Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với Rumani và Cộng hoà Séc

19/04/2019 07:00
Hồ Thu
(GDVN) - Các nhà lãnh đạo Rumania, Cộng hòa Séc đều đánh giá cộng đồng người Việt đã hội nhập tốt, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại.

Trưa 18/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Rumani và Cộng hòa Séc.

Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt bởi sau thời gian dài mới có chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Việt Nam đến Rumani và Cộng hòa Séc, khi mà Việt Nam và hai nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang xúc tiến thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và ký kết Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).

Lễ tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay quốc tế Vaclav Havel, Prague. Ảnh: VGP
Lễ tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay quốc tế Vaclav Havel, Prague. Ảnh: VGP

Trong chuyến thăm 04 ngày tới 02 nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình làm việc bận rộn với gần 30 hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực, như:

Các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao của hai nước (hội đàm với Thủ tướng, hội kiến với Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện); gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bà con kiều bào, thăm và làm việc tại địa phương.

Tại mỗi nước, các cuộc hội đàm, hội kiến đã diễn ra thẳng thắn, chân thành, hiệu quả, đi vào thực chất, thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Rumani, Cộng hòa Séc. 

Thực hiện chuyến thăm Rumani là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam kể từ năm 1977, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Viorica Dancila.

Hai Thủ tướng cho rằng tiềm năng hợp tác còn rất lớn và hai nước cần tăng cường thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mỗi bên có thế mạnh và có nhu cầu. 

Hai Thủ tướng đánh giá cao hợp tác giữa các địa phương hai nước thời gian qua.

Hai Thủ tướng coi đây là hướng hợp tác mới dựa trên quan hệ hữu nghị truyền thống rất có tiềm năng, hai bên cần phối hợp triển khai các dự án hợp tác cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, nhất là Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thống nhất sẽ tổ chức Kỳ họp lần thứ 16 vào giữa năm 2019.

Ảnh: VGP
Ảnh: VGP

Trong hội đàm Thủ tướng Viorica Dancila khẳng định Rumani, với vai trò Chủ tịch EU trong 6 tháng đầu năm 2019, sẽ làm hết sức mình và tiến hành các bước đi cần thiết để thúc đẩy sớm thông qua EVFTA và ký EVIPA giữa Việt Nam và EU trong nhiệm kỳ Chủ tịch lần này của Rumani.

Trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Séc, diễn ra trong bối cảnh sau 12 năm mới có trao đổi cấp Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Andrej Babis.

Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là về giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, văn hóa-du lịch, hỗ trợ việc sớm mở đường bay trực tiếp Hà Nội – Praha.

Hai bên thống nhất tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Séc về hợp tác kinh tế; khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, kết nối đối tác, tham gia hội chợ, hội thảo của nhau…

Ảnh: VGP
Ảnh: VGP

Thủ tướng Andrej Babis nhấn mạnh, là người bạn thân thiết của Việt Nam đồng thời là thành viên tích cực của EU, Séc ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là sẽ thúc đẩy EU sớm hoàn tất các thủ tục để ký EVFTA và EVIPA trong vòng 1, 2 tháng tới.

Thủ tướng đánh giá cao việc Cộng hòa Séc ủng hộ sớm phê chuẩn EVFTA và ký EVIPA.

Đây là những Hiệp định có ý nghĩa quan trọng mang tính chiến lược về hợp tác kinh tế - thương mại giữa EU và Việt Nam, đặc biệt giúp các doanh nghiệp Séc và EU tiếp cận thị trường trên 90 triệu dân và mở cửa thuận lợi cho hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Trong các cuộc hội đàm tại Rumani, Cộng hòa Séc, hai bên đã thống nhất cần tích cực chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam với Rumani, Cộng hòa Séc (1950-2020).

Hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh, hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển trên thế giới, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Các nhà lãnh đạo Rumania, Cộng hòa Séc đều đánh giá cộng đồng người Việt đã hội nhập tốt, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại;

Đồng thời tin tưởng cộng đồng người Việt sẽ tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Hai bên cũng cho rằng, lực lượng đông đảo các cựu sinh viên, lưu học sinh Việt Nam đã từng học tại Rumani, Séc là một lợi thế lớn, là nhân tố quan trọng giúp gắn kết hai nước.

Sau các cuộc đàm, hai bên đã chứng kiến ký kết một số văn kiện hợp tác:

Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thú y và an toàn thực phẩm giữa Việt Nam và Rumani;

Các Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân lên máy bay về Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân lên máy bay về Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech. Ảnh: VGP

Trên cơ sở thành công của chuyến thăm, Việt Nam – Rumani, Việt Nam – Cộng hòa Séc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Dự các Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Rumani, Việt Nam – Cộng hòa Séc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, Nhà nước tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn giữa hai nước, còn chính doanh nghiệp quyết định quy mô, phương thức hợp tác, nhất là khi Việt Nam tham gia 12 FTA và hướng tới ký kết EVFTA.

Trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng đặt ra nhiều vấn đề, “bài toán” để thúc đẩy hợp tác như tại sao số lượng lao động Việt Nam sang Rumani còn ít khi mà nhu cầu lao động của Rumani rất lớn;

Tại sao trái cây nhiệt đới, thủy hải sản của Việt Nam chưa đến được thị trường Rumani khi mà nền nông nghiệp nhiệt đới Việt Nam không hề đối chọi với nền nông nghiệp ôn đới Rumani.

Tại sao số lượng khách du lịch giữa hai nước còn rất ít. Liệu có thể kết nối trực tiếp Bucharest với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hay không.

Thủ tướng mong muốn, từ Diễn đàn này, các doanh nghiệp sẽ giao lưu, trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác, “tiến tới cuộc hôn nhân thành công”.

Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, nhất là những lĩnh vực Rumani, Cộng hòa Séc có thế mạnh.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã chứng kiến ký kết các văn kiện: Bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Rumani; giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Cộng hòa Séc và một số thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc.  

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt tại Rumani, Cộng hòa Séc, gặp mặt Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu (đại diện cho cộng đồng tại 17 nước châu Âu).

Ngoài thông báo tình hình đất nước, Thủ tướng đã chia sẻ với bà con kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm, nhất là kết quả hội đàm, trong đó, lãnh đạo các nước đều đánh giá cao cộng đồng người Việt, khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc.

Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào, trong đó có cộng đồng 500 người Việt tại Rumani và cộng đồng 70.000 người Việt tại Cộng hòa Séc (được Cộng hòa Séc công nhận là một trong 14 cộng đồng dân tộc thiểu số) luôn hướng về Tổ quốc; cộng đồng đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là giữ gìn văn hóa, dạy tiếng Việt cho con cháu. 

Có thể nói, chuyến thăm chính thức Rumani và Cộng hòa Séc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thành công tốt đẹp, là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng góp phần tiếp nối và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước bạn bè Đông Âu, tạo xung lực mới thúc đẩy toàn diện các quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, đồng thời, với tình cảm chân thành, hữu nghị hợp tác cùng nhau, cả hai nước Rumani và Cộng hòa Séc đều thúc đẩy quan hệ Việt Nam với EU, nhất là thúc đẩy việc ký EVFTA và EVIPA.

Hồ Thu