Chuyện đời ngoạn mục của doanh nhân 90 tuổi vẫn "đếm tiền không mỏi"

18/05/2012 17:59
Theo CAND
Không ai nghĩ năm nay ông Đỗ Thế Sử đã bước sang tuổi 90 và càng khó hình dung được là ông lão này vẫn đang ngày ngày tự mình điều hành một doanh nghiệp may mặc chỉ chuyên làm hàng xuất khẩu...
11 người con đều rất thành đạt, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, như Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI và Ngân hàng Tiên phong; Đỗ Anh Tú - Tổng giám đốc Công ty Diana; Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; GS-TS Đỗ Tất Cường - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện quân đội 103, hiện là Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec…

23 cháu nội, ngoại đều tốt nghiệp đại học, nhưng ông vẫn tiếp tục nghiệp kinh doanh vì... không muốn nhàn rỗi. Ông là Đỗ Thế Sử, Chủ tịch Công ty TNHH phát triển xuất nhập khẩu may mặc Gamexco…

I - Dáng người gầy gò, gương mặt hơi dị tướng, phong cách nhanh nhẹn, cách nói chuyện cởi mở và hóm hỉnh, vì thế nếu gặp lần đầu và không được giới thiệu trước, không ai nghĩ năm nay ông Đỗ Thế Sử đã bước sang tuổi 90. Và càng khó hình dung được là ông lão 90 này vẫn đang ngày ngày tự mình điều hành một doanh nghiệp may mặc chỉ chuyên làm hàng xuất khẩu, vẫn tự đi giao dịch, đối ngoại với khách hàng ngoại mà không cần phiên dịch.

Dẫn tôi đi thăm xưởng may hàng xuất khẩu xây dựng trên khu đất rộng 1.500m2 ngay mặt đường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), ông bảo lịch làm việc của hai ông bà hằng ngày là buổi sáng đi từ nhà ở phố Bà Triệu xuống xưởng đôn đốc sản xuất; buổi chiều, hôm nào có việc phải đi giao dịch với khách hàng thì ông đi, còn không thì ông ở nhà để bà xuống xưởng. Ngoài xưởng may này, công ty còn đặt hai xưởng ở Ba Vì và Hà Nam nên hàng tuần ông bà vẫn phải lên xuống vài ba lần kiểm tra sản xuất nữa.

Nghe tôi thắc mắc rằng ông bây giờ có vừa tiêu vừa... cho cũng không hết tiền, sao cứ phải lọ mọ thế làm gì cho… khổ, ông cười nói rằng ông là người lao động, cả đời quen làm việc rồi, thành ra bây giờ dù các con ai cũng muốn ông nghỉ nhưng ông không muốn vì nếu chỉ ở nhà chơi thì có khi… ốm mất, mà không làm việc, đầu óc không vận động cũng mụ mị đi. Vả lại, "người xưa đã dạy "cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng" dù các con đều dư thừa để chu cấp cho bố mẹ cuộc sống sung túc nhưng mình vẫn còn sức khỏe để làm việc thì tại sao lại bắt các con phải nuôi.

Công ty của hai ông bà già quy mô cũng nhỏ thôi, vừa có việc làm, vừa có tiền tiêu, rồi khi các cháu đi du học dù nhiều dù ít ông bà đều có quà tặng, tết có tiền lì xì cho con cháu; mình hoàn toàn tự chủ được cuộc sống của mình, thế thì tại sao lại không làm. Bây giờ, hằng tuần cứ thứ bảy các con cháu vẫn tập trung hết về ăn cơm với ông bà, từng này tuổi vẫn tự mình làm ra đồng tiền, nấu cơm cho các con ăn là hạnh phúc". Vì vậy, ngoài thời gian lo đủ việc làm và thu nhập cho 300 công nhân của công ty, bây giờ hằng ngày ông vẫn dành thời gian để… học thêm ngoại ngữ "cũng là cách để tập luyện để trí não nó không trì trệ cậu ạ".

Nhìn ông đi khắp nhà xưởng, cẩn thận kiểm tra từng chiếc áo thành phẩm, từng thùng hàng đóng gói chờ xuất xưởng, khó có thể tưởng tượng nổi đó là người đã 90 tuổi và để có ngày hôm nay, đã phải qua không biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, mà nếu là người khác, chưa chắc đã có đủ bản lĩnh để vượt qua.

