Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện ngay lời hứa với cử tri cả nước

04/11/2018 07:00
Diệu Linh
(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng có kế hoạch triển khai thực hiện ngay những lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.

Ngày 3/11/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh qua việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, dù mỗi thành viên Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao, thấp khác nhau nhưng đều thôi thúc các Bộ trưởng, Trưởng ngành nhanh chóng khắc phục các tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá sát tình hình quốc tế và trong nước, đề ra các giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2018.

Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018 tiếp tục có bước phát triển tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, đúng hướng dự báo đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phát triển tích cực toàn diện trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp; dịch vụ. Sức mua của thị trường trong nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,4% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31% (cùng kỳ tăng 8,79%).

Tình hình xuất, nhập khẩu về cuối năm có chuyển biến mạnh mẽ, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 200,2 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, bằng giá trị của cả năm 2017. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 16,8%, tiếp tục xu thế tăng cao hơn mức tăng bình quân chung và cao hơn mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (10 tháng ước tăng 13,2%).

Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt 193,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, cán cân thương mại ước xuất siêu 6,4 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, là mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 10 tháng, cả nước có trên 109,6 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn, mức vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản giá thấp, xuất khẩu tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm. Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua có chuyển biến tích cực nhưng giải ngân vốn Trung ương tiếp tục giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể bằng gần 83% số doanh nghiệp mới thành lập, là tỷ lệ khá cao. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện ngay lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước. ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện ngay lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước. ảnh: VGP.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực hơn năm trước, củng cố thêm dự báo cả nước sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao cho năm 2018.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện ngay lời hứa với cử tri cả nước  ảnh 2

Thủ tướng yêu cầu cán bộ tự rèn luyện, không “đuổi gà qua đám giỗ”

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp và rất khó lường; đặc biệt là căng thẳng thương mại quốc tế tiếp tục leo thang; giá dầu có xu hướng tăng vào cuối năm sẽ tác động tới điều hành và nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhìn nhận trực diện vào các khó khăn, thách thức, không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp chính đã đề ra, đồng thời có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ.

Theo đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá, tiền tệ, ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách. Bảo đảm an toàn nợ công.

Điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và định hướng hỗ trợ ổn định lạm phát, duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, đảm bảo cung tiền đầy đủ cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán.

Có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng, thu hút mạnh mẽ kiều hối. Đẩy mạnh cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để khan hàng trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu nhiệm vụ được giao của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt nhằm gia tăng năng lực sản xuất; tiếp tục giải quyết các khó khăn, tồn tại của những dự án kém hiệu quả, thua lỗ.

Về lĩnh vực xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật; không để nợ đọng văn bản, xoá bỏ các văn bản trái luật. Tiếp tục triển khai quyết liệt việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Diệu Linh