Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân

12/04/2017 08:30
Mai Anh
(GDVN) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lý giải của Bộ Tài chính về việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chưa đứng về quyền lợi người dân.

Chi cho bảo vệ môi trường ra sao?

Trong cuộc họp báo định kỳ quý I/2017 của Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít là nhằm ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới.

Theo người đứng đầu Vụ Chính sách thuế việc tăng khung sẽ không ảnh hưởng tới giá xăng dầu, cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 

Ðồng thời, việc tăng khung thuế môi trường không phải là để bù hụt thu ngân sách nhà nước mà mục tiêu chính là để phù hợp với các quy định hiện tại, phù hợp thực tế giá dầu thế giới cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân - ảnh minh họa/ nguồn: Petronews.vn.
Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân - ảnh minh họa/ nguồn: Petronews.vn.

Trước lý giải của Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính về đề xuất khung thuế bảo vệ môi trường mới, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế nhận định: “Lý giải của đại diện Bộ Tài chính mới chỉ đứng trên khía cạnh người thu thuế nhà nước, đứng góc độ đảm bảo thu ngân sách”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thừa nhận trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng, chúng ta phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế vì thế nguồn thu ngân sách giảm.

Tuy nhiên việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vào lúc nào và mức tăng bao nhiêu theo Tiến sĩ Phong Bộ Tài chính vẫn chưa trả lời minh bạch.

“Dù Bộ Tài chính cho rằng không phải ngay lập thức áp mức thu thuế bảo vệ môi trường 8.000 đồng/lít mà đây chỉ là tăng khung thuế từ 1.000 – 3.000 đồng/lít lên 4.000 – 8.000 đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng những lý giải về việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính mới đứng ở góc nhìn người thu thuế - ảnh: Vân Khánh
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng những lý giải về việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính mới đứng ở góc nhìn người thu thuế - ảnh: Vân Khánh

Nhưng vấn đề ở chỗ có khung rồi nhưng mức điều chỉnh như thế nào, lý giải việc điều chỉnh để tăng lên ra sao chưa rõ”, Tiến sĩ Phong cho biết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Bộ Tài chính cần làm rõ hai vấn đề: Thứ nhất, dù Bộ Tài chính lý giải thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để tăng thu ngân sách nhưng nguyên tắc thu về thuế bảo vệ môi trường phải chi cho môi trường.

“Hiện nay mức thu và chi cho môi trường ra sao chưa được rõ. Nhiều thông tin cho rằng mức thu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu hiện nay vẫn dùng chưa hết, vậy có cần phải điều chỉnh tăng khung?”, Tiến sĩ Phong đặt câu hỏi.

Thứ hai, Bộ Tài chính cần tính toán hiệu ứng và tác động của việc điều chỉnh tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Chắc chăn khi có khung thuế bảo vệ môi trường mới thì thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ sớm được điều chỉnh tăng đồng nghĩa giá xăng tăng.

“Giá xăng tăng sẽ khiến lạm phát tăng lên, điều này ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ đồng thời giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Không cẩn thận sẽ làm chững mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm nay”, Tiến sĩ Phong lo ngại.

Khó thuyết phục đại biểu quốc hội

Ngày 10/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. 

Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thì dự kiến luật này sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến, thảo luận và thông qua trong kỳ họp tháng 10/2017.

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân ảnh 3

“Lợi bất cập hại” khi tăng thuế bảo vệ môi trường để bù ngân sách

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân ảnh 4

Đột ngột tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, hệ lụy rất khó lường

Như vậy nếu được Quốc hội thông qua có thể ngay cuối năm 2017 thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chuyên gia chính sách công Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho rằng, với những lý giải của Bộ Tài chính hiện nay về việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường sẽ khó lòng thuyết phục người dân và các đại biểu Quốc hội.

Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ chỉ rõ, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) lý giải việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường trong bối cảnh nhiều nước đã có những cải cách mạnh mẽ hệ thống chính sách thuế của mình theo hướng tăng dần tỷ trọng thu.

“Tuy nhiên, các nước tăng thu thuế nào? Có phải thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như Việt Nam hay không, điều này bộ chưa nói rõ.

Mặt khác, đại diện Bộ Tài chính viện dẫn Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc Hội và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, tuy nhiên cả hai nghị quyết này không bắt buộc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Bộ Tài chính viện dẫn hai nghị quyết này liệu có khiên cưỡng, cứng  nhắc?”, Phó Giáo sư Thọ đặt vấn đề.

Phó Giáo sư Thọ nêu quan điểm: Bộ Tài chính đưa ra thống kê giá xăng dầu Việt Nam đang thấp hơn 136 quốc gia để lý giải cho việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên dẫn chứng này không phù hợp bởi giá xăng các nước cao hơn Việt Nam nhưng trong đó thuế về môi trường chiếm bao nhiêu?.

“So sánh giá xăng dầu chúng ta thấp hơn các nước nhưng vì sao thấp? Mức thu nhập người dân với quốc gia đó thế nào? Các quốc gia kia có  đánh thuế môi trường với xăng dầu không, hay đánh thuế khác? Đã so sánh phải cụ thể, không thể chỉ dựa vào giá bán”, ông Thọ cho biết.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhiều vấn đề xung quanh tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu Bộ Tài chính chưa giải đáp rõ thì rất khó để thuyết phục dư luận và đại biểu Quốc hội - ảnh: H.Lực
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhiều vấn đề xung quanh tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu Bộ Tài chính chưa giải đáp rõ thì rất khó để thuyết phục dư luận và đại biểu Quốc hội - ảnh: H.Lực

Bên cạnh đó, ông Thọ cũng cho rằng Bộ Tài chính cần lý về việc tại sao lại đưa ra khung thuế bảo vệ môi trường từ 4.000 – 8.000 đồng/lít xăng. 

Theo chuyên gia này, khi đưa ra con số cần giải thích rõ ràng, giải thích phải dựa trên nghiên cứu thực tiễn. 

Mặt khác ông Thọ đặt câu hỏi về việc đề xuất khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính đưa ra nếu được thông qua sẽ giữ ổn định trong bao lâu? Có giảm xuống hay tăng lên không?.

“Ví dụ giá dầu tăng trở lại, giá xăng tăng cao khung này có giảm và ngược lại nếu giá dầu tiếp tục giảm thu ngân sách giảm khung thuế này có tăng để bù vào ngân sách không.

Tóm lại khung thuế này sẽ tồn tại bao lâu, 1 -2 năm nữa có tăng lên không?”, ông Thọ nêu vấn đề.

Ông Thọ khẳng định xăng dầu mặt hàng thiết yếu, nếu giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và doanh nghiệp, vấn đề này Bộ Tài chính cần tính toán kỹ.

Với những vấn đề chưa được làm rõ nếu trên theo ông Thọ Bộ Tài chính sẽ khó thuyết phục đại biểu Quốc hội thông qua đề xuất khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Mai Anh