II - Bây giờ, ngẫm lại đời mình, ông Sử bảo rằng ông có "gien kinh doanh" từ bà mẹ. Dù không biết chữ nhưng bằng sự nhạy cảm trời sinh mà bà một tay gây dựng cơ đồ, có chút vốn là bà mua ruộng rồi thuê người làm. Rồi bà mở xưởng nấu mật mía, mở xưởng dệt, nhuộm vải thâm… Vậy mà sau ngày toàn quốc kháng chiến, bà đã tự nguyện hiến toàn bộ tài sản ấy cho cách mạng và cùng con trai lên rừng theo kháng chiến.

Đi theo cách mạng, ban đầu ông Sử tham gia công tác tại quê và là Chủ tịch xã đầu tiên ở quê nhà, xã Chu Minh, huyện Ba Vì. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, do là người "có chữ" nên ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm báo Sơn Tây suốt từ năm 1946 cho tới khi xin nghỉ.

Ông bảo, quyết định xin nghỉ chức Tổng biên tập báo Sơn Tây để về làm kinh tế là một trong những quyết định khó khăn nhất trong đời nhưng là quyết định sáng suốt nhất.

Đó là năm 1961, ông đang làm Tổng Biên tập Báo Sơn Tây thì vợ lâm bệnh. Để có thể nuôi được 9 đứa con trong khi chồng cứ đi công tác biền biệt, vợ ông và bà mẹ già phải làm đủ nghề, nhận may gia công rồi xay bột. Nhưng rồi sức người có hạn, sau một trận ốm, bà không còn đủ sức để thức thâu đêm ngồi đạp máy khâu nữa. Về nhà, nhìn đàn con 9 đứa trứng gà, trứng vịt đang tuổi ăn tuổi lớn, vậy mà mọi việc đều trông vào bà mẹ già và người vợ đau ốm, ông quyết định phải về để cứu gia đình.

"Lúc ấy, ở cơ quan, ăn có người nấu cho, đi đâu có người giúp việc, nhưng nếu mình ở lại thì chỉ sướng mỗi bản thân mình trong khi vợ con nheo nhóc, tôi đã mất gần năm trời suy nghĩ, toan tính để trả lời câu hỏi sẽ làm gì để có tiền nuôi vợ ốm, mẹ già và 9 đứa con dại? Sự nghiệp với đàn ông rất quan trọng, nhưng trước hết phải làm lo cho vợ con tử tế đã".

Trở về với đời thường, để có tiền nuôi vợ con, ông "cựu quan báo" xoay trần ra xay bột thuê. "Cũng xay bột nhưng mình có tri thức nên biết cách cải tiến cái máy xay, vì thế người ta xay 2 giờ chỉ được 10kg thì cũng từng ấy thời gian, mình xay được 1 tạ". Rồi ông nghĩ phải kiếm việc gì để cho lũ trẻ ngoài thời gian đi học có thể phụ giúp với bố kiếm tiền. Thấy nghề đóng sổ sách phù hợp, ông xin mở hợp tác xã (HTX) nhỏ chuyên ngành xén giấy, đóng sổ sách lấy tên là HTX  Thành Đồng và tổ chức cho cả đàn con vừa học vừa lao động phụ giúp mình. "Làm thế mỗi đứa tự nuôi được nó mà tôi vẫn được tiếng một mình nuôi 9 đứa con" - ông hóm hỉnh nói vậy khi nhắc lại chuyện cũ.

Nhưng năm 1964, tưởng rằng cuộc sống sẽ dần khấm khá lên thì vợ ông qua đời sau hai năm đau ốm, để lại cho ông đàn con dại, đứa lớn nhất đang học lớp 10, đứa thứ chín mới vừa lên 2.

Đó là cú sốc lớn mà trước đó, ngay cả khi khó khăn nhất, ông cũng chưa thể hình dung nổi sẽ có ngày phải gánh chịu.

Quả thực có nuôi con nhỏ rồi mới hiểu được cái bi kịch của người đàn ông khi một mình nuôi con nhỏ, có bao nhiêu thứ mà đứa trẻ cần có mẹ để chăm sóc, chia sẻ. Vậy mà ông, khi ấy mới 41 tuổi, phải một mình chăm sóc, lo ăn, lo mặc, lo học hành cho 9 đứa con giữa thời bao cấp khốn khó.

