Vinaphone tự kích hoạt dịch vụ, trừ tiền để đạt mục tiêu doanh thu "khủng"?

10/07/2015 07:53
Mai Anh
(GDVN) - Để đạt chỉ tiêu doanh thu 27,1 nghìn tỷ đồng năm 2015, phải chăng Vinaphone phải dùng đến chiêu tự kích hoạt dịch vụ, trừ tiền người dùng?

Dịch vụ tự kích hoạt: Chiêu trò nhập nhèm của nhà mạng

Ngày 9/7, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh thông tin khách hàng của Vinaphone bức xúc vì nhà mạng tự đăng ký dịch vụ rồi âm thầm trừ tiền kể cả trong lúc họ đang ngủ.

Cụ thể, chị Nguyễn Thị N (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, khoảng 4h30 sáng ngày 8/7, điện thoại chị nhận tin nhắn liên tiếp từ đầu số 1344 với nội dung “Chuc mung Quy khach da dang ky thanh cong DV DAY SO VANG (5000 d/ ngay)” (Chúc mừng Quý  khách đã đăng ký thành công dịch vụ Dãy số vàng 5000 đồng/ngày).

Tin nhắn từ số 1344 gửi đến cho chị N lúc 4h30 sáng xác nhận chị tham gia dịch vụ mà chị N không hay biết.
Tin nhắn từ số 1344 gửi đến cho chị N lúc 4h30 sáng xác nhận chị tham gia dịch vụ mà chị N không hay biết.

Khi chị N phản ánh với tổng đài Vinaphone 9191 thì được biết, tin nhắn gửi từ số 1344 thông báo dịch vụ DAY SO VANG là một dịch vụ giá trị gia tăng của Vinaphone. 

Dịch vụ này được khách hàng đăng ký qua hệ thống online, tức khách hàng xem trang báo hoặc thông tin nào rồi vô tình bấm vào đường link dịch vụ sẽ tự động kích hoạt mà không phải nhắn tin gì?.

Trước câu trả lời của nhân viên chăm sóc khách hàng Vinaphone chị N cho rằng, cách làm của Vinaphone như đang bẫy khách hàng để trừ tiền.

Vinaphone tự kích hoạt dịch vụ, trừ tiền để đạt mục tiêu doanh thu "khủng"? ảnh 2

Đang ngủ, khách hàng bị ép dùng dịch vụ Vinaphone

Sau phản ánh của chị N, trong sáng 9/7 báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều độc giả sử dụng mạng di động Vinaphone cho biết, mặc dù không đăng ký nhưng vẫn bị kích hoạt dịch vụ và chịu mức phí khác nhau.

Trao đổi với phóng viên về cách thức đăng ký dịch vụ theo kiểu “bẫy” khách hàng như trường hợp chị N, ông Ngô Tuấn Anh - chuyên gia công nghệ thông tin (Công ty Bkav) thừa nhận, ngay cả bản thân mình cũng gặp phải tình trạng nhà mạng âm thầm đăng ký giùm khách hàng.

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết, hiện các dịch vụ giá trị gia tăng do nhà mạng triển khai được nhà mạng hợp tác với bên thứ 3 là các công ty thực hiện nội dung. Dịch vụ giá trị gia tăng này sẽ được đăng ký mà khách hàng không hề hay biết. 

“Khi truy cập mạng Internet, đọc báo bằng 3G trên smartphone vô tình khách hàng chạm vào đường Link dịch vụ di động trên trang báo đó, hoặc một đường Link bất ngờ xuất hiện trên màn hình nếu khách hàng không để ý chạm vào nhà mạng coi như khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ đó”, ông Tuấn Anh cho biết.

Với cách làm này, ông Tuấn Anh cho rằng nhà mạng và công ty cung cấp dịch vụ nhập nhèm đánh lừa khách hàng. Theo ông Tuấn, trường hợp nhà mạng thông qua đường Link để khách hàng đăng ký thì cũng cần phải nêu rõ.

“Ví dụ khi tôi vô tình chạm vào đường Link thì ít nhất phải có thông báo “bạn có muốn sử dụng dịch vụ ABC…” và chờ đợi khách hàng đồng ý hay không hoặc đồng ý thực hiện các bước như thế nào.

Tuy nhiên thông thường nhà mạng thay đổi câu hỏi đó bằng thông tin khác, thông tin đó không hề liên quan đến việc đăng ký dịch vụ (chẳng hạn thay bằng câu hỏi trên là thông báo “bấm vào đây để xem tiếp clip” hay “bấm vào đây để tiếp tục”…), như vậy khách hàng bấm vào thông báo đó mà không biết mình đã đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng và phải chịu mức phí nhất định”, ông Tuấn lấy ví dụ cụ thể.

