Ngày Ronaldo và Messi bị lu mờ: Giữ giá cho “El Clasico”

01/02/2013 09:33
Hoài Trinh (TTVH)
(GDVN) - Việc có quá nhiều những trận “kinh điển” trong một năm đã bắt đầu gây cảm giác thừa mứa. Ở một góc cạnh nào đó, “kinh điển” biến thành kinh khủng, hoặc… kinh niên.
“Thứ bóng đá đẹp mắt nhất hành tinh” (El mejor futbol del mundo), tờ AS ca ngợi trận cầu “El Clasico” thứ 254 bằng dòng tít lớn trên trang bìa số báo ngày hôm qua. Đó thực sự là một trận đấu đẹp nhưng vẻ đẹp được chuyển giao sang một thái cực khác, vẻ đẹp của bóng đá phòng ngự khoa học. Mỗi khi Ronaldo hoặc Messi tỏa sáng, đó luôn là một trận cầu mãn nhãn. Và sẽ còn tuyệt vời hơn thế nếu những cầu thủ xuất sắc thứ nhất và thứ hai thế giới cùng tung hứng với thứ bóng đá ma thuật của mình, như trận “El Clasico” ngày 7/10 tại Camp Nou, mỗi người lập một cú đúp để đem lại trận hòa 2-2.
Sau 3 trận “kinh điển” liên tiếp cùng ghi bàn, Ronaldo và Messi đã bị chặn đứng.
Sau 3 trận “kinh điển” liên tiếp cùng ghi bàn, Ronaldo và Messi đã bị chặn đứng.
Nhưng sự tỏa sáng của Ronaldo, Messi và cái bóng bao trùm của họ cũng hé lộ một lỗ hổng của trận cầu “kinh điển”. Đó là sự mất cân đối giữa chất lượng hàng công và hàng thủ của hai đội. Có cảm giác hàng phòng ngự Real không đủ sức ngăn chặn Messi, người đã ghi đến 17 bàn trong những lần giáp chiến và tính riêng những trận “El Clasico” ở Bernabeu, “La Pulga” đã ghi tới 8 bàn trong 4 mùa giải gần nhất. Ngược lại, hàng thủ Barca cũng đã bị CR7 khoan thủng trong 6 trận liên tiếp gặp mặt trước đó. Việc có quá nhiều những trận “kinh điển” trong một năm đã bắt đầu gây cảm giác thừa mứa. Ở một góc cạnh nào đó, “kinh điển” biến thành kinh khủng, hoặc… kinh niên. Mùa giải này Barca và Real đã gặp nhau 4 lần và sẽ còn ít nhất 2 lần nữa (bán kết lượt về Cúp Nhà Vua ngày 26/2 và trận tái đấu ở Liga ngày 2/3). Và sẽ thêm 1 hoặc 2 trận nữa nếu họ đụng nhau tại Champions League giống như hai năm về trước. Điều đặc biệt ở 3 trận “El Clasico” đầu tiên mùa này là Ronaldo và Messi đều nổ súng với mỗi người 4 bàn. Khán giả bị bội thực và sẽ càng nhạt nhẽo, nhàm chán hơn nếu một kịch bản cũ kỹ cứ lặp đi lặp lại. Nếu hai siêu sao tiếp tục rủ nhau ghi bàn, khán giả sẽ định hình một khái niệm mang tính chất tiên đề, rằng chẳng có gì có thể ngăn chặn họ. Messi và Ronaldo vượt ra khỏi mọi giới hạn vô hình trung lại chính là giới hạn của những trận cầu “El Clasico”.Ngày Ronaldo và Messi không phải là nghệ sĩ Nghệ sĩ ở Bernabeu thật kỳ lạ lại là hai trung vệ Varane và Pique. Bóng đá tấn công là một nghệ thuật nhưng phòng ngự cũng làm nên vẻ đẹp của bóng đá. Đêm thứ Tư ở Bernabeu có ít bàn thắng và những pha trình diễn kiểu bóng đá đường phố nhưng vẫn là một trận đấu rất chất lượng. Ở một khía cạnh nào đó, việc các hậu vệ ngăn chặn được Ronaldo và Messi đang ở đỉnh phong độ và chỉ 3 ngày trước còn ghi tổng cộng 7 bàn còn thú vị hơn nhiều so với việc họ lại một lần nữa nổ súng.
Ronaldo, Messi không còn là nghệ sĩ ở trận "El Clasico".
Ronaldo, Messi không còn là nghệ sĩ ở trận "El Clasico".
