Thủ tướng hoan nghênh Bạc Liêu bỏ nhiệt điện, chọn cá tôm

23/09/2016 07:17
Việt Hoài
(GDVN) - Không chỉ người dân Bạc Liêu mà người dân cả nước đánh giá cao khi lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chọn tôm chứ không chọn điện.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh đề xuất xin rút dự án Nhiệt điện Cái Cùng của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và hoàn toàn đồng ý chủ trương thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm của tỉnh.

Tỉnh nghèo nhưng quyết không đánh đổi môi trường biển để làm nhà máy nhiệt điện.

Bạc Liêu là một tỉnh nghèo, thu ngân sách vẫn dưới 2.000 tỷ đồng, nhưng mức chi là 3.600 tỷ đồng. Vì vậy, Bạc Liêu vẫn nằm trong top các địa phương phải nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.

Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (1.280km2), chiếm nửa diện tích toàn tỉnh. Năm nay, dù tác động xấu từ biên đổi khí hậu, nhưng dự tính, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt khoảng 3,2 tỷ USD.

Bạc Liêu còn là tỉnh có sản lượng tôm đứng thứ hai cả nước, với sản lượng khoảng 105.000 tấn/năm, mang lại giá trị kinh tế khoảng 500 triệu USD/năm; Là trung tâm sản xuất tôm giống của cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. 

Nhưng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu đã làm cho thế mạnh của tỉnh là nuôi trồng thủy sản cũng “lênh đênh” theo thời tiết.

Chính vì thế mà tỉnh Bạc Liêu tràn đầy hy vọng khi dự án Nhiệt điện được nằm trong đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII.

Hơn một năm trước thôi, ngày 11/2/2015, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã làm việc với đối tác - đại diện Công ty Kyushu và Công ty Sojitz về dự án Nhà máy Nhiệt điện Cái Cùng. Dự án được đánh giá là cung cấp một lượng điện lớn, góp phần vào sự phát triển chung của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối tác là hai công ty lớn của Nhật Bản. Trong báo cáo nghiên cứu, chuyên gia Nhật Bản đã đánh giá - tạm coi là những cam kết- về lựa chọn công nghệ, đảm bảo yếu tố môi trường cả khi xây dựng và vận hành. Không chỉ bảo vệ môi trường biển mà cả rừng đước tự nhiên của Bạc Liêu cũng được bảo vệ.

Với công ty Nhật Bản, hẳn lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu quá yên tâm để gửi gắm niềm tin về một tương lai nhà máy Nhiệt điện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hướng đi “lấy mũi nhọn” là tôm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Ảnh minh họa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hướng đi “lấy mũi nhọn” là tôm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Ảnh minh họa. 

Nhưng, theo một lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, sau thời gian tính toán, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra quyết sách, sao không chọn thế mạnh tiềm năng thủy hải sản của địa phương để phát triển.

Nếu Nhà máy Nhiệt điện ra đời, dù được cam kết không ảnh hưởng môi trường, nhưng nguồn hải sản tự nhiên của tỉnh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Tỉnh đã lựa chọn hướng đi là xây dựng trung tâm sản xuất tôm Việt Nam. Thương hiệu tôm Việt Nam từ nguồn tôm mà thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Bạc Liêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hướng đi “lấy mũi nhọn” là tôm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu: Trong nguy cơ, chúng ta đã tìm ra thời cơ để phát triển Bạc Liêu trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khi hậu.

Không chỉ người dân Bạc Liêu mà người dân cả nước đánh giá cao khi lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chọn tôm chứ không chọn điện. Nhất là dự án Nhiệt điện Cái Cùng lại nằm ven biển, thì không thể không ô nhiễm môi trường biển.

Nhân dân ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào.

Sau Khánh Hòa, Đà Nẵng… Bạc Liêu đã nói không với dự án có nguy cơ hủy diệt môi trường biển, môi trường sinh thái của thủy hải sản mà thiên nhiên đã ưu đãi cho một đất nước có chiều dài bở biển được xếp đứng thứ 32/156 nước có biển.

Lẽ nào ta lại từ chối sự ưu đãi của biển, của thiên nhiên ban tặng?

Việt Hoài