bảo an toàn nợ công.

Trong nghị quyết của Quốc hội đưa ra yêu cầu mạnh mẽ, ví dụ dư nợ Chính phủ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị có thể là 55% đến năm 2020, từ tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội quyết định nợ Chính phủ là 54% (thấp hơn 1% so với yêu cầu của Bộ Chính trị) điều đó thể hiện quyết tâm của Quốc hội với tinh thần thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng.

Tài sản công là của nhà nước, của nhân dân, quyết không thể lãng phí ảnh 3

Đất nước sẽ gặp muôn vàn khó khăn với nỗi lo nợ nần

(GDVN) - TS.Trần Du Lịch đặt ra câu hỏi rất đáng phải suy ngẫm: “Vấn đề không phải là không vay nợ, mà vay để làm gì? Trả bằng cách nào? Hiệu quả ra sao?".

Tài sản công là của nhà nước, của nhân dân, quyết không thể lãng phí ảnh 4

Bộ Chính trị ra nghị quyết về chủ trương, giải pháp quản lý nợ công

Tài sản công là của nhà nước, của nhân dân, quyết không thể lãng phí ảnh 5

"Làm cái gì có hiệu quả thì triển khai và phải làm ra tấm ra món"

Tới đây, Chính phủ phải triển khai chương trình hành động hết sức cụ thể để thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị đồng thời thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể hơn, ông thấy có những nhiệm vụ gì đáng chú ý đối với Chính phủ?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Điều quan trọng nhất hiện nay giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, phải huy động vốn của xã hội, bởi đầu tư công chỉ mang tính chất mở đường.

Do đó phải có chính sách huy động xã hội hóa, huy động vốn của các thành phần kinh tế.

Hơn nữa Chính phủ phải phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước như đất đai, tài nguyên, các tài sản công.

Đặc biệt là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nơi đang giữ số vốn nhà nước lớn phải làm sao hoạt động hiệu quả.

Phải cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mạnh dạn giải thể thoái vốn những doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ kéo dài.

Tất cả hướng đến mục tiêu chung đảm bảo an ninh kinh tế, cơ cấu lại ngân sách, quản lý nợ công.

Cần Chính phủ hành động quyết liệt

Có một vấn đề rất đáng chú ý đấy là khi thực hiện quyết liệt các biện pháp cơ cấu lại ngân sách, rõ ràng không thể tránh khỏi động trạm, theo ông điều đó có ảnh hưởng tới kết quả của kế hoạch quan trọng này?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Tất cả nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành. Nghị quyết đã có giờ là lúc Chính phủ phải thể hiện là Chính phủ hành động.

Trước Quốc hội, Thủ tướng cũng đã thể hiện quan điểm rất rõ, đó là quyết tâm thực hiện Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động.

Với tinh thần làm việc của Thủ tướng Chính phủ cũng như các thành viên của Chính phủ trong thời gian qua, tôi hoàn toàn có lạc quan và niềm tin Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt Nghị của quyết Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội trong quản lý nợ công, cơ cấu ngân sách nhà nước; qua đó tạo lòng tin nhân dân và bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Trong nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rất rõ nhiệm vụ phải làm, tuy nhiên đang có những băn khoăn về cơ chế giám sát việc thực hiện nghị quyết của các bộ, ngành. Theo ông, đâu là những điểm cần lưu ý để triển khai nghị quyết đúng với tiến độ đề ra?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Trong nghị quyết của Bộ Chính trị thể hiện rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước… Nhiệm vụ của các bộ ngành như vậy là rất chi tiết, còn tiếp theo sẽ là những chỉ đạo của Chính phủ để hiện thực hóa hiệu quả Nghị quyết.

Mặt khác, nghị quyết của Quốc hội cũng đề ra mục tiêu hết sức rõ ràng, trong đó sẽ phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, của Mặt trận tổ quốc và hệ thống chính trị để triển khai, thực thi nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Quốc hội.

Cần nhấn mạnh rằng, đây là Nghị quyết phù hợp với lòng dân, phù hợp với tình hình hiện nay cho nên chắn sẽ đi vào cuộc sống.

Tôi tin Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt Nghị quyết bởi giải bài toán ngân sách không chỉ đơn lẻ giải quyết vấn đề ngân sách mà phải giải quyết bài toán cơ cấu lại nền kinh tế để thay đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Anh