VietJet mua máy bay mới: Thị trường hàng không sẽ càng khốc liệt

05/12/2014 16:00
Mai Anh
(GDVN) - “Trong khi Vietnam Airlines đang loay hoay việc tái cấu trúc thì VietJet đang trên đà phát triển…”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định.

Phá thế độc quyền

Nhận định về thị trường hàng không qua các thời kỳ, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia kinh tế cho biết: Trước năm 1991, khi hàng không Việt Nam chỉ có duy nhất 1 Vietnam Airlines (VNA), từ thị trường "độc quyền hoàn toàn" tức là toàn thị trường chỉ có duy nhất 1 hãng/doanh nghiệp tham gia bán, cung cấp 1 loại sản phẩm, dịch vụ mà hầu như là không thể có sản phẩm, dịch vụ cái nào tốt hơn để thay thế cho nó. Do vậy khách hàng muốn đi lại bằng hàng không chỉ duy nhất sự lựa chọn là VNA.

Từ năm 1991, Pacific Airline (PA) tham gia thị trường, hãng này ban đầu tuy mang tiếng là tư nhân nhưng hoàn toàn do nhà nước quản lý, thậm chí năm 1995, VNA nhảy vào làm một trong những cổ đông lớn của Pacific Airline, mãi đến năm 2005, chính phủ đã ký Quyết định số 64/2005/QĐ-TTg chuyển toàn bộ 86,49% cổ phần của VNA cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài Chính thay mặt Nhà nước quản lý, cho nên thị trường hàng không Việt Nam (HKVN) gần như không có gì thay đổi, sự có mặt của PA nhằm làm phong phú thêm cho ngành hàng không chứ không phá vỡ thế độc quyền hoàn toàn của VNA. 

Vietnam Airlines và VietJet Air bước vào cuộc chơi sòng phẳng trên thị trường hàng không
Vietnam Airlines và VietJet Air bước vào cuộc chơi sòng phẳng trên thị trường hàng không

Năm 2008, khi hãng Quantas nhảy vào mua 30% cổ phần PA để trở thành cổ đông chiến lược, lúc này đổi tên thành Jetstar Pacific Airline cũng như doanh nhân Hà Dũng xuất hiện với Air Speed Up (sau đổi tên thành Indochina Airline), lúc này ai cũng hy vọng thế độc quyền hoàn toàn của VNA sẽ bị phá vỡ với nhưng chiêu thức cạnh tranh giành thị phần nội địa đơn giản là vé giá rẻ. 

Thế nhưng thực tế đã cho thấy, với ưu thế tuyệt đối về tiềm lực tài chính, số lượng đường bay đang khai thác, tần suất chuyến bay, chất lượng máy bay và dịch vụ cung cấp, cuộc chiến giành thị phần nội địa đã nghiêng hẳn về phía Vietnam Airlines. 

Tính đến 31/12/2009, Vietnam Airlines đã vận chuyển được 6,3 triệu khách nội địa, tăng 14% so 2008. Jetstar Pacific Airlines chỉ vận chuyển xấp xỉ 1,9 triệu khách chưa bằng 1/3 sản lượng của Vietnam Airlines. Không chỉ giành thị phần tuyệt đối về vận chuyển khách, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất công bố có lãi với mức lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng. Trong khi đó, với khoản thua lỗ 30 triệu USD từ việc kinh doanh xăng dầu hàng không năm 2009, Jetstar Pacific Airlines rất khó gượng dậy sau cú sốc này.

Indochina Airlines thậm chí còn khó khăn hơn. Kể từ khi đi vào hoạt động đầu năm 2009, hãng hàng không tư nhân liên tục nợ tiền nhiên liệu của nhà cung cấp. Cho đến tháng 11/2009, hãng này đã phải trả cho đối tác chiếc Boeing 737- 800 duy nhất và ngừng hoạt động cho tới nay.

Cuối năm 2010, Air Mekong (AM) xuất hiện đầy ấn tượng cũng với chiêu thức vé giá và đường bay "độc" khiến cho thị trường HKVN sổi nổi, tuy nhiên đến đầu năm Air Mekong đã phải ngừng bay.

Trong lúc thị trường hàng không dường như lại quay lại thế độc quyền của VNA thì VietJet Air (VJA) ra đời. Ngay thời điểm mới xuất hiện, nhiều người đã lo lắng hãng hàng không này sẽ đi vào vết xe đổ của Indochina Airlines hay AirMekong, tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại.

VJA đang chiếm lợi thế

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, trong thời gian tới VietJet sẽ chiếm thị phần lớn hơn, bởi vì quy mô và sự ra đời sau và tính chuyên nghiệp và hướng đi đúng. VietJet đã đánh đúng tâm lý người tiêu dùng đưa chi phí đi lại bằng hàng không một cách hợp lý nhất, tức thị trường hàng không giá rẻ.

Trong khi đó sau với bộ máy cồng kềnh, VNA đang phải thực hiện tái cơ cấu và giai đoạn VNA đang IPO sẽ là cơ hội cho VietJet bứt lên và chiếm thị phần. “VNA đang chịu sức ép cổ phần hóa, nếu không tái cấu trúc VNA sẽ bị tụt hậu rất nhiều. Xu hướng VNA đang tái cấu trúc sẽ gặp khó khăn từ vốn, bộ máy, khách hàng. Trong khi VietJet đang đi vào ổn định đang đi lên và chiếm thị phần ngày càng lớn. Chính vì vậy VJA đang làm VNA phải suy nghĩ khi hãng hàng không này có những bước tăng trưởng”, PGS.TS Thọ cho biết.

“Thị trường hàng không hiện nay có 3 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, VietJet và Jetstar Pacific Airlines, tuy nhiên nổi lên là sự cạnh tranh của VNA và VJA. Với việc VJA đón máy bay Airbus đầu tiên trong 100 chiếc theo kế hoạch của hãng hàng không này hứa hẹn thị trường cạnh tranh quyết liệt trong thời gian tới”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận xét.

Một thuận lợi khác của VietJet là dù hãng hàng không này đang phải phụ thuộc vào việc thuê các dịch vụ mặt đất tuy nhiên để khắc phục tình trạng lợi dụng vị thế độc quyền nâng giá dịch vụ đặc biệt dịch vụ trong hàng không thì Luật Hàng không dân dụng được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 21/11 vừa qua đang có tín hiệu tích cực. Theo đó để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. 

Đối với giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai; vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp. Qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nhà nước sẽ kiểm soát giá dịch vụ hàng không để ngăn ngừa nâng giá. 

Doanh nghiệp sẽ được kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay theo nguyên tắc đấu thầu, cạnh tranh lành mạnh để thực hiện quyền bình đẳng trong hoạt động kinh doanh. 

Cùng với bộ máy quản trị hiện đại, quản lý tốt, thị trường tiềm năng nếu VietJet được tự chủ tham gia kinh doanh hoạt động mặt đất chắc chắn VietJet sẽ bứt phá. Thực tế hiện nay tình trạng chậm chuyến của các hãng hàng không nói chung và VJA nói riêng nguyên nhân đến từ dịch vụ mặt đất, đặc biệt với những hàng phải thuê dịch vụ mặt đất từ các doanh nghiệp khác.

Mai Anh