PGĐ Sở VH-TT&DL TP.HCM nói gì sau vụ lái xe náo loạn đường phố?

02/04/2013 13:59
VietNamNet
Phó Giám đốc Sở VH-TT& DLTP.HCM khẳng định, không uống rượu bia khi điều khiển xe; trước khi gây tai nạn có thể xe bị nổ lốp sau, 2 bánh trước cũng xẹp hơi.

Liên quan đến vụ Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, ông Lê Tôn Thanh (SN 1957) lái xe gây tai nạn, náo động đường phố Sài Gòn xảy ra chiều 30/3 như đã thông tin; được biết chiều 1/4, đội CSGT (công an Q.1) đã mời 2 nạn nhân bị thương tích cùng đại diện hãng taxi Vinasun lên làm việc.

Theo đó, 2 nạn nhân bị thương tích là chị Nguyễn Sơn Ân (SN 1987) là người điều khiển xe gắn máy BKS 60T2 – 4953 và anh Liêu Hào Khanh (SN 1982), người điều khiển xe gắn máy BKS 54U1 – 5729.
Vụ tai nạn do PGĐ ở VH-TT&DL TP.HCM gây ra chiều 30/3 làm nhiều người đi đường ở trung tâm Sài Gòn 1 phen hoảng sợ.

Vụ tai nạn do PGĐ ở VH-TT&DL TP.HCM gây ra chiều 30/3 làm nhiều người đi đường ở trung tâm Sài Gòn 1 phen hoảng sợ.

Khi vụ tai nạn xảy ra, 2 người này được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Sài Gòn, sau đó được xuất viện ngay trong đêm 30/3.

Cũng trong chiều 1/4, ông Phan Văn Anh - nhân viên phòng pháp chế của công ty CP Ánh Dương Việt Nam (chủ hãng taxi Vinasun) đã làm việc với đội CSGT, công an Q.1.

Ông này cho biết, trong vụ tai nạn, 2 xe taxi của hãng Vinasun là xe 4 chỗ BKS 56M – 1107 do tài xế Nguyễn Thành Phương điều khiển và xe 7 chỗ BKS 56M – 1436 do tài xế Trần Xuân Dương điều khiển đang dừng đèn đỏ, đúng làn đường thì bị xe ông Thanh đâm, làm hư hại.

Theo ước tính ban đầu, chi phí sửa chữa cho 2 xe là trên 15,2 triệu đồng.

Đến nay phía đội CSGT – công an Q.1 chưa mời ông Lê Tôn Thanh lên làm việc, sau lần gặp duy nhất vào buổi chiều xảy ra tai nạn.

Chiều 1/4, người đại diện phía ông Thanh cũng có mặt, để nói chuyện với các nạn nhân và đại diện hãng taxi Vinasun.

Trao đổi với P.V, ông Lê Tôn Thanh – người lái xe gây tai nạn khẳng định: “Tôi hoàn toàn không uống rượu bia do bị cao huyết áp…”.

Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên: “Vì sao ông không uống rượu bia nhưng kết quả đo nồng độ cồn của CSGT lại cho kết quả là 0,2mg/lít khí thở”.

Ông Thanh đáp: “Cái đó chờ kết luận của phía CSGT, khi đó tôi sẽ chấp hành” (?)

Nói với P.V, một cán bộ thuộc phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) công an TP.HCM khẳng định: “Máy móc đo nồng độ cồn đã được kiểm định, nếu không uống thì không thể có kết quả là 0,2mg/lít khí thở. Còn nếu ngay sau khi xảy ra tai nạn, CSGT đo được nồng độ cồn của ông Thanh thì chắc rằng kết quả lúc đó còn cao hơn mức 0,2mg/lít khí thở”.

Có một thực tế là ông Thanh đã bỏ đi khoảng 1h đồng hồ rồi mới đến công an trình diện, khi đó kết quả đo nồng độ cồn đã giảm đi rất nhiều.

“Ông Thanh có sai nghiêm trọng là có nồng độ cồn khi điều khiển xe, không giữ nguyên hiện trường, bỏ xe rời hiện trường sau khi gây tai nạn, nên mức xử phạt hành chính là khá cao” – vị cán bộ này nhận định.

Riêng về nguyên nhân vụ tai nạn, ông Thanh cho rằng, trước khi gây ra tai nạn ông điều khiển xe bình thường, không có ai đi xe gắn máy đuổi theo sau.
PGĐ sở VH-TT&DL TP.HCM nói, trước lúc gây tai nạn xe của ông hình như bị bể bánh sau, 2 bánh trước cũng xẹp hơi

PGĐ sở VH-TT&DL TP.HCM nói, trước lúc gây tai nạn xe của ông hình như bị bể bánh sau, 2 bánh trước cũng xẹp hơi

Ông Thanh nói: “Có vẻ như lúc đó bánh xe sau của tôi bị bể, rồi 2 bánh trước hình như cũng bị xẹp hơi. Bất ngờ trước tình huống đó, tôi không xử lý kịp nên gây tai nạn. Nhưng sau đó tôi đã giảm tốc độ rồi dừng hẳn xe lại”.

Lý giải việc bỏ xe, rời khỏi hiện trường, ông Thanh nói: “Tôi vào bệnh viện thăm hỏi các nạn nhân bị nạn rồi mới đến công an làm việc. May mà tôi gây tai nạn hậu quả chưa nghiêm trọng”.

Hiện đội CSGT – công an Q.1, TP.HCM đã đưa xe ô tô Fortuner BKS 51A – 359.29 gây tai nạn đi giám định. Đơn vị này cũng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc để có hướng xử lý tiếp theo...
VietNamNet