Tham gia TTP, ngành sữa và bò thịt hưởng lợi

03/08/2015 14:28
Mai Anh
(GDVN) - Đó là một phần trong kết quả nghiên cứu tác động của TTP và AEC với nền kinh tế Việt Nam do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thực hiện.

Mức độ mở cửa càng lớn, rủi ro càng cao?

Xu hướng tự do hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế thúc đẩy các nước xích lại gần nhau thông qua hiệp định, thỏa thuận hợp tác. Việt Nam với nhiều tiềm năng đang tham gia mạnh mẽ quá trình này, trong đó có việc đàm phán tham gia  (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) và AEC (Cộng đồng kinh tế Asean).

Nhằm đưa đến cái nhìn đa chiều những tác động đến Việt Nam khi tham gia TTP và AEC, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR) vừa công bố nghiên cứu mang tên: “Tác động của TTP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam khía cạnh kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi".

VEPR cho rằng, sự hội nhập của Việt Nam trong những năm qua đã giúp mang lại cho đất nước tăng trưởng về kinh tế, đầu tư, xuất khẩu và thu nhập. Tuy nhiên mức độ mở cửa càng lớn đồng nghĩa với rủi do từ bên ngoài càng cao. 

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR) tổ chức hội thảo công bố nghiên cứu “Tác động của TTP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam khía cạnh kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi".
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR) tổ chức hội thảo công bố nghiên cứu “Tác động của TTP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam khía cạnh kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi".

Đơn cử, khi Việt Nam tham gia WTO, xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh mẽ nền kinh tế được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi nguồn vốn ồ ạt đổ vào Việt Nam, nhưng thiếu kinh nghiệm thực thi các chính sách tiền tệ đã góp phần thổi phồng bong bóng bất động sản, lạm phát tăng mạnh.

Sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam với thị trường xuất khẩu và đầu tư nước ngoài cùng những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới... là bài học cho Việt Nam.

Vì vậy việc đàm phát ký kết hợp tác FTA, TTP hay nhỏ hơn AEC là bước tiến khẳng định vị thế Việt Nam nhưng cũng đặt ra thách thức trong quá trình hội nhập. 

Theo kết quả nghiên cứu của VEPR, tác động của TTP lên kinh tế vĩ mô rất lớn. Cụ thể khi hiệp định TTP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ về 0% khiến cho doanh thu từ thuế giảm.

Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách khiến Chính phủ có thể phải tìm cách bù đắp nguồn thâm hụt này bằng các nguồn khác như tăng các loại thuế khác, tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi tiêu thường xuyên, cắt giảm trợ cấp, cắt đầu tư công… để giữ ổn định cán cân ngân sách.

Tham gia TTP, ngành sữa và bò thịt hưởng lợi ảnh 2

Hoa Kỳ quyết tâm kết thúc đàm phán TPP với Việt Nam trong năm nay

Một vấn đề khác, hiện nay Việt Nam nhập siêu từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc (những nước ngoài TTP), xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

VEPR nhận định, khi tham gia TTP, nhập khẩu Việt Nam sẽ tăng (nhập siêu) trong khi xuất khẩu có xu hưởng giảm do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TTP vào trong TTP. 

Một nguyên nhân tác động đến kinh tế Việt Nam là hàng rào phi thuế quan (thủ tục hành chính, chi phí vận chuyển, vấn đề địa lý…), sẽ ảnh hưởng xuất khẩu, giảm sức hút của Việt Nam khi tham gia TTP.

Theo nhận định của VEPR, khi tham gia TTP hàng rào thuế quan được xóa bỏ, đặt ra vấn đề mới cho Việt Nam muốn bảo vệ doanh nghiệp trong nước, bảo vệ sản xuất nội địa phải có hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên do trình độ và công nghệ hạn chế đã ảnh hưởng đến xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý.

Điều này đặt ra vấn đề Chính phủ cần phải tăng cường hỗ trợ, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật thay thế hàng rào thuế quan.

Mặc dù đặt ra nhiều thách thức nhưng theo VEPR, tham gia TTP sẽ giúp đầu tư trong nước và nước ngoài tăng mạnh tại Việt Nam. Việt Nam sẽ được gia tăng về tiêu dùng và đầu tư, mức thu nhập người dân sẽ tăng lên.

Chăn nuôi ngành sữa, bò thịt hưởng lợi

Ngoài đánh giá tác động của TTP lên nền kinh tế vĩ mô nói chung, VEPR còn có đánh giá tác động TTP lên ngành chăn nuôi.

VEPR nhận định, ngành chăn nuôi Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, chiếm đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài, khả năng và ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.

Ngành chăn nuôi trong nước sẽ đối diện với cạnh tranh ngày càng gay gắt từ hàng ngoại nhập khẩu khi Việt Nam tham gia TTP.

Toàn bộ các ngành sẽ bị thu hẹp khi tham gia TTP, đặc biệt ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn thịt sẽ bị thiệt hại.

Sự ảnh hưởng của quá trình này sẽ không được nhìn thấy ngay do thói quen người Việt Nam sử dụng thịt nóng (thịt vừa được chế biến, không phải thịt đông lạnh), nhưng thói quen tiêu dùng có thể thay đổi theo thời gian trong tương lai gần, tác động sẽ thấy rõ.

Trong khi đó VEPR đánh giá ngành sữa và bò thịt sẽ có cơ hội phát triển, tuy nhiên cần phải tái cấu trúc đẩy nhanh hơn chất lượng và sức cạnh tranh. 

Việt Nam cần tăng nhập khẩu giống bò, đầu tư quy mô trang trại tập trung, tăng diện tích trông cây làm thức ăn chăn nuôi khu vực thích hợp.

VEPR đề xuất cần nhanh chóng có quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành chăn nuôi, cho phép truy xuất được các thành phàn, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống… Qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

Lấy ví dụ sản phầm sữa nước trên thị trường, VEPR cho rằng Việt Nam là số ít các nước hiện vẫn đang tiêu dùng sữa hoàn nguyên (sữa nước được làm từ việc pha sữa bột nhập khẩu). Nguyên nhân thực trạng này do sữa tươi trong nước không đủ cung ứng, giá thành đắt. Trong khi sữa hoàn nguyên giá thành thấp cung cấp với giá thấp cho người tiêu dùng.

Thực tế thị trường, doanh nghiệp sữa cũng đang đánh đồng hai loại sữa này vì vậy cần có quy định tỷ lệ phần trăm các thành phần chính trong sữa nước và sữa chua (ví dụ bao nhiêu phần trăm sữa bột nguyên liệu, bao nhiêu phần trăm sữa tươi).

Quy định nếu là sữa tươi 100% phải ghi rõ xuất xứ trang trại nào, ngày sản xuất, vùng chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi, đóng gói…

Nếu làm được điều trên sẽ giúp minh bạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời giúp giá sữa về với thực tế hơn, giúp người dân tiếp cận sữa có chất lượng sát với giá thành.

Cùng với đó cũng giúp khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sữa tăng cường đầu tư, tăng sản lượng sữa tươi trong nước, giảm phụ thuộc và nhập khẩu.

Mai Anh