Thế giới ngầm của những người điều khiển 'tử thần' bay

20/01/2013 19:50
Lao động
Ít ai biết rằng, cuộc sống của các phi công điều khiển các loại máy bay không người lái (UAV) đầy rẫy áp lực và những vết thương tâm lý do cuộc chiến điều khiển từ xa mang lại còn khủng khiếp hơn cả thương tật trên thể xác.

Một thập kỷ trở lại đây, nhân loại đã chứng kiến sự bùng nổ của UAV trên các chiến trường. UAV đã chứng minh sức mạnh của chúng trong trinh sát, tình báo, tìm diệt và là thứ vũ khí cực kỳ lợi hại trong chiến tranh hiện đại.

“Có phải đó là một đứa trẻ?” Trong hơn 5 năm, Brandon Bryant chỉ làm việc trong một container không cửa sổ, nơi nhiệt độ được giữ thường trực ở 17 độ C và vì lý do an ninh, cánh cửa container đã luôn được đóng lại. Bryant là phi công điều khiển UAV. Chiếc container của anh lúc nào cũng đầy những tiếng ro ro của máy tính. Đó là não bộ của các UAV - các “khoang lái” - nơi phi công ngồi đó điều khiển phi cơ thay vì bay lên trời.
Mỗi ngày, anh và đồng nghiệp lại ngồi trước 14 màn hình máy tính và 4 bàn phím. Khi Bryant nhấn một nút bấm ở New Mexico - Mỹ, sẽ có ai đó ở đầu bên kia của thế giới sắp sửa mất mạng. Bryant đã từng tiêu diệt nhiều mục tiêu, nhưng anh vẫn không thể quên một nhiệm vụ ở Afghanistan. Đó là khi một chiếc Predator dưới quyền điều khiển của anh bay lòng vòng theo hình số 8 trên bầu trời quốc gia Trung Á, cách mặt đất tới hơn 10.000m. Căn nhà đang nằm trong tầm ngắm của chiếc máy bay là một công trình mái bằng, vách đất, với một chuồng nuôi dê nằm ngay cạnh. Khi Bryant nhận được lệnh bắn, anh nhấn một nút bên tay trái và qua đó đã đánh dấu phần mái tòa nhà bằng tia laser. Viên phi công ngồi ngay cạnh anh bấm thêm một nút bên trên cần lái. Một quả tên lửa Hellfire từ chiếc máy bay lao vút đi. Chỉ còn 16 giây trước khi tên lửa tới đích. “Những khoảnh khắc đó trông giống như phim quay chậm vậy” - Bryant nhớ lại. Các hình ảnh được thu lại dựa vào một camera hồng ngoại gắn trên chiếc máy bay không người lái sẽ chuyển trở lại màn hình nơi Bryant đang điều khiển nhờ vệ tinh, với độ trễ khoảng 2 giây. Khi chỉ còn 7 giây nữa là tên lửa tới đích, vẫn chẳng có ai trong khung ngắm. Bryant có thể đảo hướng tên lửa đi chỗ khác. Rồi khi chỉ còn 3 giây nữa, Bryant đột nhiên sững người khi thấy một đứa trẻ bước đi trên góc màn hình ngắm bắn. Nhưng đã quá trễ để thay đổi. Đó là khi thế giới “ảo” của Bryant đã tạo ra một vụ tấn công bằng tên lửa kinh hoàng vào một ngôi làng thật nằm giữa các vùng Baghlan và Mazar-e-Sharif của Afghanistan. Bryant thấy một tia sáng lóe lên trên màn hình. Quả tên lửa đã trúng đích và nổ tung. Một phần ngôi nhà sập xuống. Đứa trẻ đã biến mất. Bryant cảm thấy lợm giọng. “Có phải chúng ta vừa giết một đứa trẻ không?” - Bryant hỏi viên phi công ngồi cạnh. “Ờ, tôi đoán đó là một đứa trẻ” - người này trả lời. “Có phải đó là một đứa trẻ không?” - họ viết câu hỏi vào một cửa sổ chat trên màn hình. Rồi một nhân vật thuộc trung tâm chỉ huy, người mà họ không