Con khoán cân nuôi mẹ già 82 tuổi nặng 38 kg

28/01/2013 13:28
Đất Việt
Sinh được hai người con trai và ba cô con gái, ai cũng bảo bà Viễn hạnh phúc vì có cả trai và gái. Nhưng trái lại, cuộc sống của bà chẳng khác nào người ở. Hai người con trai phân chia mỗi người nuôi mẹ già 1 tháng.

Nghĩ mẹ nhiều tiền, tranh nhau đón rước

Cụ bà Trần Thị Viễn sinh năm 1931 là người già nhất của trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ của hội phụ nữ TP.Hà Nội. Câu chuyện của bà khiến nhiều người nghe xúc động, thương bà cụ bao nhiêu lại căm phẫn những đứa con của bà bấy nhiêu.

Bà kể về cuộc đời nhiều sóng gió của mình cho những người tư vấn nghe khiến họ phải rơi lệ. Bà sinh ra tại vùng dân ca quan họ Bắc Ninh. Đến năm 1945, bà mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các anh em trong nhà mỗi người bỏ đi một phương. Đến giờ này bà cũng không hay anh em ruột thịt của mình còn sống hay đã mất.
Ngày còn trẻ, bà thường hay tham gia hát quan họ ở xã, ở thôn. Năm 22 tuổi, bà cụ Viễn lấy chồng là người đàn ông cùng xã. Năm 1970, chồng cụ qua đời trong một chuyến đi sang Bắc Kạn vì bệnh sốt rét.

Từ đó, một tay cụ chăm sóc năm người con. Ba cô con gái lớn trưởng thành và lập gia đình ở xa. Người lấy chồng gần nhất ở Hưng Yên, người ở tận trong Tây Nguyên. Năm 1990, bà vào nhà con gái lớn ở Gia Lai sống. Hai cậu con trai ở nhà lần lượt lập gia đình và tự phân chia đất cát của bà để lại.

Một thời gian sau, bà khăn gói về quê. Bà hi vọng mình sẽ được hưởng một tuổi già an nhàn với các con cháu ở quê. Nhưng bà không ngờ rằng từ đây biết bao bất hạnh, sóng gió đổ xuống cuộc sống lúc về già chỉ vì bà không còn tiền cho con cháu nữa.
Thời gian đầu, mẹ già ở xa về, hai người con dâu của bà đon đả đón mời mẹ về nhà mình ở. Ai cũng nghĩ bà nhiều tiền, lắm của nên đón rước bà mong nhận phần của cải bà để lại. Hai người con dâu ganh tị nhau phân chia nuôi bà ăn từng bữa.
Cụ bà Trần Thị Viễn
Cụ bà Trần Thị Viễn

Ở nhà ai, bà cũng chi tiêu chuyện ăn uống cho con cháu. Khoảng hai năm sau, số tiền bà mang về từ miền nam đã không còn. “Biết tôi không còn tiền chúng nó bắt đầu thay đổi thái độ cả đứa lớn đến đưa bé” – bà Viễn nhớ.Ở nhà con gái, dù đã già nhưng bà vẫn lam lũ kiếm tiền gửi về quê bù phụ cho con trai, con dâu để chăm cháu. Những ngày ở xa, hai người con dâu của bà đều hay viết thư thăm hỏi, động viên mẹ chồng. Mỗi ngày sức khỏe càng già, bà không đi làm thêm được nữa nên muốn về quê dưỡng già.

