Vụ chung cư N05: Chính quyền phải đóng vai trò làm trọng tài

09/04/2012 06:00
Thành Chung
(GDVN) - "Không thể để người dân và chủ đầu tư căng thẳng mãi thế được, chính quyền thành phố phải vào cuộc đóng vai trò làm trọng tài giải quyết các vấn đề".
Đó là trao đổi của Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam xung quanh những "lình xình" xảy ra trong thời gian vừa qua tại cụm chung cư N05 (Vinaconex).Người dân cần cảnh giác với các chiêu quảng cáo chung cư
Liên quan đến câu chuyện "lình xình" tại cụm chung cư N05 (Vinaconex) xảy ra trong thời gian qua đã đặt ra một vấn đề đó là khi còn là dự án, chủ đầu tư và những đơn vị bán chung cư thường đưa ra rất nhiều lời giới thiệu về chất lượng, dịch vụ tiện ích... của các tòa nhà, khu chung cư nhưng thực tế khi đưa vào sử dụng thì hầu hết những quảng cáo ban đầu đều không được thực hiện đúng, đầy đủ, gây bức xúc cho người dân. Trao đổi với PV báo GDVN, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng VN cho rằng, ở đây ta phải tách ra đầu tư, phát triển chung cư là một chuyện và quản lý chung cư là một chuyện và phải hết sức cảnh giác với các chiêu quảng cáo không đúng sự thật của các chủ đầu tư chung cư.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam.

"Khi đầu tư, phát triển chung cư người ta thường giới thiệu thêm các tiện ích trong chung cư, bởi cái đó nó làm tăng giá trị của chung cư lên, để khuyến khích người ta mua. Cái quảng cáo đó thì hiện nay không có ai kiểm soát cả. Cái quảng cáo này nếu đúng với những qui hoạch đã cho phép của chính quyền thì không sao cả nhưng nếu nó vượt quá đi thì đó là lừa đảo.
Người dân cũng cần phải hết sức cảnh giác với những loại quảng cáo mà không đúng thực tế, không được qui định trong hợp đồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời chính quyền cũng cần phải có trách nhiệm trong việc kiểm duyệt tất cả các quảng cáo này và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm", TS Liêm nhấn mạnh. Cũng theo ông Liêm: "Trong nền kinh tế thị trường, khi mà người mua đã ký hợp đồng, tức là anh đã thỏa thuận thành ra anh không có khả năng lựa chọn. Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện các dự án chung cư ở ta khác với nước ngoài là cho phép góp vốn, tức là chủ đầu tư lấy tiền của dân để xây dựng rồi lại bán lại cho dân, ăn lãi.  Với phương thức góp vốn như hiện nay là không đảm bảo quyền của người mua mà muốn đảm bảo quyền lợi thì theo tôi, hình thức đặt cọc, từ là gửi tiền đó vào ngân hàng nhưng không được rút ra, mà chỉ được rút ra để mua căn hộ, là phù hợp nhất. Tiền đặt cọc chính là sự cam kết bằng tiền, thực hiện lời hứa, anh làm không tốt tôi có thể rút tiền không mua nữa hoặc kiện ra tòa đòi tiền đặt cọc còn khi anh đã góp vốn thì anh buộc phải mua không được rút ra nữa vì chủ đầu tư đã dùng tiền đó làm việc khác rồi...", TS Liêm đánh giá Về câu chuyện quản lý nhà chung cư, TS Liêm cũng chia sẻ: "Quản lý chung cư theo qui định của Bộ xây dựng, một tòa nhà chung cư anh bán cho người ta, thì người ta vào ở dần, từ hộ đầu tiên đến hộ thứ 50% thì giai đoạn đó chủ đầu tư phải quản lý nhưng đến khi đủ 50% trở lên thì phải tổ chức hội nghị chung cư để cư dân bầu ban quản lý chung cư. Ban quản lý ấy mới có quyền soạn thảo điều lệ quản lý chung cư, các khoản phí thu thế nào và cư dân đều phải có trách nhiệm thực hiện... Nếu tất cả đều làm như vậy thì sẽ không bao giờ có tranh chấp nhưng thực tế hiện tại thì lại khác, chủ đầu tư dù đã bán căn hộ cho dân nhưng lại đòi quản lý người ta, áp đặt ra giá nọ, giá kia là sai hoàn toàn nên mới xảy ra những bức xúc của người dân trong thời gian vừa qua... ".Chính quyền địa phương phải đóng vai trò trọng tài trong vụ N05 Xung quanh những "lình xình" ở cụm chung cư N05 (Vinaconex) trong việc chủ đầu tư tự ý cho phép thay đổi mục đích, công năng, thiết kế của một số tầng ở các tòa nhà, chưa cung cấp dịch vụ gas chung theo như đúng hợp đồng... TS Liêm cho rằng, nếu các vấn đề đó đều đã có trong hợp đồng thì trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư và trong lúc chủ đầu tư - người dân còn đang tranh cãi nhau thì vai trò trọng tài của chính quyền là rất quan trọng.
Biên bản làm việc với nội dung đình chỉ quán ăn Ngon do thiếu giấy chứng nhận PCCC vào ngày 6/4 của CA Phương Trung Hòa (Cầu Giấy) không được đại diện chủ quán ăn Ngon ký.
Biên bản làm việc với nội dung đình chỉ quán ăn Ngon do thiếu giấy chứng nhận PCCC vào ngày 6/4 của CA Phương Trung Hòa (Cầu Giấy) không được đại diện chủ quán ăn Ngon ký.