biết mặt, đã viết ra câu trả lời: “Không, đó là một con chó”. Hai phi công sau đó đã xem lại đoạn video giám sát. Một con chó có hai chân?Cuộc chiến vô hình Khi Bryant rời khỏi container trong ngày hôm đó, anh đã không còn ở trong chiến tranh mà đã trở lại nước Mỹ, trên vùng đất thuộc Căn cứ không quân Cannon. Chẳng có cuộc chiến nào đang diễn ra ở đây. Cuộc chiến tranh hiện đại mà anh tham gia dường như vô hình, giống như ý nghĩ và khoảng cách từ nơi người lính điều khiển vũ khí cho tới nơi xảy ra chiến sự đã làm mất đi ý nghĩa của nó. Chiến tranh hiện đại không còn bị giới hạn ở một địa điểm mà đã có thể được điều khiển thông qua nhiều trung tâm công nghệ cao nằm ở khắp nơi trên thế giới. Đây là một kiểu tiến hành chiến tranh mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khuyến khích nhiều hơn những người tiền nhiệm của ông. Cho tới trước vụ khủng bố 11.9, UAV vẫn là một công nghệ mới hoàn toàn, chưa từng được thử thách trên chiến trường. Nhưng giờ đây, ước tính có tới 40 nước đang cố gắng mua hoặc phát triển UAV. Mỹ hiện đang dẫn đầu về công nghệ UAV và họ có trong tay 7.500 chiếc máy bay loại này. Các UAV như Predator hay Reaper có vũ trang là vũ khí ưa thích để người Mỹ thực hiện các nhiệm vụ ám sát mục tiêu cao cấp. Không ai có thể phủ nhận tính hiệu quả của UAV. Năm ngoái ở Libya, một chiếc UAV Mỹ đã xác định và tấn công một đoàn xe quân sự chở theo nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Vài giờ sau, ông ta đã bị các tay súng nổi dậy bắt và giết chết. Và kể từ sau cái chết của trùm khủng bố Al Qaeda Osama Bin Laden, hàng loạt các lãnh đạo hàng đầu của tổ chức này đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích do UAV thực hiện. Gần đây nhất, vào tháng 6 vừa qua, UAV đã tiêu diệt Abu Yahya al-Libi phó thủ lĩnh Al Qaeda ở Pakistan. Nỗi sợ UAV đã gây xáo trộn nghiêm trọng hoạt động của Al Qaeda, bởi các lãnh đạo tổ chức khủng bố này không dám dùng điện thoại do lo sợ bị UAV nghe lén và tiêu diệt. Hiện nay người Mỹ chủ yếu sử dụng UAV Reaper trong các hoạt động quân sự tại Afghanistan. Đây là những chiếc UAV có hình dáng thanh mảnh, gọn nhẹ, được cánh phi công gọi là “máy bay Cessna mang tên lửa”. Nhưng chúng nguy hiểm chết người vì được trang bị các tên lửa Hellfire dẫn bắn bằng laser. Chúng rẻ tiền hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu thông thường. Nếu một chiếc Reaper bị bắn hạ, người đóng thuế Mỹ chỉ mất vài chục triệu đôla, so với cả trăm triệu đôla của một chiếc máy bay phản lực thông thường. Và các phi công Reaper không bao giờ lo ngại họ có thể mất mạng khi chiến đấu.
Mới đây, mạng “Global Research” dẫn thông tin từ Hiệp hội Dân quyền Mỹ ACLU đã trích dẫn số thương vong dân sự như sau: Từ tháng 6.2004 đến giữa tháng 9.2012, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã sát hại từ 2.562-3.325 người chỉ riêng ở Pakistan. Trong số này có 474-881 thường dân, trong đó có 176 trẻ em. Ngoài ra, còn có từ 1.228-1.362 người bị thương.