Hai người con trai đều nhu nhược, nghe vợ, không ai dám lên tiếng đón mẹ về nuôi. Con dâu tai quái tự phân chia nhau thời gian nuôi mẹ. Theo phân chia của vợ chồng người con trai lớn, mỗi tháng bà sẽ khăn gói chuyển đến một nhà ở.  Bà trở thành một món hàng bị con cái đẩy hết nhà nọ đến nhà kia. Căn nhà cũ của bà bị chúng đập ra xây mới và lấy tên nhà của chúng nên bà chỉ đi ở nhờ.
Người con trai lớn tên Vinh. Vinh buôn bán vật liệu xây dựng nên kinh tế ổn định. Còn người em trai chỉ làm nông nên nghèo, hơn nữa lại đông con nên miếng ăn no đủ cũng khó.
Cứ mùng hai đầu tháng, bà lại dọn quần áo cho vào túi xách mang sang nhà con ở. Lần lượt, hết tháng này đến tháng khác. Ở nhà Vinh, bà Viễn được ăn uống đầy đủ chất hơn nên da dẻ sáng hơn khi ở nhà người em.
Chia sẻ về cuộc sống ở nhờ nhà các con, bà Viễn ngân ngấn nước mắt: “Cậu con trai út nghèo, chỉ có cơm với rau, muối nên tháng nào ở nhà nó tôi ăn ít hơn. Thương con, thương cháu có thức ăn ngon tôi đều dành cho chúng. Mỗi bữa, tôi chỉ ăn tạm một bát cơm cho đỡ đói. Còn về nhà thằng Vinh thì cơm no, có thịt có cả nên tăng cân”.
Con dâu cả thấy mẹ già ở nhà mình ăn ngon, tăng cân nên đã xui chồng bày ra cách khoán cân. Hàng tháng, mỗi lần “chuyển nhà” cụ Viễn lại đứng lên bàn cân. Tháng này, bà ở nhà con cả 40 kg, nếu về nhà con út giảm còn 38 kg thì người em út sẽ bị vợ chồng anh trai chì chiết đến nhức đầu, bắt đền phải nuôi mẹ cho bằng đủ số cân. “Nó nói sao mẹ về nhà mày lại gầy, thằng út hiền không dám cãi anh và cũng không có quyền cho mẹ ăn ngon”.
Thương cậu con trai nhu nhược, bà Viễn thường lén đặt thêm sỏi, đá vào túi áo mỗi khi đứng lên cân về nhà con trai lớn. Tháng đó, bà bị sốt nên gầy hẳn. Cậu con trai cả nghi ngờ: “Mẹ gầy thế sao vẫn không giảm cân, vừa nói nó vừa sờ soạng vào túi áo tôi. Thấy tôi độn thêm sỏi, đá nó đã đẩy ngã tôi cho rằng: bà bênh nhà nó. Anh em trai không bằng mặt nhau nên tôi cũng khổ”.

