Vụ vỡ ống nước sạch Vinaconex: “Thận trọng với ống sợi thủy tinh”

09/04/2014 08:05
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo TS Trần Hữu Minh (ĐH GTVT) phải rất thận trọng trong việc sử dụng công nghệ ống sợi thủy tinh trong đường ống nước sinh hoạt vì có thể ảnh hưởng sức khỏe.

Liên quan đến sự cố vỡ đường ống cung cấp nước sạch trên đường Láng – Hòa Lạc (ngày 1/4) ảnh hưởng cuộc sống 70 nghìn hộ dân các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, dù đơn vị thi công gấp rút khắc phục sự cố trong sáng 2/4, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có giải pháp cụ thể sự cố vỡ ống nước có nguy cơ tiếp diễn.

Trong khi đó, Tổng Công ty CP Vinaconex - chủ đầu tư dự án nhà máy nước sông Đà thừa nhận: Chưa xác định chính xác nguyên nhân bởi khi xảy ra sự cố đều tập trung khắc phục, không có thời gian tìm hiểu và hiện Vinaconex đang phối hợp với Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) để kiểm tra.

Trước đó, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) - ông Nguyễn Sỹ Trung khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến sự cố vỡ ông nước là do chủ đầu tư là Tổng Công ty Vinaconex không xử lý nền đất yếu. Đồng thời ông Trung cho rằng việc sử dụng đường ống dẫn nước bằng công nghệ sợi thủy tinh là không phù hợp.

Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều xung quanh sự cố này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Minh – Chuyên gia quy hoạch giao thông (Đại học Giao thông Vận tải).

Theo dõi sự cố vỡ ống nước xảy ra nhiều lần cũng như lý giải của chủ đầu tư đưa ra nguyên nhân do nền địa chất trên Đại lộ Thăng Long không ổn định… TS Trần Hữu Minh cho rằng, lý giải đó nếu nói chính xác là chưa đủ căn cứ, bởi khi thiết kế phải tính được các tình huống có thể xảy ra để đảm bảo tính bền vững của công trình chứ nếu vận hành trục trặc lại đỗ lỗi cho công trình là tư duy ngược.

“Khi nhà thầu thiết kế một công trình phải đáp ứng được yêu cầu sử dụng trước mắt và yêu cầu dự kiến, chẳng hạn khi xây dựng một cây cầu có tải trọng 20 tấn thì nhà thầu phải thiết kế tải trọng của cầu lớn hơn thế. Tương tự với đường ống nước trong dự án xây dựng… nhà thầu cũng phải có yêu cầu kỹ thuật cụ thể, khi đó nhà thầu phải thiết kế hệ thống đường ống cao hơn hoặc ít nhất là bằng yêu cầu kỹ thuật đó”, TS Trần Hữu Minh cho biết. 

TS Trần Hữu Minh – Chuyên gia quy hoạch giao thông (Đại học Giao thông Vận tải) Ảnh H.L
TS Trần Hữu Minh – Chuyên gia quy hoạch giao thông (Đại học Giao thông Vận tải) Ảnh H.L

Theo TS Trần Hữu Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, một nguyên nhân có tầng suất xảy ra rất ít nhưng có thể xảy ra như tầng địa chất không ổn định tức là các lớp dưới lòng đất va chạm, xung đột hoàn toàn có thể gây phá vỡ công trình giao thông.

Nguyên nhân chủ quan có thể do bản thân đường ống không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, hoàn toàn có khả năng bị phá vỡ chỉ có tác dụng lực rất nhỏ cũng có thể gây vỡ ống.

Bên cạnh đó theo TS Minh, nền đất yếu ảnh hưởng trực tiếp tới công trình giao thông, bởi lẽ nền đất như móng nhà, nếu nền đất yếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến tất cả các công trình giao thông bên trên như áo đường, mặt đường sẽ bị biến đổi nhanh chóng.

Ngoài ra, một giả thiết khác được TS Trần Hữu Minh đưa ra là việc vận hành trạm bơm quá áp lực, áp xuất cho phép thì ngoài áp suất có trong tính toán còn có áp suất cộng hưởng  cũng có thể dẫn đến vỡ ống.

Nhận xét về tính chất ống dẫn nước, TS Minh cho biết, ống nước sử dụng công nghệ sợi thủy tinh đang có xu hướng gia tăng nhưng trên thế giới ứng dụng đường ống bằng sợi thủy tinh chưa nhiều. Bởi đang có một số quan ngại liên quan đến chất lượng, độ an toàn của nó đặc biệt khi dùng cho sản phẩm nước sinh hoạt có một số chất trong ống nước có thể tác động làm ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt.

“Thế giới có gì hay người ta đã làm rồi, cái gì người ta chưa làm chưa phổ biến mình phải thận trọng, vì loại vật liệu có những chất có khả năng hòa tan trong nước nước ảnh hưởng sức khỏe người dân phải rất thận trọng. Với vật liệu như sắt, kẽm, đồng đã được kiểm chứng vì thế tạm thời tin tưởng còn với ống nước sử dụng sợi thủy tinh phải cần thêm thời gian”.

Theo đó trên thế giới ưu tiên sử dụng lần lượt hệ thống ống nước sinh hoạt gồm ống sắt đúc sau đó chuyển sang kim loại mềm như kẽm được sử dụng nhiều vì độ bền, dẻo, có khả năng chuyển hướng những đoạn nước dễ từ hướng đang đi thẳng sang vuông góc và không tác động đến nguồn nước. Ngoài ra còn có ống nước làm bằng thép, đồng, nhựa PVC… Khi sử dụng, ống nước kim loại vẫn bị ăn mòn vì trong nước có axit vì thế người ta có thể sửng dụng công nghệ mạ như mạ xi măng, Crôm để chống ăn mòn.

Để khắc phục tình trạng vỡ ống nước, theo TS Trần Hữu Minh việc đầu tiên thì phải tìm được nguyên nhân. Vì thế phải xem xét lại hồ sơ dự án từ quy hoạch xem điểm đặt đường ống, hướng tuyến đường ống nước có hợp lý không, vị trí đặt, công suất. Nếu quy hoạch sai sẽ dẫn đến ảnh hưởng lớn.

"Chúng ta phải có một cuộc điều tra thẩm định xem việc thi công có đúng với hồ sơ thiết kế hay không, với công suất, độ sâu ống nước, tính toán đường ống phù hợp không… Trong thiết kế có sử dụng vật liệu có hợp lý hay không”, TS Minh nói.

Tiếp theo cần kiểm tra lại quá trình xây dựng, xem lại hồ sơ thi công, phương pháp thi công, công nghệ và thiết bị thi công có hợp lý hay không. Xem lại quá trình khai thác vận hành hệ thống đường nước, vận hành trên tuyến đường có hệ thống ống nước có đúng không, quá trình bảo dưỡng đường ống

Sau khi xem xét vấn đề, có thể đưa ra phương án khắc phục. Còn trước mắt, có thể xây dựng lại một hệ thống đường ống mới hoặc có thể thay những đoạn đường ống chạy qua nền đất yếu bị hư hỏng bằng những đường ống bằng kim loại khi đó cần phải tính toán đến đường kính bao nhiêu, độ dài bao nhiêu phải căn cứ vào thực tế. 

Đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008. Nguồn nước được sử dụng từ nước mặt sông Đà đưa về hệ thống nhà máy nước sạch trên địa bàn Hà Nội để xử lý.
Hiện, hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về đến xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội).

Đây được coi là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho hơn 70.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Chính vì vậy, mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sinh hoạt sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.

Hoàng Lực