Vẫn còn trên 3 ngàn thùng container nhập khẩu phế liệu vô chủ

29/12/2018 07:00
Vũ Phương
(GDVN) - Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, từ tháng 9/2018, Việt Nam đã thực hiện phương án "phòng vệ từ xa" đối với việc nhập khẩu phế liệu.

Ngày 28/12, tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thông tin trước thông tin được báo chí quan tâm là vấn đề nhập khẩu phế liệu và tồn đọng ở một số cảng biển.

Ông Hoàng Văn Thức cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập nhiều đoàn thanh tra và đề xuất phương án xử lý lên Thủ tướng.

Trước sự việc này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Thực hiện Chỉ thị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và thanh tra trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận/Giấy chứng nhận.

Theo đó, với công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dừng xem xét, cấp Giấy xác nhận cho các tổ chức, cá nhân nhận uỷ thác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg.

Tính đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 206 Giấy xác nhận cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó 164 Giấy xác nhận còn hiệu lực.

Ông Hoàng Văn Thức cho biết, chỉ cấp Giấy xác nhận đối với nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Ảnh: V.P
Ông Hoàng Văn Thức cho biết, chỉ cấp Giấy xác nhận đối với nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Ảnh: V.P

Ông Hoàng Văn Thức thông tin: “Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục xem xét cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận theo đúng quy định cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu”.

Theo đó từ tháng 6/2018 đến nay, thống kê trên cả nước có khoảng 10.000 thùng container phế liệu tồn đọng ở các cảng biển. Qua thông báo tìm chủ, lực lượng chức năng xác định được 3.029 thùng container vô chủ.

Bộ Tài nguyên Môi trường tham mưu cho Chính phủ yêu cầu các chủ tàu phải vận chuyển số container này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sau 30 ngày.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng cho hay: "Số không có hãng vận tải thì tiến hành rà soát, phân loại. Những lô hàng không đúng quy chuẩn sẽ bị tiêu hủy, còn đạt quy chuẩn thì tổ chức bán đấu giá để hoàn tiền”.

Về phương án hạn chế phế liệu không rõ nguồn gốc nhập khẩu vào Việt Nam thời gian tới, Bộ Tài nguyên đã giảm từ 36 xuống còn 23 loại rác được nhập theo danh mục. Ngoài ra, Bộ cũng ban hành hai thông tư với 6 quy chuẩn quốc gia về nhập khẩu rác; rà soát lại giấy phép đã cấp cho các đơn vị nhập khẩu rác trước đây.

"Với giấy phép cấp mới, chúng tôi chỉ cấp cho doanh nghiệp có đánh giá tác động môi trường. Các đơn vị này phải chứng minh được nhập khẩu rác về để sản xuất ra ít nhất một loại sản phẩm có giá trị cụ thể", ông Thức nói.

Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, từ tháng 9/2018, Việt Nam đã thực hiện phương án "phòng vệ từ xa" đối với việc nhập khẩu phế liệu. Trước đây các các container cập cảng xuống hàng sau đó chủ tàu mới phải điền tờ khai. Hiện khi các tàu đang ở ngoài biển, các đơn vị đã buộc phải khai có hay không giấy phép nhập khẩu rác; nếu không có thì không cho phép đi vào lãnh hải Việt Nam.

Việt Nam cũng chỉ cho phép nhập khẩu rác thải bằng đường biển, việc nhập khẩu rác bằng các loại hình vận tải khác như đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa đều không đúng quy định.

Còn trên 3 ngàn container phế thải gây ùn ứ, ô nhiễm tại các cảng. Ảnh: Báo Hải quan.
Còn trên 3 ngàn container phế thải gây ùn ứ, ô nhiễm tại các cảng. Ảnh: Báo Hải quan. 

Trả lời báo chí về vấn đề xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại cảng, cửa khẩu, ông Hoàng Văn Thức cho biết, để giảm áp lực lưu giữ, tồn đọng hàng hoá tại các cảng biển (cả nước hiện có 4 cảng biển thực hiện thủ tục hải quan lớn: Hải Phòng, Cát Lái, Bình Dương và Cái Mép) Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Cảng vụ hàng hải cảng Cát Lái di chuyển 1.200 container tồn đọng sang cảng Hiệp Phước để thực hiện thủ tục hải quan.

Thúc đẩy quá trình thông quan nhanh các loại hàng hoá, Cảng vụ hàng hải cảng Cát Lái phối hợp với cơ quan hải quan di chuyển hàng tồn đọng về tân cảng ICD Long Bình để lưu giữ và thực hiện thủ tục hải quan.

Với các lô hàng phế liệu tồn đọng, các Bộ liên quan đã thống nhất tiến hành phân định thành các nhóm phế liệu tồn đọng căn cứ trên thời gian lô hàng phế liệu về đến cảng. Những lô hàng phế liệu nào tồn đọng quá 90 ngày mà vô chủ sẽ kiểm tra, phân định và yêu cầu tái suất đối với những lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, với những lô hàng trên 90 ngày, đang tìm chủ hàng hoặc đang trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan, cơ quan hải quan tiếp tục xử lý theo đúng quy định về xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Vũ Phương