Nhưng, lúc ấy gánh nặng cơm áo cho cả đàn con khiến ông không có thời gian để mà đau buồn. Nhìn đàn con, ông tự nhủ rằng nếu ông gục ngã thì cả đàn con ấy sẽ không còn tương lai nên lúc nào cũng tự động viên mình cố gắng. Và ông đã ở vậy nuôi 9 đứa con học hành đến nơi đến chốn, chỉ đến khi đứa con út Đỗ Anh Tú (hiện là Tổng giám đốc Công ty Diana) được nhận học bổng sang du học ở Tiệp Khắc, ông mới tục huyền với người bạn cùng cảnh ngộ là bà Nguyễn Kim Phương, ngày ấy cũng là chủ nhiệm HTX thêu xuất khẩu; cũng như ông, trước khi về với ông, bà góa bụa gần 20 năm khi mới có một người con gái. Năm 1979, ông bà sinh cậu con út, hiện đã tốt nghiệp Tiến sĩ Luật và đang làm cho một công ty của Mỹ tại Hà Nội.

Công việc hàng ngày của ông bà là kiểm tra, đôn đốc sản xuất ở xưởng may
Công việc hàng ngày của ông bà là kiểm tra, đôn đốc sản xuất ở xưởng may


III -
Với cái "máu kinh doanh" sẵn có trong người nên ông Sử là người luôn nhìn đâu cũng thấy tiền, nhất là giữa thời bao cấp, cái gì cũng thiếu thì cơ hội để làm ra tiền với ông lại càng nhiều.

Cuối năm 1964, ông tiếp tục xây dựng HTX Thành Đồng vừa sản xuất sách vở vừa mở rộng sang cả nghề sản xuất công cụ cơ khí phục vụ nông nghiệp. Ba năm sau, ông chuyển sang làm chủ nhiệm HTX Cơ khí Tháng Mười.

Ngày ấy, sản xuất cơ khí hầu hết chỉ tập trung vào các công ty nhà nước nên HTX rất khó khăn. Vì vậy, ông bảo để kiếm được công ăn việc làm cho xã viên, chỉ còn cách phải sản xuất được sản phẩm mà nơi khác không làm được. Vậy mà với kiến thức tích lũy được trong 3 năm học tại chức ở Đại học Bách khoa, ông đã mày mò tự nghiên cứu sản xuất gang dẻo. Ngày ấy, gang dẻo là thứ không có nơi nào làm được trong khi lại rất cần trong sản xuất, bởi đơn giản nhất là làm moay ơ xe cải tiến cũng cần gang dẻo mới làm được. Mất tới 2 năm mày mò vừa tự đọc sách vừa trực tiếp thí nghiệm, ông đã thành công trong kỹ thuật đúc gang dẻo. Có được sản phẩm này, HTX Cơ khí Tháng Mười đã nâng quy mô sản xuất lên 200 máy sản xuất và 300 xã viên luôn làm không hết việc.

Năm 1983, căn bệnh đau dạ dày kinh niên suốt mấy chục năm biến chứng nặng, bác sĩ chẩn đoán là ung thư dạ dày, hy vọng sống sau phẫu thuật rất mong manh, ông quyết định xin nghỉ chức chủ nhiệm HTX Tháng Mười. Nhưng thật may, khi mổ ra thì không phải ung thư mà chỉ phải cắt 2/3 dạ dày. Ra viện, những ngày nằm ở nhà để phục hồi sức khỏe, ông quyết định cùng vợ mở lò nấu nước mắm vì bà vợ ông vốn là người rất giỏi nội trợ. Ngày ấy, nước mắm cũng là thứ phải phân phối, thành ra lò nước mắm của vợ chồng ông làm ăn rất phát đạt. "Lương chủ nhiệm của tôi lúc ấy có mấy trăm đồng một tháng, thế mà nấu nước mắm mỗi tháng lãi tới cả trăm  ngàn đồng". Vì thế chỉ có 6 tháng làm thêm bằng nghề nấu nước mắm, ông bà cũng kiếm được một món kha khá.