Ông Tuấn khẳng định, nhà mạng phải chịu trách nhiệm trước khách hàng trong việc nêu rõ thông tin đăng ký dịch vụ để khách hàng lựa chọn. Nhà mạng phải làm việc với công ty là các đối tác, làm nội dung dịch vụ để khi xuất hiện đường Link có thể thông báo cho khách hàng biết dịch vụ thay vì đưa ra thông báo không liên quan để đánh lừa như hiện nay.

Nếu 24 triệu thuê bao Vinaphone âm thầm tự kích hoạt dịch vụ?

Trong nhiều năm trở lại đây, mỗi khi nhắc tới cụm từ "đại gia di động", người đọc sẽ dễ dàng liệt kê ra 3 cái tên đứng đầu thị trường viễn thông hiện nay là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Tuy nhiên, với thị phần và lượng thuê bao hiện nay dường như VinaPhone sẽ bị loại khỏi nhóm đại gia này.

Theo số liệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, hiện Việt Nam đang có 138,6 triệu thuê bao di động, đạt mật độ thuê bao di động là 140 thuê bao/100 dân. Trong đó mật độ người dân sử dụng 3G là 26 thuê bao/100 dân.

Trong đó VinaPhone có khoảng 26 triệu thuê bao (thực tế thuê bao di động thực phát sinh cước của VinaPhone thấp hơn con số 26 triệu thuê bao), MobiFone có 40 triệu thuê bao và Viettel sở hữu hơn 55 triệu thuê bao. Nếu chỉ tính riêng ở những số liệu này, VinaPhone chỉ chiếm hơn 20% số lượng thuê bao.

Trong năm 2014 vừa qua, VinaPhone chỉ đạt tổng thu 25,6 nghìn tỉ đồng, kém hơn nhiều so với 36 nghìn tỉ đồng (MobiFone) chứ chưa nói tới con số "khủng" hơn 196 nghìn tỉ đồng của Viettel, mà trong đó chiếm đa phần là từ lĩnh vực viễn thông.

Tổng số thuê bao trả sau của mạng này đạt hơn 1,7 triệu, tăng 2% so với cùng kỳ trong khi thuê bao trả trước đạt hơn 14,67 triệu, tăng 7,8%. 

Tuy nhiên những con số tăng trưởng năm 2014 so với 2013 không thể phủ nhận thực tế VinaPhone đang tụt lùi. Nếu như trước năm 2005, Vinaphone từng dẫn đầu thị trường thì sau 10 năm đã tụt xuống vị trí thứ ba. 

Năm 2015, Vinaphone đặt ra chỉ tiêu đạt trên 27,1 nghìn tỷ đồng, doanh thu nạp tiền từ tài khoản chính đạt hơn 11,86 nghìn tỷ đồng, doanh thu cước trả sau 5.445 tỷ đồng. Tổng số thuê bao phấn đấu đạt hơn 24 triệu thuê bao, trong đó 22,29 triệu là thuê bao trả trước và 1,85 triệu là thuê bao trả sau; tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ giá trị gia tăng so với năm 2014 đạt 10%.

Được biết, Vinaphone hiện nay có khoảng 60 – 70 dịch vụ giá trị gia tăng tính phí. Thông thường thông tin dịch vụ này sẽ gửi đến điện thoại khách hàng. Nhiều khách hàng cho rằng đó là tin nhắn rác, vô tình xóa đi nhưng cũng rất có thể, khách hàng đã bị trừ tiền trong tài khoản mà không biết.

Thử làm một phép tính nhẩm, với 24 triệu thuê bao (theo phấn đấu của Vinaphone), mỗi thuê bao Vinaphone chỉ cần âm thầm kích hoạt 1 dịch vụ/1 thuê bao với mức thu 5.000 đồng/dịch vụ/ ngay. Con số sẽ lớn mức nào?.

Phải chăng Vinaphone đang áp dụng chiêu trò tự kích hoạt dịch vụ rồi thu tiền để hướng đến doanh thu lợi nhuận khủng như các nhà mạng khác?

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên trang vienthongdidong.vn công bố tỷ lệ nhà mạng được hưởng qua việc kinh doanh đầu số tổng đài nhắn tin. Theo đó các nhà mạng được hưởng mức lợi nhuận từ 55 – 79% lợi nhuận từ tin nhắn. Trong đó cao nhất là phí tin nhắn đầu số 7xxx (15.000 đồng). Nếu mức ăn chia lợi nhuận dịch vụ giá trị gia tăng cũng được áp dụng như tin nhắn thì lợi nhuận nhà mạng thu được là quá lớn.

Mai Anh