Nhật ký Lớp học Hy vọng:

Mệt rũ vì truyền hóa chất vẫn đòi cõng đến Lớp học Hy vọng

29/11/2011 08:27
Kim Ngân
(GDVN) - Hàng ngày, chị Hồng vẫn cõng đứa con trai từ tầng 7 xuống tầng 1 để cho con mình được cắp sách đi học như các bạn khác.

Còn nước còn tát

Hầu hết các em đang theo học ở lớp học Hy vọng tại Bệnh viện Nhi Trung ương đều mắc căn bệnh ung thư quái ác. Hàng ngày, những người mẹ vẫn kìm những giọt nước mắt, giành dùm chắt chiu từng đồng để chữa cho con mình khỏi bệnh.

Mặc dù hàng ngày vẫn thấy bệnh nhân nhi chết hay nhập viện ở khoa Ung Bướu và biết rằng phần trăm thành công chỉ là 50%, nhưng những người mẹ vẫn không chùn bước, cương quyết theo đến cùng, bởi họ nghĩ “còn nước còn tát”. Chị Đào Thị Hồng – mẹ của bé Nguyễn Thanh Nam là một người như thế!

Nguyễn Thanh Nam, 7 tuổi, bị u hạch di căn sang ung thư máu

Được biết, khi đang học lớp 1, em Nam không may mắn mắc căn bệnh u hạch, phải nhập viện để điều trị hơn 5 tháng. Tưởng chừng Nam khỏi bệnh, ai ngờ chị Đào Thị Hồng bàng hoàng khi đọc được kết quả con mình bị di căn sang ung thu máu.

Vừa nhìn đứa con Nguyễn Thanh Nam (7 tuổi) qua cửa kính lớp học, chị Hồng tâm sự: “Bệnh này ngày nay chẳng biết ngày mai, nhưng thương con nên muốn theo con đến cùng. Ít nhất là 3 năm mới hết đợt điều trị, cũng chỉ mong con sống được thêm năm nào hay năm ấy.  Hy vọng đến lúc khoa học tiên tiến, chữa khỏi hẳn cho nó để nó sống khỏe mạnh như những đứa trẻ khác”.

Dừng một lúc, chị lặng lẽ quay đi gạt nước mắt nghẹn ngào nói: “Suốt một tháng Nam sốt cao, 16 ngày truyền nước, tiêm thuốc ròng rã. Vì cháu bị tràn dịch phổi, nhiễm trùng máu nên các bác sỹ đều lắc đầu và bảo bố mẹ phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trong trường hợp cháu xấu nhất. Hai vợ chồng không dám rời cháu nửa bước, túc trực cả đêm. Trong thời gian đầu điều trị, cháu giảm cân liên tục, từ 21 kg xuống 14 kg, tóc thì rụng gần hết, chân tay bé tí khô hết. Bà của cháu thấy như thế, xót nên khóc suốt. Lúc đó, Dì của cháu vào thăm ở bệnh viện, thấy cháu nằm bẹp như thế mà ngất xỉu”.

Chị Hồng hàng ngày chỉ cần thấy con mình khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ là điều hạnh phúc nhất của chị. Hàng ngày, hàng giờ chị cùng con “chiến đấu” lại căn bệnh ung thư trong bệnh viện.

Từng ngày, từng giờ giành giật hi vọng được sống

Mỗi đợt điều trị kéo dài 25 ngày nằm tại viện, kéo dài ít nhất 3 năm. Mọi công việc trong gia đình đè lên vai người chồng. Mặc dù không có nghề ổn định, có 2 sào ruộng với việc làm thuê mướn ở Hưng Yên nhưng chị luôn cương quyết: “Không thể vay mượn thêm nữa, thì dù có phải bán nhà cũng phải chữa trị cho con. Nếu đem cháu về nhà, cháu có làm sao thì chị sống cũng như chết”.

Chị xúc động kể lại về buổi đi học đầu tiên của Nam sau đợt điều trị u hạch, chị nghẹn ngào: “Cháu háo hức cùng tôi đến trường thật sớm. Vừa đến cổng trưởng, các bạn đã ùa ra trêu cháu bị bệnh trọc cả đầu, bị đúp xuống lớp 1. Cháu khóc, tôi chỉ biết ôm cháu rồi hai mẹ con cùng khóc”.

Chị Hồng sợ ra ngoài hay về quê bởi chỉ bước ra khỏi khoa Ung Bướu là chị thấy suy sụp vì thương xót bệnh tình của con trai mình. Mỗi lần về quê, mọi người hỏi thăm, nghe thấy Nam nói chuyện với chị: “Em bị di căn, nếu em có chết, chị đừng có thương em mà khóc nhiều nhé!” là tim chị thắt lại.

“Mấy chị em trong nhà thấy cháu gầy đi, xót nên bảo đưa cháu về quê nghỉ. Cũng vì không thể vay tiền ở đâu được nữa. Nhưng hai vợ chồng cương quyết không dừng lại, tiếp tục để cháu trên này, hy vọng sẽ thuyên giảm”, chị Hồng tâm sự.

Có hôm rất mệt nhưng Nam vẫn đòi mẹ cõng xuống lớp

Nằm viện cùng con đã hơn một năm nay, chị không dám khóc trước mặt con. Chỉ cần Nam ăn được mấy miếng cháo là chị Đào quýnh quáng cả lên. Từ ngày có lớp học Hy vọng, chị luôn động viên con đến lớp học cùng các bạn cho vui vẻ, thoải mái. Mỗi lần con đi học về, chị đều hỏi xem hôm nay học môn gì, có vui không, hôm nay có bạn nào mới không…

Có lần Nam tiêm một mũi hóa chất, mệt nên không đi được, nhưng vẫn cố ngồi dậy nhờ mẹ cõng xuống ngồi cùng các bạn cho vui. Nhiều lúc tay đau vì lấy ven, nhưng vẫn đòi xuống lớp nghe cô giảng bài.

Mắt chị ánh lên niềm hi vọng, quyết tâm giành giật sự sống cho đứa con trai nhỏ của chị. Năm ngoái 29 Tết chị xin bác sỹ đưa Nam về quê chơi cho khuây khỏa. Còn năm nay, chị chỉ im lặng lắc đầu: “Tết phụ thuộc vào bệnh tình của con. Nó khỏe thì về, không khỏe thì ở lại. Chỉ mong con mình khỏe mạnh là mừng lắm rồi”.

Kim Ngân