Chế tài bảo vệ nhà báo cần rõ ràng hơn

20/05/2012 23:15
Phiêu Lưu
(GDVN) - Hiện nay, luật chưa đủ hiệu quả để bảo vệ được nhà báo. Điều chỉnh thiếu sót trong luật, đó là lẽ tất nhiên.

Luật chưa rõ ràng

Tháng 10/2011, phóng viên Phạm Văn Việt (đài truyền hình Việt Nam tỉnh Phú Yên) đóng vai khách mua hàng để quay cảnh mất vệ sinh ở một cơ sở chế biến vịt đông lạnh xã Hòa Thành (Phú Yên). Phát hiện anh Việt đang tác nghiệp, chủ cơ sở này đã xông tới đấm đá, khiến nạn nhân sưng nề mặt và choáng váng. Lẽ ra phải xử hành vi này là chống người thi hành công vụ, công an xã lại coi đây là một vụ cãi vã dân sự và phạt người hành hung 1 triệu đồng. Bức xúc trước vụ việc, VTV đã gửi công văn yêu cầu xử lại lên các cấp.

Chúng ta thừa hiểu nhà báo tác nghiệp là người thi hành công vụ. Nghĩa là nhà báo phải được bảo vệ theo khoản 1, đều 257 trong Luật Hình sự 1999: “Người nào dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Hiểu là như thế, nhưng luật lại không nêu cụ thể hoạt động tác nghiệp của phóng viên là thi hành công vụ. Để nhà báo làm tròn trách nhiệm với Nhà nước, luật cần nêu rõ người thi hành công vụ là như thế nào, phóng viên trong những hoàn cảnh nào sẽ được coi là thi hành công vụ.

Hai lần bảo vệ lại bằng không

Nhà nước đã ban hành một loại luật riêng cho các phóng viên, gọi là Luật báo chí. Như vậy, nhà báo được bảo vệ hai lần, trong luật hình sự với tư cách người thi hành công vụ, trong luật báo chí với tư cách là phóng viên tác nghiệp?

Song do những điều luật chồng chéo, chưa rõ ràng, hai lần áo thép ấy nhiều khi không che chắn được cho nhà báo trong những cơn mưa đấm đá.

Chuyện phóng viên viết về tiêu cực bị đe dọa, hành hung xảy ra như cơm bữa trong đời sống báo chí hiện nay. Những vụ việc nghiêm trọng được đưa ra pháp luật, còn vô số những vụ nhỏ nhặt như đe dọa qua điện thoại, viết thư nặc danh, hoặc những cú đấm cảnh cáo bị quên lãng.

Việc đánh cảnh cáo, đe dọa nhà báo, về mặt thể xác có thể không nghiêm trọng, nhưng về tâm lí, đây chẳng khác gì sự khủng bố tinh thần. Vừa viết vừa cảnh giác những đòn phang bất ngờ trong bóng tối, càng dấn thân càng nguy hiểm,… những áp lực tâm lí đó thường đè nặng lên các phóng viên điều tra.

Vì vậy, cần có những quy định xử phạt chặt chẽ hơn với những hành vi đe dọa nhà báo, không thể  vì những vụ việc trên không gây thương tích, hoặc thương tích chưa đủ 11%  mà bỏ qua.

Trong Luật báo chí, việc hành hung nhà báo có thể xử theo điều 12, Nghị định số 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ: “Phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật; Hủy hoại phương tiện hoạt động báo chí của nhà báo. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo.”

Song vì sao nhiều vụ việc không được đưa ra xét xử và xử phạt?

Bị đe dọa, hành hung, người thấm thía nhất nỗi đau ấy là nhà báo, tiếp theo là người thân, đồng nghiệp của họ, sau đó mới tới lãnh đạo các hội, cơ quan nhà nước. Nỗi đau từ dưới thấm lên. Còn luật pháp từ trên ban xuống. Mong sao những nhà làm luật ngấm chút nỗi đau của người làm báo để dễ bề định luật.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (14/5- 20/5): Nghề báo - Nghề nguy hiểm

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Phiêu Lưu