Nhật ký Lớp học Hy vọng:

Nụ cười không bao giờ tắt trên những cơn đau

08/12/2011 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - Ấn tượng đầu tiên về bé Lê Thị Sâm (7 tuổi) là học sinh hay cười nhất, nhí nhảnh nhất lớp học Hy vọng.

Sâm là một trong những học sinh nhỏ tuổi nhất lớp học Hy vọng. Mặc dù hàng ngày đi học đều phải nhờ mẹ bế xuống lớp, từng bước cà nhắc khó khăn bước vào chỗ ngồi nhưng Sâm luôn để lại ấn tượng sâu sắc bởi em là cô bé hay cười, chăm học và “điệu đà” nhất lớp học Hy vọng.

Nhẹ nhàng đặt con trước cửa lớp học, chị Phạm Thị Phương (mẹ của bé Sâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho biết Sâm không may mắn mắc căn bệnh thoát vị màng não tủy, ở BV Nhi Trung ương hơn một tháng nay.
Mặc dù tay chịu nhiều kim truyền, nhưng bé Sâm vẫn chăm chỉ đến lớp học Hy vọng

8 tháng tuổi con đã phải đi chữa bệnh

Nuốt nước mắt vào trong, chị Phương từ từ kể lại khoảng thời gian hơn một năm sau khi cháu sinh, vợ chồng chị chạy ngược chạy xuôi đến khắp các bệnh viện từ huyện, tỉnh đến thành phố Hà Nội để chạy chữa cho cô con gái bé bỏng của mình. Khi mới được 8 tháng tuổi, Sâm không ý thức được việc đi tiểu, “đi ngoài”.

Chị nghẹn ngào kể lại: “Mới sinh ra, sau lưng của cháu xuất hiện hai cái mụn, cứ to dần dần thành cái cốc. Cả nhà cuống cuồng đưa cháu lên bệnh viện Việt Đức để khám. Bác sỹ nói cháu bị liệt 2 chi, nên không tự cho chất thải ra ngoài được. 8 tháng tuổi cháu phải làm quen với thuốc sát trùng, với bệnh viện và những cơn đau khi mổ”.

Tưởng rằng may mắn đến với em sau ca mổ đó, nhưng nỗi đau ập xuống gia đình chị khi bé Sâm đang học dở lớp 1, cháu bị ứ nước thận và phải đi cấp cứu ở bệnh viện Nhi để rồi… ước mơ đến trường của em bị trì hoãn.

Niềm vui của mẹ con chị Phương khi hàng ngày được đến lớp học Hy vọng

Hơn một tháng nay, từ sáng đến tối bé Sâm chịu đựng hàng chục mũi tiêm truyền kháng sinh. Mỗi ngày 3 lần trong suốt 20 ngày tiêm liên tiếp khiến cơ thể em gầy yếu đi nhiều. Nói đến đây, chị lặng đi một lúc rồi xúc động nói: “Giờ cháu có được 13 cân thôi cô ạ. Cháu không chịu ăn, nhiều lần truyền xong cháu nằm bẹp một chỗ, tôi chỉ mong cháu húp được thìa cháo cho tỉnh người là mừng lắm rồi”.

Căn bệnh này hành hạ em bằng những cơn đau quặn lên. Mỗi lần lên cơn đau, không chịu nổi, em kêu lên: “Đau quá mẹ ơi cứu con với!”, khiến chị Phương ứa nước mắt vì thương con.

Có những đêm, Sâm sốt cao chị Phương chẳng thể ngủ nổi, ngồi lặng lẽ trông con. Khi nào tiêm truyền, lấy ven rất đau nhưng Sâm cũng không khóc, chỉ ngồi im lặng vì mẹ nói “Tiêm để khỏi bệnh”.