Trước trận đấu, khán giả chờ đợi Ronaldo sẽ lập kỷ lục ghi bàn trong 7 trận “kinh điển” liên tiếp và Messi chinh phục kỷ lục ghi 18 bàn trong các trận “El Clasico” của huyền thoại Di Stefano. Nhưng sau tiếng còi mãn cuộc, những ấn tượng lớn nhất được lưu giữ lại là những pha xoạc bóng. Đầu tiên là cú phá bóng của Varane ngay trên vạch vôi khi Xavi sút nhằm vào lưới trống trong tình huống Messi cướp được bóng từ đường chuyền về của Carvalho. Tiếp theo là một pha xử lý hay khác của trung vệ 19 tuổi khi anh băng về rất nhanh xoạc bóng cứu cho Real khi Fabregas đối mặt với Diego Lopez. Gerard Pique cũng để lại dấu ấn với cú xoạc bóng tuyệt vời đánh bại Ronaldo trong tình huống mà nếu chỉ cần chậm 1/10 giây, bóng có lẽ đã nằm gọn trong lưới Pinto. Đó là một trận đấu mà ngoại trừ đường chuyền kiến tạo cho Fabregas, Messi gần như đã biến mất trên sân, đặc biệt là trong hiệp 1 và trên khán đài Bernabeu rộ lên những tiếng hô nhạo báng: “Messi, Messi dưới trung bình”. Ronaldo khá hơn một chút nhưng dưới sức ép của tấm băng đội trưởng trên tay cũng đã bỏ phí cơ hội vàng để ghi bàn với pha đánh đầu trượt từ cự ly chỉ vài mét sau quả tạt của Essien. Nghệ thuật phòng ngự là khái niệm ngày càng trở nên xa xỉ trong bóng đá hiện đại bởi sự ra đời của những cầu thủ tấn công thượng thặng cùng những yếu tố phụ trợ như mặt cỏ hay chất liệu bóng giúp các cầu thủ tấn công luôn có lợi thế. Tuy nhiên, trận “El Clasico” này lại là một ngoại lệ khi Varane và Pique phủ mờ Messi và Ronaldo. Họ tung ra những cú xoạc đúng lúc, chuẩn xác và tỷ số trận đấu được quyết định bởi những cú xoạc bóng ấy. Raphael Varane là một nét chấm phá táo bạo trong trận cầu “El Clasico”. Không bạo lực, liều chết như Pepe, lối phòng ngự của anh mang sắc màu lãng mạn của người Pháp (là hậu vệ nhưng thần tượng lớn nhất của anh lại là Zidane). Đã xuất hiện những lời tán dương anh như một “Hierro mới” và anh mang dáng dấp của những nghệ sĩ phòng ngự Ý như Maldini, Nesta, Cannavaro… Hàng triệu khán giả đã thổn thức khi Messi dắt bóng qua một loạt hậu vệ Real ở trận “kinh điển” năm 2011. Hàng triệu người khác mỉm cười khi Ronaldo đánh đầu trái phá ghi bàn ở trận chung kết Cúp Nhà Vua tại Mestalla. Nhưng cũng sẽ có cả triệu người hạnh phúc vì Messi và Ronaldo bị ngăn chặn, một bằng chứng cho thấy họ vẫn là người trần, không phải thần thánh. Những bộ phim thần thoại chưa chắc đã được xem nhiều bằng những bộ phim hành động người thật việc thật. Kết quả này tạo động lực cho Messi và Ronaldo ở những trận đấu sắp tới và tạo cảm hứng cho khán giả trong những trận “El Clasico” tiếp theo.
15
Tổng giá trị chuyển nhượng của Pique và Varane (Pique 5 triệu euro, Varane 10 triệu euro) nhưng cả hai đã ngăn chặn thành công hai siêu sao tấn công giỏi nhất là Ronaldo và Messi.

4
Varane đã ghi bàn thắng thứ tư cho Real sau 2 mùa giải với tổng cộng 33 trận ra sân. Mỗi mùa anh 1 bàn tại Liga và 1 bàn tại Cúp Nhà Vua.

19
Tổng số bàn thắng của Messi và Ronaldo ghi được trong tháng 1 dừng lại ở con số 19.
Hoài Trinh (TTVH)