Thủ tướng: "Cương quyết cắt bỏ thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp"

11/09/2014 07:22
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong đăng ký kinh doanh còn nhiều hạn chế, gây khó khăn và tăng rủi ro, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Ngày 10/9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính trong thành lập, giải thể doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát và cương quyết ngay trong năm 2014 giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, giải thể doanh nghiệp.

Vẫn còn nhiều thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết từ năm 2007 cả nước đã thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và các thủ tục liên quan đến con dấu của doanh nghiệp theo cơ chế “một cửa” liên thông. Theo cơ chế này, tổ chức, cá nhân đăng lý thành lập doanh nghiệp chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất, tại một đầu mối tiếp nhận duy nhất để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và một mã số doanh nghiệp duy nhất trên một quy trình chuẩn thống nhất trong phạm vi cả nước.

Cơ chế một cửa đã giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện 3 thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước năm 2005) xuống còn tối đa 5 ngày làm việc (kể từ năm 2008 đến nay); trong đó, thời gian cơ quan thuế cấp mã số doanh nghiệp là 2 ngày làm việc và thời gian cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ, trả kết quả cho doanh nghiệp là 3 ngày làm việc. Trên thực tế, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký doanh nghiệp là 4 ngày làm việc, trong đó có 18 tỉnh dưới 2 ngày.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cương quyết cắt bỏ thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp ngay trong năm 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cương quyết cắt bỏ thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp ngay trong năm 2014.

Báo cáo kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước được đánh giá có cải cách mạnh mẽ nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng 16 bậc. Còn theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về sự hài lòng của doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành (chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh PCI), cộng đồng doanh nghiệp luôn đánh giá lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp xếp thứ nhất về mức độ hài lòng so với lĩnh vực khác. Chỉ số này luôn tăng từ năm 2006 và đạt số điểm là 8,59/10 vào năm 2013.

“Chúng ta không thể chỉ mong muốn, kêu gọi mà ý chí của chúng ta phải thể hiện bằng luật pháp. Cái nào cấm phải nói rõ là cấm, cái nào là kinh doanh có điều kiện phải nói rõ các điều kiện; trong kinh doanh có điều kiện hay điều kiện kinh doanh, cái nào thực hiện tiền kiểm, cái nào hậu kiểm phải hết sức rõ ràng, minh bạch” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác đăng ký kinh doanh vẫn tồn tại một số hạn chế cả về quy định pháp lý và tổ chức thực hiện, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng rủi ro và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giảm tính chủ động, linh hoạt, hạn chế cơ hội kinh doanh cũng như cản trở quá trình rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp.

Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thành lập, giải thể doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một loạt các kiến nghị để giảm thủ tục cũng như thời gian. Chẳng hạn giải pháp liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh với thủ tục đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, khắc dấu dự kiến sẽ giảm được 50% số thủ tục và thời gian khởi sự doanh nghiệp chỉ còn 5 ngày thay vì 16 ngày, tương đương với các nước trong OECD (5 ngày); cao hơn các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (7 ngày), ASEAN + Trung Quốc và Timor Leste (9 ngày).

"Quản lý không phải để gây khó khăn"

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương - TS Nguyễn Đình Cung thì nếu cải cách này được thực hiện, chỉ số khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tăng khoảng 50 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, đứng ở vị trí 60/189 quốc gia, cao hơn chỉ số của 6 nước ASEAN (đứng thứ 90).

Cũng theo ông Cung, khả năng để tiếp tục giảm nữa về số thủ tục và thời gian là hoàn toàn có thể và nếu như không cần quy định một số thủ tục về nộp thuế môn bài, mua hóa đơn, mở tài khoản ngân hàng, khắc dấu ... thì tối đa còn lại chỉ là 3 thủ tục, đứng top đầu thế giới về khởi sự doanh nghiệp.

Tại cuộc làm việc, ý kiến của các bộ ngành khác cũng cho thấy nếu tiếp tục rà soát thì có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa nhiều thủ tục và quy trình khác liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Thí dụ như sử dụng mã số doanh nghiệp là mã số chung duy nhất; sử dụng chữ ký số thay cho con dấu (hiện đã cấp 410.000 chữ ký số trên 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động); thực hiện mua hóa đơn trong 1 ngày theo Quy định của Nghị định 51; bỏ thuế môn bài; bỏ quy định mua hóa đơn và nộp thế đối với người cho thuê nhà (cả nước hiện có khoảng 85.000-90.000 người cho thê nhà); giảm thủ tục và cải tiến quy trình thủ tục liên quan đến đất đai; giảm thời gian tiếp cận điện (giảm từ 132 ngày xuống 37 ngày); giảm thời gian cấp phép đầu tư xây dựng (nếu hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi cả nước sẽ giảm từ 190 ngày xuống 45 ngày).

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cải cách không phải là bỏ vai trò quản lý Nhà nước, mà là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư, kinh doanh. Cải cách là để hiện thực hóa tư tưởng của Hiến pháp là người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; hiện thực hóa tinh thần Nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước phục vụ”.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra từ đầu năm về cải cách thể chế, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, không phù hợp, gây khó khăn, chậm trễ, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; chỉ giữ lại những quy định, thủ tục mà Nhà nước nhất thiết phải giữ để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng xã hội, tuy nhiên, những quy định và thủ tục này phải thông thoáng, rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện. Cương quyết giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục ngay trong năm 2014, tức giảm từ bình quân 4 ngày hiện nay xuống còn 2 ngày.

 “Quản lý không phải để gây khó khăn mà quản lý là để tạo thuận lợi cho phát triển, cho người dân doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh; để ngăn chặn những hoạt động làm thiệt hại cho đất nước, cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn và môi trường sống của người dân”, Thủ tướng nêu rõ.

Ngọc Quang