Ngồi ở Mỹ lái máy bay tận Trung Á Một trong những điểm đặc sắc của UAV là những chiếc máy bay này được điều khiển từ các trung tâm nằm cách xa so với chiến trường, có lúc tới cả chục ngàn cây số, Thực vậy, quân đội Mỹ hiện điều khiển UAV từ 7 căn cứ không quân nằm ở Mỹ, bên cạnh các địa điểm nằm ở nước ngoài, gồm 1 ở nước Djibouti tại Đông Phi. Từ trụ sở ở Langley, Virginia, CIA kiểm soát các hoạt động tại Pakistan, Somalia và Yemen. Thiếu tá William Tart nói rằng UAV là sự tiến triển tự nhiên của chiến tranh. Tart không thích từ UAV vì từ này cho rằng máy bay tự hoạt động. Ông thích gọi chúng là máy bay điều khiển từ xa, và chỉ ra việc phần lớn các chuyến bay như thế là để thu thập thông tin. Khi được hỏi về quy trình mệnh lệnh, Tart nhắc tới một bộ tài liệu dài 275 trang tên 3-09.3. Về cơ bản, tài liệu nói rằng các vụ tấn công bằng UAV phải được cấp phép, giống như các cuộc tấn công khác trong Không lực vậy. Một sĩ quan chỉ huy cao cấp ở đất nước nơi diễn ra hoạt động quân sự phải cho phép họ tiến hành tấn công. Ông cho biết thông qua màn hình theo dõi của UAV, ông có thể theo dõi các đối tượng nghi vấn trong hàng tháng, thấy rõ họ đang giặt giũ hoặc chơi với những con chó, hiểu rõ về cuộc sống thường nhật và thậm chí còn tới lễ tang của đối tượng. Quả thực, một trong những nghịch lý của việc điều khiển UAV là dù khoảng cách giữa các bên rất lớn, nhờ sự tiến bộ của công nghệ nên những người lính Mỹ lại có điều kiện tiếp xúc rất gần với các đối tượng của họ. “Chiến tranh đã trở thành thứ gì đó mang tính riêng tư” - Tart nói.Không miễn nhiễm với chấn thương tâm lý Một ngôi nhà màu xám nằm ở ngoại ô thành phố Missoula, Montana. Đây là nơi Bryant, hiện 27 tuổi, đang sống cùng mẹ anh. Anh đã rời khỏi quân đội và đang sống lặng lẽ ở nhà. “Tôi đã không còn mơ về mọi thứ trong màu hồng ngoại trong 4 tháng trời” - anh nói về chiến thắng nho nhỏ của mình. Bryant đã hoàn thành 6.000 giờ bay trong 6 năm làm việc ở Không lực. “Tôi thấy đàn ông, đàn bà và trẻ em chết trong suốt thời gian đó. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể giết ngần ấy người. Thực tế, tôi nghĩ rằng mình không thể giết được ai cả” - anh nói. Sau khi tốt nghiệp trung học, Bryant đã từng muốn làm phóng viên điều tra. Tuy nhiên dòng đời đưa đẩy, cuối cùng anh lại tham gia quân đội. Ở đây, anh học cách điều khiển máy ghi hình và thiết bị laser trên UAV, học cách phân tích hình ảnh mặt đất, bản đồ và dữ liệu thời tiết. Anh trở thành một chuyên viên điều khiển cảm biến UAV, một vị trí tương đương với phi công phụ. Anh mới chỉ 20 tuổi khi bay nhiệm vụ đầu tiên ở Iraq. Đó là một ngày nắng nóng ở Nevada và anh đã chứng kiến tận mắt 5 đồng đội bị thiệt mạng ở tận Iraq bởi bom chôn trên đường của đối phương. Từ đó, Bryant không ngừng quên về 5 đồng đội đã chết. Afghanistan là cuộc xung đột lý tưởng cho UAV. Các UAV như Reaper có thể ở trên không tới 18 giờ đồng hồ. Nó có thể truyền dữ liệu trực tiếp xuống cho binh lính ở bên dưới và nếu có phải giết ai đó, các phi công Reaper cũng có nhiều thời gian cân nhắc hơn phi công thông thường, khiến sai sót ít khi xảy ra hơn. Với các sĩ quan điều khiển cảm biến như Bryant, một ca làm việc kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ. Không lực Mỹ vẫn rất thiếu nhân lực tham gia cuộc chiến tranh không người lái ở Iraq và Afghanistan. Trong khi đó phi công UAV lại bị xem là những kẻ hèn nhát, chỉ dám ngồi từ xa để bấm nút. Công việc không được nhiều người ưa thích tới mức quân đội buộc phải điều cả những người đã về hưu vào cuộc. Bryant vẫn nhớ lần đầu tiên anh giết chết 2 người ngay lập tức. Khi theo dõi trên màn hình, anh có thể thấy người thứ 3 đang hấp hối. Phần chân của người này bị tên lửa phạt đứt và anh ta đang ôm lấy phần chân không còn lành lặn, khi máu