Thủ tướng không hài lòng với tình hình cải thiện môi trường kinh doanh

29/06/2015 15:46
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Quy định trên giấy mà cán bộ mình ở dưới không thực hiện nghiêm thì nói là bao nhiêu giờ cũng không thực hiện được".

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu này tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày hôm nay (29/6).

Đề cao trách nhiệm, không chỉ quy định trên giấy

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà năng lực cạnh tranh quốc gia có liên quan tới năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của từng sản phẩm. Chúng ta không làm được điều này trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì chúng ta khó đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững

Theo báo cáo thì mới có hơn 10 Bộ, hơn 10 địa phương có chương trinh kế hoạch thực hiện thôi. Các đồng chí thấy như thế nào? Vì sao như thế, bây giờ cách làm thế nào?

Bây giờ vướng mắc như thế, khó khăn doanh nghiệp như thế, tốn kém thời gian, tiền bạc như thế, bây giờ chúng ta phải tập trung làm để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế để phát triển bền vững”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu cải thiện nhanh thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Quang.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu cải thiện nhanh thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Quang.

Thủ tướng cho biết vui mừng khi đọc được thống kê, người dân Việt Nam sử dụng internet cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, đồng thời đặt ra câu hỏi: “Vì sao chúng ta lại không thực hiện dịch vụ Chính phủ điện tử được? Trước đây thu thuế là phải mang tiền đi, bây giờ thu thuế qua mạng lời biết bao nhiêu. Đương nhiên là trong quá trình làm có vướng mắc thì chúng ta phải căn chỉnh để tiến lên.

Tôi có nghe đồng chí Tổng cục thuế báo cáo là phấn đấu tới cuối năm nay 90% doanh nghiệp nộp thuế qua mạng. các đồng chí thử tưởng tượng xem như thế là đỡ biết bao nhiêu cho người dân, cho xã hội".

Từ phân tích trên, Thủ tướng Chính phủ biểu dương một số bộ, địa phương đã tích cực triển khai dịch vụ điện tử, đồng thời yêu cầu các bộ và địa phương khác tích cực triển khai hoạt động điện tử, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

“Tôi xin nhắc lại với các đồng chí là tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia mà chính là cải cách thủ tục hành chính.

Thủ tướng không hài lòng với tình hình cải thiện môi trường kinh doanh ảnh 2

 Chưa tìm ra nguyên nhân vì sao sân bay Tân Sơn Nhất nhiễu sóng lạ

Cải cách thủ tục hành chính rất nhiều giải pháp, từ cái đầu tiên là phải rà soát, kiên quyết loại bỏ những thủ tục không phù hợp, đồng thời phải đưa ngay công nghệ thông tin vào để quản lý.

Đề cao trách nhiệm không chỉ quy định trên giấy thôi đâu, quy định trên giấy mà cán bộ mình ở dưới không thực hiện nghiêm thì nói là bao nhiêu giờ cũng không thực hiện được”, Thủ tướng chỉ rõ.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu: “Với tinh thần trước đất nước, trước nhân dân, chúng ta phải tìm mọi giải pháp để đạt được kết quả cao hơn trong 6 tháng đầu năm.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cái gì còn hạn chế yếu kém, các đồng chí tập trung chỉ rõ, nói rõ cần khắc phục như thế nào. Cái tốt thì phải làm cho tốt hơn, cái hạn chế, yếu kém thì phải khắc phục cho được và không nói chung chung. Vừa qua, chúng ta cũng có một số kinh nghiệm khi chỉ rõ hạn chế yếu kém, chúng ta quyết tâm làm là có chuyển biến tích cực, mà cả xã hội đều hoan nghênh”.

Có bộ làm tốt, có bộ quá chậm

Tại buổi họp trực tuyến, đề cập tới câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh – bước đột phát cho nền kinh tế Việt Nam tiến tới hội nhập và cạnh tranh với khu vực, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Bùi Quang Vinh nêu lên một thực trạng đáng lo ngại là nhiều cơ quan, địa phương chưa tích cực đổi mới theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Nghị quyết này yêu cầu rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời chuyển mạnh sang sau hậu kiểm.

Tuy nhiên, đến nay mới có 5 Bộ đã chủ động triển khai một số hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành. Nhiều quy định về kiểm định hàng nhập khẩu gây chi phí lớn cho doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có ý nghĩa song còn với kinh tế Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có ý nghĩa song còn với kinh tế Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn

Tính đến ngày 19/6/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 của 12 Bộ và cơ quan và 12 UBND các tỉnh, thành phố, trong đó một số đơn vị đang triển khai tích cực như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, vẫn còn 13 Bộ, cơ quan và 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có Kế hoạch hành động.

Đáng lưu ý, có địa phương dù được Ngân hàng Thế giới lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh cho nước ta, nhưng đến nay cũng chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho, biết nhiều Bộ, cơ quan chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết và dự kiến kết quả đạt được có thể do chưa nắm rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết, do đó việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động chưa bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp  theo yêu cầu của Nghị quyết. Tất cả kế hoạch hành động của các địa phương đều không nêu rõ cách thức và lộ trình triển khai thực hiện.

Từ tình hình trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiến nghị Chính phủ tiếp tục đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 19. Các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các Thông tư thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết ngay trong quý III/2015.

Hoàn thành soạn thảo các Nghị định thuộc thẩm quyền đã được giao chậm nhất trong quý IV/2015; không để kéo dài sang năm 2016; các nội dung bổ sung, sửa đổi phải đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 19, đảm bảo giải quyết được một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh.

Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, phân loại tất cả các điều kiện kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước; nghiêm túc bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn hợp pháp”.

Ngọc Quang