Bốn sào ruộng ở quê được chia theo khẩu không đủ nuôi 6 miệng ăn, cả hai vợ chồng chị Phương chạy vạy khắp nơi vay anh em, bà con để giành giật từng phút, từng ngày sống của cô con gái nhỏ. Bố của em hàng ngày làm thợ xây, phu hồ kiếm đồng ra đồng vào mang lên viện cho hai mẹ con chi trả tiền thuốc men, viện phí, ăn uống.

Quan sát đứa con kém may mắn của mình nắn nót viết từng chữ, tôi thấy mắt chị Phương đo hoe, nước mắt chực nhỏ xuống gò má đã sặm đen, gầy gò. Chị quay đi, nhìn xa rồi bùi ngùi tâm sự: “Điều tôi mong muốn lớn nhất bây giờ là con tôi được trở lại là người bình thường như bao người khác”. Bởi theo chị bác sỹ chưa có biện pháp để bé tự thải chất thải ra ngoài được. Có thể ca mổ sắp tới phải dẫn ra ngoài hông cho cháu, chứ không được để như bình thường.

Nụ cười không bao giờ tắt

Mặc dù phải đi viện hai năm nay, nhưng mỗi lần về quê bé Sâm đều đòi mẹ đèo đi học cùng các bạn. Sâm khoe rằng em thích học môn Toán, Tập đọc và hát nhất. Và dù phải nằm viện “có thâm niên” nhưng không lúc nào ước mơ được đi học biến mất trong em.

Được mẹ đăng ký học ngay từ hôm khai giảng “Lớp học Hy vọng”, Sâm hí hửng tươi cười cả ngày vì sắp được đi học. Ngày đầu tiên đi học, Sâm đã hào hứng kể với mẹ hôm nay được phát cặp mới, vở mới, bút mới, hộp sáp màu Đô rê mon mới…

Hàng ngày phải tiêm kháng sinh, đi học lần nào cũng kéo theo túi thông vào bàng quang, nhưng khi thầy cô hỏi có đau không, Sâm đều lắc đầu cười tươi thẹn thùng hở mấy chiếc răng sún ra trả lời: “Con không đau, con không mệt!” khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.

Ánh mắt chị Phương ánh lên hạnh phúc khi kể về niềm ham học của cô con gái mình, chị tâm sự: “Có những bữa cháu say thuốc, mệt rũ người ngồi siêu vẹo, chân tập tễnh nhưng vẫn đòi mẹ bồng xuống lớp cùng các bạn”.

Bé Sâm hào hứng, nhí nhảnh chơi trò chơi đoán số cùng thầy giáo của Trung tâm Apollo

Mỗi buổi học, vừa ra đến hành lang bệnh viện, Sâm đã khoe với mẹ hôm nay con vẽ con cá, vẽ ngôi nhà; được học bài hát tiếng Anh, được xem ảo thuật, được cô giáo khen chăm học; được hai điểm 10, một điểm 8 môn Toán và Tiếng Việt của cô giáo Tự.

Mới 7 tuổi, bắt đầu làm quen với các từ, các câu nên Sâm chép bài giảng rất chậm. Nhưng không vì thế mà khiến em chán, mà Sâm cặm cụi, nắn nót tập viết từng chữ một. Buổi học tiếng Anh nào, Sâm cũng đọc to rõ ràng cùng các anh chị lớn hơn mà không ngại, đặc biệt em thích những trò chơi vận động trong bài giảng giờ tiếng Anh của các thầy “Tây to lớn như người khổng lồ” đến từ trung tâm Apollo.

Mặc dù chân bị đau, bước từng bước khó khăn, nhưng bé Sâm hàng ngày vẫn vui vẻ đến lớp

Mỗi lần thầy cô hỏi, Sâm chỉ bẽn lẽn, nghiêng đầu cười tủm tỉm rồi trả lời nhỏ nhẹ. Cơ thể gầy gò 13 kg của em không ngăn nổi bước chân em đến lớp; những cơn đau bệnh tật cũng không dập tắt được nụ cười tươi và niềm hy vọng của em…

Mọi sự ủng hộ Lớp học Hy vọng xin gửi về:

- Quỹ Tấm lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Kim Ngân