Trung Quốc thắng lớn trong cuộc chiến Afghanistan

28/01/2013 10:44
VnMedia.vn
Trung Quốc – một nước đứng ngoài cuộc trong cuộc xung đột ở Afghanistan, đang tăng cường can dự vào đất nước Trung Á này khi các lực lượng Mỹ chuẩn bị rút đi. Trung Quốc bị hấp dẫn bởi các nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Afghanstan. 
Mỹ và các chính phủ phương Tây khác đang khuyến khích Trung Quốc can dự vào Afghanistan bởi họ xem cường quốc Châu Á này là một nhân tố ổn định tiềm năng. Điều này có thể khiến Trung Quốc trở thành người chiến thắng cuối cùng ở chiến trường Afghanistan mà không phải đổ bất kỳ giọt máu cũng như không phải đầu tư nhiều viện trợ vào đất nước Trung Á này. 

Hàng Trung Quốc đang tràn ngập ở Afghanistan
 Hàng Trung Quốc đang tràn ngập ở Afghanistan

 
An ninh vẫn là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã sẵn sàng đầu tư nhiều triệu đô la vào 3 dự án lớn ở Afghanistan nhưng họ sẽ không xúc tiến các dự án này cho đến khi tình hình trở nên an toàn hơn. Trong khi Trung Quốc không tỏ ra vội vã “điền” vào bất kỳ chỗ trống nào để lại sau động thái rút quân của các binh lính nước ngoài thì nước này cũng đã chuyển sang phương pháp tiếp cận trực tiếp với Afghanistan.
 
Bắc Kinh đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Afghanistan vào mùa hè năm ngoái. Sau bước đi này, Trung Quốc hồi tháng 9 đã cử quan chức an ninh hàng đầu đất nước đến thăm Afghanistan. Đây là vị quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc đến Afghanstan trong vòng 46 năm trở lại đây. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc đã thông báo sẽ giúp Afghansitan đào tạo 300 sĩ quan cảnh sát. Bắc Kinh cũng ra dấu hiệu thể hiện mong muốn giúp Afghanistan tiến hành đàm phán một thỏa thuận hòa bình khi NATO chuẩn bị rút quân vào 2 năm tới.
 
Đó là vai trò mới của Trung Quốc khi ảnh hưởng kinh tế tăng lên giúp nước này có được một vị thế lớn hơn trên chính trường thế giới. Thành công trong vai trò này dù chưa được bảo đảm cũng là một “khoản trả công lớn” cho Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang đói các nguồn lực để duy trì sự phát triển kinh tế và đang rất muốn củng cố sự ổn định ở vùng Tân Cương.
 
"Nếu bạn có thể nhìn thấy một đất nước Afghanistan ổn định hơn, nếu Afghansitan trở thành một quốc gia Trung Á tương đối bình thường khác, Trung Quốc đương nhiên sẽ được hưởng lợi”, ông Andrew Small – một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, nhận định. "Nếu nhìn khắp Trung Á, đó chính là những gì đã thực sự xảy ra... Trung Quốc là diễn viên duy nhất có thể đặt một mức đầu tư cần thiết vào Afghanistan để làm nó thành công và sinh lợi".
 
Trong một thập kỷ qua, thương mại của Trung Quốc với các nước láng giềng giàu tài nguyên của Afghanstan ở khu vực Trung Á đã bùng nổ. Đối với Turkmenistan, thương mại với Trung Quốc đã chiếm tới 21% GDP năm 2011, tăng từ 1% so với 5 năm trước đó. Con số tương tự với Tajikistan đạt 32% GDP, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2006. Thương mại của Trung Quốc với Afghanistan hiện đứng ở mức khiêm tốn 1,3% GDP trong năm 2011.
 
Với nguồn khoáng sản chưa khai thác ước tính lên tới 1 nghìn tỉ USD của Afghansitan, các công ty Trung Quốc đang muốn giành quyền khai thác trữ lượng lớn đồng, than đá ở đất nước Trung Á này. Trung Quốc cũng muốn là nước đầu tiên có được hợp đồng khai thác dầu mỏ ở Afghanistan đồng thời cũng đang nhòm ngó đến trữ lượng lithi – một loại chất có thể được dùng cho nhiều mục đích từ sản xuất pin đến các ứng dụng hạt nhân.
 
Chưa hết, Trung Quốc còn thể hiện sự quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án xây dựng, nông nghiệp và thủy điện ở Afghanstan. Trung Quốc và Afghanistan đã có những cuộc đàm phán sơ bộ về việc mở một con đường trực tiếp nối từ khu vực biên giới 76km của Afghanistan đến Trung Quốc.
 
Ông Wang Lian, một chuyên gia về Trung Á ở trường Đại học Bắc Kinh, lưu ý, các siêu cường có lịch sử dính líu vào Afghanistan bởi vì đó là một nước đứng ở khu vực ngã tư Châu Á và Trung Quốc không phải là ngoại lệ.
 
"Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc có trách nhiệm trong việc tham gia vào tiến trình tái thiết kinh tế và chính trị của Afghanistan. Một Afghanistan ổn định đóng vai trò sống còn đối với Trung Quốc. Trung Quốc không thể đứng bên ngoài sau khi quân Mỹ rút đi và đất nước Afghanistan bước vào quá trình chuyển tiếp chính trị”, ông Wang nói.
 
Theo vị chuyên gia trên, một đất nước Afghanistan ổn định vô cùng quan trọng đối với an ninh ở khu vực Tân Cương – một khu vực mà các chiến binh Hồi giáo đang đòi ly khai. Một số thành phần này đang trú ẩn và đang đào tạo lực lượng ở Pakistan và dọc khu vực biên giới giữa Afghanstan-Pakistan. Bắc Kinh lo ngại, sự hỗn loạn hoặc một chiến thắng của Taliba sẽ tạo cơ hội cho những nhóm chiến binh đang đòi ly khai nói trên.
 
Mỹ đang khuyến khích Bắc Kinh tăng cường đầu tư cũng như viện trợ cho Afghanistan. Mỹ cũng ủng hộ Trung Quốc tham gia vào các sáng kiến tìm kiếm hòa bình khác nhau, trong đó có diễn đàn Trung Quốc-Pakistan-Afghanistan. Diễn đàn này mới có cuộc gặp lần thứ hai hồi tháng trước.
 
Bắc Kinh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hòa bình ở Afghanistan bởi nước này có mối quan hệ thân thiết với Pakistan – nước có mối quan hệ lâu dài với Taliban. Giới lãnh đạo Taliban được cho là đang hoạt động ở Pakistan.
 
Nếu Trung Quốc can thiệp vào tiến trình hòa bình ở Afghanstan hoặc với vai trò trung gian chính hoặc thông qua Pakistan thì nước này cũng có ảnh hưởng đáng kể. Trung Quốc không quá thân thiết với bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột ở Afghanstan nên các bên đều muốn Trung Quốc mở rộng vai trò ở đây.
 
Trước đây, chính phủ Afghanistan thường chỉ trích Trung Quốc không đóng góp vào an ninh cũng như quá trình tái thiết của họ nhưng giờ, các quan chức đã rút lại lời chỉ trích đó. Trước đó, cũng có quan điểm cho rằng, Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc hưởng lợi từ mất mất của người khác, từ xương máu và mồ hôi của người Mỹ và các binh lính khác. Tuy nhiên, quan điểm này giờ đây cũng thay đổi.
VnMedia.vn