Thang máy chập chờn, mâu thuẫn tại Keangnam lại bùng phát

11/01/2012 15:49
Trần Nguyên
(GDVN) - Chiều 10/1, thang máy của tòa nhà Keangnam rơi vào trạng thái chập chờn. Khách phải chờ ít nhất 15 phút, thang mới mở cửa...
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 10/1, thang máy của tòa nhà Keangnam rơi vào trạng thái chập chờn. Khách phải chờ ít nhất 15 phút, thang mới mở cửa. Khi chuyển lên tầng cao, cư dân phải đổi thang một lần nữa; chỉ riêng việc chờ thang máy, người dân mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Khu vực vui chơi trẻ em và phòng tập thể thao cửa bị khóa trái, bộ phận lễ tân ở sảnh cũng bị cắt giảm.

Trong khi trước đó, UBND TP.Hà Nội đã có thông báo số 369, yêu cầu Công ty Keangnam Vina có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các hộ dân, nhưng bất chấp yêu cầu này, Công ty Keangnam Vina đã cắt bớt hàng loạt dịch vụ rất cần thiết phục vụ của cư dân tại tòa nhà “vip” nhất Việt Nam như tạm dừng một số thang máy, giảm thời gian chiếu sáng tại khu vực công cộng, cắt giảm dịch vụ bảo vệ, vệ sinh...
Mặc dù nhân viên dọn vệ sinh được cắt giảm nhưng Keangnam vẫn điều một số nhân viên túc trực 24/24 để mở cửa rác nhằm cho mùi hôi thối bốc ra để"hành hạ" dân.
Mặc dù nhân viên dọn vệ sinh được cắt giảm nhưng Keangnam vẫn điều một số nhân viên túc trực 24/24 để mở cửa rác nhằm cho mùi hôi thối bốc ra để"hành hạ" dân.
Trong công văn gửi tới báo chí, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, cho biết, chủ đầu tư đã miễn phí 3 tháng dịch vụ 6,7,8 cho cư dân. Đồng thời, phí dịch vụ cũng giảm từ 21.000 đồng xuống còn 18.843 đồng/m2 (đã bao gồm VAT). Giá trông xe ôtô giảm từ 1,46 triệu đồng mỗi tháng xuống còn 875.000 đồng. Trong tổng số 830 căn hộ đã có 500 trường hợp đóng phí.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, Keangnam chỉ bố trí 5 nhân viên dọn vệ sinh trong tòa nhà cho 920 căn hộ, không bố trí đổ rác tại các điểm thu gom rác thiết kế tại các tầng - trong khi quyết định 4520 qui định Quét dọn vệ sinh diện tích công cộng của tòa nhà đảm bảo sạch gọn (1 lần/ngày). Cư dân sẽ phải tự đem rác phát sinh từ căn hộ của mình xuống tập kết tại các nhà rác của tầng hầm.

Bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cư dân nhấn mạnh, với giá mua trung bình 3.000 USD/m2, mỗi căn hộ có giá cả chục tỷ, người dân kỳ vọng sẽ có điện thắp sáng ở hành lang, 20 tháng máy được vận hành đầy đủ, các phòng sinh hoạt cộng đồng hoạt động. Nhưng đến nay, dịch vụ đều không xứng với đẳng cấp. Gần 900 hộ dân tương đương với 3.600 người phải đi 8 thang máy là quá tải. Chưa nói tới việc cắt giảm thang máy là không công bằng với những người đã đóng phí đầy đủ, bà Mai cho biết.
Cầu thang máy được Keangnam cho dừng hoạt động 'để tiết kiệm điện"
Cầu thang máy được Keangnam cho dừng hoạt động 'để tiết kiệm điện"
Đến thời điểm hiện tại, một số thang máy tại tòa nhà vẫn đang bị khóa nhằm để “tiết kiệm điện” trong  khi mật độ cư dân ở đây là 920 hộ dân sinh sống trong tòa nhà cao nhất Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thang máy để di chuyển.

“Giờ cao điểm, nhiều người phải tranh thủ ra khỏi nhà sớm trước nửa tiếng vì chỉ chậm chân một chút là tắc ở thang máy. Bản thân tôi cũng không ít lần đi làm muộn chỉ vì tắc… thang máy”, anh Nguyễn Bảo, một người dân ở Keangnam tâm sự.

Ngoài những vấn đề nêu trên cũng liên quan đến phí dịch vụ, hiện Keangnam tiếp tục yêu cầu cư đân đóng phí quản lý tháng 11-12/2011 ở mức Keangnam đã quy định tức là 18.700 đồng/m2/tháng – Trong khi quyết định 4520 qui định mức phí trần 4.000 đồng/m2/tháng được UBND TP Hà Nội ban hành từ ngày 29/9/2011 - Một đại diện cư dân Keangnam cho hay.

Ban đại diện lâm thời và cư dân khẳng định: mục tiêu là mong muốn có một dịch vụ hoàn hảo, tương xứng giá trị, không phải vì rẻ, chất lượng kém. Những mâu thuẫn xung quanh vấn đề này vẫn đang tái diễn mà chưa có hồi kết.
Trần Nguyên