Đại sứ VN phân tích tình hình Biển Đông dưới thời tân ngoại trưởng Mỹ

04/02/2013 15:05
VietNamNet
Nguyên Đại sứ Ngô Quang Xuân cho rằng, dưới thời Ngoại trưởng John Kerry, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi nên tận dụng nhằm hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.

Tại Washington D.C, ông John Kerry vừa tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng ngày 1/2. Theo ông vào thời điểm hiện nay, tân Ngoại trưởng Mỹ đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn gì?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Vốn xuất thân từ dòng họ gia đình nổi tiếng Forbes (chủ tàu lớn từ thế kỷ XIX và đế chế truyền thông sau này), với uy tín cá nhân và bề dày 29 năm làm thượng nghị sĩ, hầu như cũng chừng ấy năm là thành viên UB Đối ngoại của Thượng viện và hơn 4 năm gần đây là Chủ tịch UB này, có thể nói ông John Kerry có khá nhiều thuận lợi.

Cuộc bỏ phiếu tại Thương viện chấp thuận ông làm Ngoại trưởng với tỷ lệ áp đảo 94 phiếu thuận, chỉ 3 phiếu chống, đồng nghĩa với sự ủng hộ gần như tuyệt đối của các thượng nghị sĩ (TNS) cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã đủ chứng minh uy tín và vị thế của ông tại Mỹ.

Ông cũng là chính khách nổi tiếng trên trường quốc tế. Tuy nhiên tôi cũng chia sẻ với những nhận xét hết sức ban đầu từ một số nguồn tin về một số thách thức có thể có đối với ông như: liệu ông có vượt qua được người tiền nhiệm Hillary Clinton, một ngoại trưởng được đánh giá là xuất sắc nhất từ trước tới nay của Nhà Trắng? Giải pháp hữu hiệu cho Trung Đông, ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, hay ứng xứ vấn đề Syria v.v...
Mọi chú ý đang dồn vào chính sách của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ của ông Kerry, với những vấn đề liên quan đến ASEAN, cho tới Biển Đông, hay cả chính sách ngoại giao với Trung Quốc. Đánh giá của ông?

Suốt thời gian làm việc tại UB Đối ngoại Thượng viện, ông Kerry ủng hộ Mỹ tiếp tục chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, đặc biệt coi trọng quan hệ với Trung Quốc, nhưng cũng không bỏ rơi bất kỳ khu vực nào. Có thể nói đây là quan điểm về một chính sách đối ngoại khôn ngoan, vừa mang tính cân bằng vừa có trọng tâm, có ưu tiên.

Ông cũng luôn ủng hộ quan hệ Hoa Kỳ- ASEAN, hết sức quan tâm tới tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như môi trường hòa bình ổn định tại khu vực này.

Khi nhận thấy ASEAN và Trung Quốc không tìm được kênh giao tiếp hiệu quả về Biển Đông, ông đã nhấn mạnh tính hệ trọng của Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Ông cũng là một trong 5 TNS đồng tác giả giới thiệu tại Thượng viện nghị quyết về Biển Đông.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Là người “am hiểu” về ông John Kerry, ông đã chứng kiến những nỗ lực lớn của tân Ngoại trưởng Mỹ đóng góp cho thời kỳ đầu khi Mỹ và Việt Nam chuẩn bị bình thường hóa quan hệ song phương ra sao?

Ngay những năm đầu tôi là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ (giai đoạn Việt Nam và Mỹ tăng tốc tiếp xúc nhằm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ), khi biết tôi sắp đến thăm bang Masachusetts, ông đã viết thư chào đón tôi một cách nồng hậu (ông liên tục 5 nhiệm kỳ trúng cử TNS của bang này từ năm 1984).

Có thể nói, phải mất tới 18 năm từ thời Tổng thống Jimmy Carter (1977-1981) quyết định không dùng quyền phủ quyết chống nước Việt Nam thống nhất làm thành viên LHQ cho đến thời điểm Việt-Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ (1994) dưới thời Tổng thống Clinton.

Quan hệ Việt-Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt thời gian đó. Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh nhưng ngay từ 1979, Mỹ và Trung Quốc đã xây dựng liên minh thực hiện chính sách bao vây cấm vận độc ác nhằm phá hoại công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh của nhân dân ta.

Chính những đóng góp hết sức quan trọng của ông John Kerry và bạn bè ông, nhất là ông John Mc Cain, cũng là một cựu binh chiến tranh Việt Nam và TNS gạo cội, đã tích cực thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt.

Trở về từ chiến tranh Việt Nam năm 1970 và năm 1984 trở thành TNS cho đến nay, ông Kerry đã kiên trì chủ trương chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, vận động ủng hộ cải thiện quan hệ với Việt Nam.

Trước thời điểm Tổng thống Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận, hai TNS Kerry và Mc Cain đã từng 8 lần sang Việt Nam để điều tra thu thập chuẩn bị tư liệu về Việt Nam, thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.

Cuộc điều tra đã dần gây dựng được lòng tin từ hai phía và đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình bình thường hóa quan hệ. Sau khi hai nước đã bình thường hóa, TNS Jonh Kerry (đảng Dân chủ) và TNS John Mc Cain (đảng Cộng hòa) vẫn là hai trụ cột tiếp tục tích cực ủng hộ phát triển quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực.

Chính sách hướng về châu Á-Thái Bình Dương, với trọng điểm ASEAN đang được Mỹ triển khai mạnh mẽ, song có những quan sát bên ngoài cho rằng dường như những ấn tượng về sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này mới thiên về sự can dự ảnh hưởng chính trị - an ninh nhiều hơn xu hướng đẩy mạnh kinh tế nổi trội.

Theo ông, với trục lõi ASEAN, Mỹ có thể đẩy mạnh hơn nữa biên độ quan hệ với khu vực này ra sao trong năm 2013? Việt Nam và Mỹ có thể tận dụng sân khu vực này thế nào trong việc làm lợi cho quan hệ song phương?

Gắn bó, am hiểu sâu sắc về Việt Nam cũng như ASEAN, có thể nói ông John Kerry là một trong những chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về khu vực chúng ta.

Tôi không nghi ngờ gì về việc dưới thời Ngoại trưởng John Kerry, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi để và nên tận dụng nhằm hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, phát triển mạnh mẽ hơn sự hợp tác toàn diện về mọi mặt, đặc biệt về kinh tế thương mại và quốc phòng an ninh vì lợi ích hai bên, vì hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực và toàn thế giới.
VietNamNet