"Thứ nhất, anh có 6 tầng đi nữa thì anh cũng chỉ là một thành viên, một chủ sở hữu so với các chủ sở hữu khác, có thể anh là chủ đầu tư, tùy vào số diện tích mà anh sẽ có bao nhiêu phiếu khi bỏ phiếu. Tuy nhiên, tất cả mọi hoạt động trong đó là nhà trẻ hay là cửa hàng, khi chưa thành lập được ban quản lý do cư dân bầu ra thì phải được sự thỏa thuận hay cho phép của các hộ dân ở đây và phù hợp với điều lệ quản lý chung cư, hợp đồng đã ký, chứ không phải chủ đầu tư muốn tự quyền làm gì thì làm. Thứ hai, khi những nội dung gì chủ đầu tư đã tuyên bố với mọi người và điều này đã ghi rõ trong hợp đồng rồi nhưng khi thực hiện lại không đúng như vậy thì người dân cần báo chính quyền đến yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện cho đúng, xử phạt hành chính... còn nếu không được thì cư dân có quyền khởi kiện dân sự", TS Liêm cho hay. Ông Liêm cũng cho rằng: "Tất cả các khoản phí quản lý chung cư thì đều phải xuất phát từ điều lệ quản lý chung cư, thỏa thuận với cư dân. Anh muốn quản lý nhiều thì phải trả phí nhiều chứ không nên vin vào các mức giá trần để mà thu, như vậy là không được". Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở chung cư N05 và nhiều chung cư khác, ông Liêm tái khẳng định: "Không nên để chủ đầu tư và người dân ở đó tranh cãi mãi được, ở đây chính quyền thành phố mà trực tiếp là sở xây dựng hoặc đơn vị đã được sở phân cấp quản lý phải vào cuộc với vai trò là trọng tài để giải quyết triệt để các vấn đề. Chứ đừng để cho tình trạng, dân đã quá bức xúc rồi mới vào cuộc thì nó không ổn. Về lâu dài, chúng ta cũng cần phải xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chung cư quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan một cách chặt chẽ hơn, phổ biến rộng rãi hơn để mọi người biết thực hiện".
Tạm đình chỉ hoạt động của 2 quán ăn Ngon và nhà hàng Long Phụng
Trước đó, vào chiều ngày 6/4, đại diện công an phường Trung Hòa (Cầu Giấy) đã có buổi làm việc với cư dân và đại diện 2 quán ăn Ngon và nhà hàng Long Phụng.
Khi yêu cầu xuất trình giấy tờ, đại diện quán ăn Ngon (tầng 1 tòa nhà 25T2) đã không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy do Sở CSPCCC HN cấp nên đại diện CA phường Trung Hòa đã lập biên bản yêu cầu đình chỉ hoạt động cho đến khi có đầy đủ giấy tờ. Dù đã được đại diện CA phường giải thích nhiều lần nhưng bà Ngô Thị Tuyết Mai (đại diện quán ăn Ngon) liên tục tỏ thái độ không hợp tác và bỏ đi không ký biên bản làm việc. Trước thái độ của bà Mai, đại diện CA phường và cư dân đã ghi rõ việc này vào biên bản làm việc.

Cùng với đó, nhà hàng Long Phụng (tầng 2 tòa nhà 29T2) cũng bị lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động do chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động, với nguyên nhân theo đại diện quản lý là Giám đốc đi vắng.

Thành Chung