Thống đốc NHNN: VAMC không mua nợ xấu bằng tiền ngân sách

01/11/2013 15:00
Ngọc Quang
(GDVN) - "Việc mua bán nợ của VAMC không trực tiếp sử dụng tiền ngân sách", Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Phấn đấu mua 35 nghìn tỷ nợ xấu trong năm 2013

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các nước trên thế giới đều có các công ty tương tự như VAMC, nhưng do hoàn cảnh của mỗi nước khác nhau nên cách xử lý khác nhau, phổ biến là sử dụng một lượng tiền lớn của ngân sách để mua lại nợ của các tổ chức tín dụng.

“Nước ta còn nhiều khó khăn nên không thể rập khuôn máy móc kinh nghiệm của các nước bạn, mà phải có những cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn và hoàn cảnh của Việt Nam. Việc mua bán nợ của VAMC không trực tiếp sử dụng tiền ngân sách. Với hoạt động của VAMC thì các doanh nghiệp (DN) cũng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn, tất cả các khoản nợ mà VAMC mua lại đều không tính thành nợ xấu cho DN. Do vậy, DN có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn mới”, ông Bình nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Văn Bình. Ảnh: nguồn Internet.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Văn Bình. Ảnh: nguồn Internet.

Theo Thống đốc, sau khi mua lại các khoản nợ này, VAMC sẽ tiến hành cơ cấu lại, kể cả về lãi suất, đưa lãi suất cao trước đây về mặt bằng lãi suất hiện nay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

Trước đây nhiều DN sử dụng vốn ngắn hạn để vay chung và dài hạn, đến nay sẽ cơ cấu lại tính chất của nguồn vốn, đồng thời cớ cấu lại thời hạn cho vay, đảm bảo khả năng chịu đựng của các DN trong sản xuất thời gian tới.

Về phía các tổ chức tín dụng cũng có nhiều thuận lợi, trước đây có một phần vốn rất lớn nằm đọng ở các khoản nợ xấu thì đến nay bằng việc mua nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt, các tổ chức tín dụng có thể triết khấu tại NHNN để có thể thu được tối đa 70% giá trị của khoản nợ, để có thêm nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

“Về mặt vĩ mô, trong năm nay, chúng tôi cố gắng phấn đấu mua được 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu và cả năm 2014 con số này có thể là 100-150 nghìn tỷ đồng. Khi có một thị trường mua bán nợ xấu tập trung như vậy thì các hoạt động của thị trường sẽ tốt hơn, các khoản nợ đã được cơ cấu lại và thông qua các cơ quan của nhà nước sẽ nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết, để trên cơ sở đó tạo ra thị trường mua bán nợ tập trung cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Hiện nay có không ít nhà đầu tư trong nước và quốc tế rất quan tâm để mua lại các khoản nợ này. Tôi cho rằng, cần có cơ chế chặt chẽ vừa xử lý được nợ nhưng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư trong nước, cũng như cho phát triển kinh tế đất nước”, ông Bình nói.

Nợ xấu được xử lý thế nào?

Liên quan tới xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian qua, nợ xấu được xử lý thông qua 3 hình thức:

Thứ nhất, NHNN cho phép TCTD cơ cấu lại các khoản nợ. Đến nay, tổng số nợ các TCTD đã cơ cấu nợ cho các khách hàng vay là trên 300 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ. Trong số này có tới 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại thì đã thành nợ xấu.

Thứ hai, thông qua việc tích cực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Theo đó, trong năm 2012, hệ thống các TCTD đã trích lập dự phòng và sử dụng nguồn này để xử lý 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu, và 9 tháng đầu năm nay đã trích lập và xử lý 32 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Như vậy, nếu căn cứ vào con số xử lý của năm 2012 và 9 tháng 2013 thì đã xử lý trên 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu, bằng hơn 3% tổng dư nợ của hệ thống. Theo kế hoạch, năm 2013 các TCTD trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn này khoảng 70 nghìn tỷ đồng nữa.

Thứ ba, xử lý nợ xấu thông qua VAMC.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nếu không triển khai các giải pháp nêu trên thì nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng có thể đã tăng thêm 10% nữa, đồng thời cũng khẳng định: “Để xử lý dứt điểm nợ xấu thì phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa, đặc biệt như nhiều ĐBQH đã nêu là nếu như giải quyết được nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì sẽ góp phần giải quyết được hơn 3% nợ xấu nữa. Trong thời gian sắp tới, ngoài những giải pháp đã triển khai, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các ngành sản xuất để đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn”.

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng (TTTD), Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu như 10 tháng đầu năm 2012, TTTD mới chỉ đạt gần 3%, nhưng cả năm 2012 vẫn đạt xấp xỉ 9%. Trong khi 10 tháng đầu năm 2013, TTTD đã tăng 6,8%, nếu tính cả phần dư nợ tín dụng đã được xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro và thông qua mua bán nợ của Công ty VAMC thì thực tế tín dụng đã tăng 7,89%.

“Trên cơ sở những kết quả đạt được trong những năm qua và năm 2012, cũng như kế hoạch TTTD của các TCTD trong 2 tháng còn lại của năm 2013 thì hoàn toàn có cơ sở để đạt TTTD 11-12% trong năm nay”, Thống đốc cho biết.

Giải đáp những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về việc TTTD dồn vào cuối năm sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian vừa qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động và linh hoạt để điều hòa lượng tiền trong lưu thông một cách hợp lý. NHNN đã dự trữ một số vốn tương ứng sẵn sàng cho việc TTTD những tháng cuối năm.

“Do vậy, không ảnh hưởng tới cung tiền của NHNN và sẽ kiềm chế được gia tăng của lạm phát dù tín dụng tăng mạnh vào những tháng cuối năm”, ông Bình nói.

Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay, TS Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN nói: “Trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, mà NHTM là trọng tâm, thời gian qua đã phát triển quá nhanh. Điều kiện đảm bảo cho quản lý về vốn chưa chặt chẽ nên xảy ra một số NH kém hiệu quả, hoặc đe dọa an ninh kinh tế, hoặc gây khó khăn cho thị trường tài chính tiền tệ. Các ngân hàng (NH) đang bị thiếu hiệu quả, mất thanh khoản và có thể dẫn đến đổ vỡ. Vì thế chúng ta cần tập trung ưu tiên sắp xếp lại NH yếu kém, sau đó cần phải sắp xếp cả hệ thống NH.

Chính phủ đã nói rồi, là thời gian qua NH phát triển quá nhanh, chưa được chuẩn bị, chất lượng một số NH chưa đảm bảo làm méo mó thị trường tài chính tiền tệ, tạo ra sự ganh đua không hợp lý, như mặt bằng lãi suất, gây rủi ro cho các NH yếu kém, và gây rủi ro cho nền kinh kế, cho DN cũng như cho cả hệ thống NH.

NH có những khuyếm khuyết trong sở hữu chéo. Người ta thành lập ra công ty con, rồi vay lẫn nhau. Sự thực thì họ đã lợi dụng nguồn vốn của xã hội để phục vụ cho lợi ích cá nhân, không an toàn, làm cho nguồn vốn không vào đúng chỗ, tạo nên lợi ích cục bộ… những cái này làm cho bản thân NH rất gay go.

Ngọc Quang