Sau "thương vụ nước mắm", một ngày ông thông gia ở Sài Gòn ra chơi kể với ông chuyện mua cái mũ phớt ở Sài Gòn mất những hơn nửa chỉ vàng, vậy là ông Sử nghĩ ngay ở Hà Nội rẻ hơn nhiều. Vậy là hai vợ chồng già quyết định dốc vốn gom mũ từ Hà Nội "đánh" vào Sài Gòn. Ngay cả khi đi chơi, ông cũng thấy cơ hội kiếm tiền. Đó là khi sang Tiệp Khắc chơi với cậu con trai thứ 9 Đỗ Anh Tú, ông tìm đến tận kho mua hẳn 5.000 cái mũ đóng container về Việt Nam, phi vụ ấy cũng kiếm bộn. Rồi đến năm Tú nhận bằng đỏ tiến sĩ, được mời bố mẹ sang, khi ông bà ra quảng trường chơi thấy đồ pha lê đẹp quá liền mua luôn.

Ông kể rằng khi mua về, hai vợ chồng ngắm nghía đến 2 giờ sáng rồi quyết định gom pha lê mang về. Để chèn cho mặt hàng dễ vỡ này, ông nhờ Tú dẫn đi mua băng giấy vệ sinh về chèn 39 kiện pha lê. Mang về Việt Nam, không chỉ bán pha lê cũng ra tiền mà băng giấy vệ sinh hồi ấy là của hiếm nên cũng là khoản thu kha khá…

Năm 1993, ông quyết định xoay sang kinh doanh hàng may mặc vì có cô con gái của bà đang định cư ở Tiệp Khắc kinh doanh mặt hàng này. Ban đầu là vào Sài Gòn đặt hàng các cơ sở may rồi thu gom sau đó xuất sang Tiệp. Đến năm 1996, khi đã 73 tuổi, ông quyết định thành lập Công ty May mặc Gamexco để sản xuất hàng xuất khẩu, ban đầu là thuê các công ty may ở Hưng Yên gia công, đến năm 1999, ông bà quyết định xây xưởng sản xuất ở Hà Nội. Cho tới bây giờ, công ty có 3 xưởng sản xuất ở Hà Nội, Hà Nam và Ba Vì với 300 công nhân có việc làm quanh năm.

IV - Trước khi gặp ông, tôi vẫn băn khoăn một câu hỏi cùng thời với ông, có nhiều người cũng từng thành công trong việc sản xuất kinh doanh, nhưng rồi vì những định kiến một thời của xã hội với những người làm nghề kinh doanh (mà ngày ấy đều bị gọi chung một từ là "con buôn") và cả những quy định không phù hợp với quy luật của thị trường mà họ đã phải lâm vào vòng lao lý. Vậy mà ông vẫn vượt qua được hết những cái khó khăn ấy để tồn tại và phát triển tới bây giờ.

Ông kể thời ông làm chủ nhiệm HTX, quận Đống Đa cũng có mấy ông chủ nhiệm HTX bị đi tù. Làm ăn thời ấy quả thực rất khó, khi mà giữa những quy định của pháp luật với thực tế đời sống nhiều lúc rất xa nhau. Vì vậy, nhìn những người bạn chỉ vì một chút sơ sẩy mà lâm vào vòng lao lý, ông luôn tự nhủ phải cẩn trọng để giữ mình, mà để tránh được thì quan trọng nhất là không được tham và phải biết làm việc phù hợp với cơ chế. Nói nghe thì dễ nhưng quả thực để làm được là cả một nghệ thuật khi mà trong tay quản lý rất nhiều tài sản, tiền bạc.

Làm chủ nhiệm HTX, nhất là HTX  làm ăn khấm khá thì cũng phải giao du, đối ngoại, tiếp khách, nhưng ông bảo cần tiếp khách thì rút tiền túi ra chi, "Tôi giao nhiệm vụ cho anh kế toán HTX là hàng tháng, chỉ có hai khoản chi là chi lương và chi phí sản xuất. Nghe vậy, anh ấy kêu thế thì khó quá, tôi bảo khó hay dễ là việc của anh. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi cũng thấy giật mình vì bao nhiêu năm làm ăn khó khăn như vậy mà mình vẫn tồn tại, vẫn phát triển mà không bị va chạm với pháp luật cũng là chuyện ngoạn mục".

* (Còn tiếp)

Theo CAND