không ngừng tuôn ra mặt đất. Ngày hôm đó Bryant đã khóc suốt trên đường về. “Tôi cảm thấy như mình bị đứt liên lạc với loài người trong khoảng 1 tuần” - anh kể. Những phi công UAV bị chấn thương tâm lý như Bryant không phải hiếm. Theo một cuộc thăm dò do Trường Y Hàng không của Không lực Mỹ, gần nửa số phi công UAV của nước này bị stress, bởi phải làm việc trong thời gian quá dài. Khoảng 4% các phi công UAV Mỹ cũng mắc các hội chứng chấn thương tâm lý nhất định. Một số đổ lỗi cho việc các camera ghi hình quá mạnh của UAV đã khiến họ phải chứng kiến cận cảnh hiện trường một mục tiêu bị phá hủy sau khi trúng tên lửa, với những xác người không toàn vẹn nằm lăn lóc khắp nơi. “Camera ghi hình của Reaper rất tốt” - phi công Reaper tên Oz nói - “Một quả tên lửa Hellfire thường có tác động rất lớn lên cơ thể người và anh phải chứng kiến toàn bộ các tác động ấy. Nếu anh không thể chịu đựng được việc phải chứng kiến những điều như thế, anh sẽ không phù hợp với công việc của phi công UAV. Nhưng đó không phải là điều tồi tệ nhất. Với tôi, điều không thoải mái nhất là ý nghĩ tôi sẽ thức dậy vào buổi sáng, lái xe đưa con đi học rồi tới căn cứ để giết người”.“Thằng khốn nào sẽ phải chết hôm nay?” Bryant đã từng tin rằng anh có tâm lý vững vàng hơn những người khác. Khi được điều tới Iraq hồi năm 2007, Bryant đã đề dòng chữ “sẵn sàng làm nhiệm vụ” trên hồ sơ. Anh được phân công tới một căn cứ quân sự Mỹ nằm cách Baghdad 100km nơi công việc của anh là cất cánh và hạ cánh UAV. 2 năm sau, Không lực Mỹ điều Bryant vào một đơn vị đặc biệt và anh được chuyển tới Căn cứ không quân Cannon ở New Mexico. Anh thích làm ca đêm, bởi khi đó là ban ngày ở Afghanistan. Vào mùa xuân, khung cảnh nơi đây với những đỉnh núi phủ tuyết trắng, các thung lũng xanh rì, đã nhắc anh nhớ tới quê nhà Montana. Anh thấy người ta trồng trọt, các bé trai chơi bóng, những người đàn ông ôm vợ con của họ. Khi trời tối, Bryant sẽ bật camera hồng ngoại lên. Nhiều người Afghanistan ngủ trên mái nhà trong mùa hè vì trời nóng. “Tôi đã thấy họ quan hệ với vợ mình. Đó là khi hai đốm sáng hồng ngoại chập vào làm một” - anh nói. Anh thường quan sát người ta trong nhiều tuần, bao gồm cả các tay súng Taliban đang giấu vũ khí. Anh cũng theo dõi những người được ghi trên một danh sách bởi quân đội và các cơ quan tình báo muốn có thông tin về họ. “Tôi chỉ có nhiệm vụ tìm hiểu họ. Trừ phi ai đó trên hệ thống chỉ huy ra lệnh cho tôi bắn” - anh kể. Những lúc như thế anh cảm thấy rất tiếc cho những đứa trẻ vì sắp bị lấy đi ông bố của chúng. “Họ đều là những ông bố tốt” - anh nói. Một lần, quá mệt mỏi vì công việc, Bryant đã xin nghỉ phép 3 tháng. Nhưng khi trở lại anh đột nhiên ghét chỗ ngồi làm việc trong container. Anh cảm thấy mình muốn làm gì đó để giúp người ta giữ mạng sống, thay vì tước đi mạng sống. Anh bắt đầu mắc chứng mất ngủ và thể lực suy giảm. Một ngày nọ, Bryant bị ngất xỉu tại nơi làm, bị ho ra máu. Các bác sĩ yêu cầu anh phải ở nhà, không được đi làm trở lại cho tới khi anh đã có thể ngủ dài hơn 4 tiếng mỗi đêm, trong 2 tuần liên tiếp. Cuối cùng, Bryant bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm do hội chứng chiến tranh Afghanistan. Hy vọng của các vị tướng về một cuộc chiến tranh thoải mái, cuộc chiến tranh trong đó người lính có thể trở về mà không bị chấn thương tâm lý, đã thất bại. Thực thế, thế giới của Bryant đã tan chảy cùng với cái chết của những đứa trẻ ở Afghanistan. Sau thời gian dài làm việc cho Không lực Mỹ, Bryant đã quyết định bỏ cuộc. Vì sao anh lại không tiếp tục công việc? Bryant kể rằng có một ngày nọ, anh thấy rằng mình sẽ không thể ký thêm một hợp đồng mới. Đó là khi anh bước vào trong container và nghe mình nói với các đồng nghiệp: “Này, thằng khốn kiếp nào sẽ phải chết hôm nay nhỉ?”
Lao động