Đẩy mẹ ra đường

Phát hiện ra mẹ giấu sỏi trong túi áo để bao che cho người em, vợ chồng người anh cả đã bắt hai vợ chồng cậu em nuôi mẹ già đến khi nào đủ cân nặng như lúc anh ta “bàn giao” mẹ sang nhà. Bà cụ bị thiếu mất 3kg, hai vợ chồng cậu con út lo lắng không biết nuôi mẹ đến bao giờ cho đủ cân.
Mâu thuẫn từ đây ngày càng gay gắt. Người vợ liên tục chửi con, chửi chồng hèn nhát không lên tiếng bảo vệ gia đình. Giận cá chém thớt, đi làm về cô con dâu lại chửi con cái là lũ ăn hại không làm được việc gì cho nhà. Những lúc nghe con dâu chửi cháu, bà biết người ta đang chửi mình. Bà chỉ còn biết quay đi khóc tủi cho thân già của mình.
Bữa cơm đến, mắt bà lại đỏ hoe vì vợ chồng con trai cãi nhau vì cái tội “nuôi đến bao giờ cho đủ cân”. Chúng coi bà chẳng khác nào con vật trong nhà mong vỗ béo để đưa bà về trả nhà người con trai lớn kia. Bà thương con bao nhiêu lại mất ngủ bấy nhiêu.
Bao đêm, bà nằm co ro trong mảnh chăn mỏng, mắt trơ trơ không ngủ nổi vì nghĩ về cuộc đời hẩm hiu của mình. Từ ngày sinh con ra, bà chưa bao giờ để con rét, con khát vậy mà chính những đứa con trai bà yêu quý nhất lại ruồng rẫy mẹ lúc bà không còn đủ sức khỏe để làm.
Thấy vợ chửi mẹ, người con trai của bà không bênh mẹ mà vào hùa với vợ coi bà như đồ ăn hại. Nhiều lần, bà khóc vì bị con dâu chửi, người con trai a dua theo mắng: “Bà già rồi cứ lắm chuyện, ăn đi rồi còn sang nhà khác. Nhà tôi không đủ tiền nuôi bà mãi đâu.”
Gần 4 tháng cậu con út phải nuôi “đền” mẹ, người con cả không đoái hoài hỏi thăm xem bà ốm đau, khỏe mạnh như thế nào. Bắt đền được em, vợ chồng nhà Vinh vui như hội. Bà Viễn kể vợ của Vinh còn đi rêu rao: “Nhà nó có nuôi vài năm bà cụ cũng chẳng tăng được 40 cân như trước”.
Càng nghe con cái rêu rao về cân nặng của mình, bà càng đắng cổ họng. Đã có lúc, bà nghĩ đến cái chết nhưng ông trời chưa cho chết. Bà già không bế được cháu, con dâu, con trai lại càng chửi bà vì cái tội “chỉ ngồi không mà ăn”.
Đỉnh điểm mọi bất hạnh là vào tháng 11 năm ngoái, cậu con trai út đã chở bà sang nhà anh trai “tôi trả mẹ cho anh, anh nuôi mẹ đi”. Nói rồi cậu ta phóng xe về còn người con trai ngồi trong nhà không nói năng gì để mặc cho vợ ra khóa cổng không cho bà Viễn vào nhà. Cầm túi quần áo trong chiếc túi nhàu nát, bà Viễn cứ đứng chờ ngoài cổng nhưng bà càng chờ con bà phía trong càng cố quên đi người mẹ già khốn khổ.
Đến gần tối, bà ngồi phục xuống trước cửa hàng, sợ người qua lại cười chê, Vinh đã lấy xe chở mẹ về nhà em. Đến đây, nhà người em cũng khóa chặt cửa. Tức mẹ quá, Vinh chửi “Nhà của bà đâu. Tôi có ngày hôm nay là nhờ nhà vợ chứ có phải bà cho tôi đâu mà bà hành vợ chồng tôi”. Nói rồi cậu ta phóng xe về mặc bà đứng đó.
Bà Viễn không biết đi đâu nên đã cầm túi quần áo đi lang thang xin ăn. Bà lên cả chợ Ninh Hiệp xin tiền. Bà cố xin tiền để vào chỗ người con gái ở Gia Lai. Những ngày tháng lang thang nơi gầm cầu, góc chợ, bà càng đau khổ, thấm thía nỗi cô đơn. Các con của bà, người nào cũng nghĩ bà ở nhà con mình mà không biết bà đã bỏ đi.
Một người phụ nữ ở xã Dương Xá, Gia Lâm đã đưa bà cụ vào trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ Hà Nội. Vào đến đây, bà vừa khóc vừa kể về những đứa con bất hiếu của mình. Khi nghe nhân viên tư vấn nói về tội bất hiếu, bà chỉ khóc: “Bác ơi, bác đừng báo công an bắt cháu, tôi chỉ mong chúng nó tỉnh ngộ ra chứ không mong con mình thành trò cười cho thiên hạ”.
Trung tâm đã phải gửi thư về mời hai người con của bà lên nói chuyện. Cậu con trai út của bà khá hối cải đã nhận nuôi mẹ dù có rau có cháo, còn người con trai lớn chỉ im lặng đồng ý phụ cấp mỗi tháng 8 trăm nghìn đồng cho cụ Viễn.
Đất Việt