Chuyên gia kinh tế: 4 năm thay 2 tướng, FPT dễ mất động lực phát triển

05/10/2012 12:02
Hân Ni
(GDVN) - 4 năm, 2 lần đổi tướng, thế hệ trẻ FPT đang “có vấn đề” trong việc lãnh đạo. Vì vậy, nếu xử lý không khéo, FPT sẽ mất động lực phát triển.
Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) về việc “thay tướng” liên tục trong thời gian gần đây của FPT. “Ông Trương Gia Bình quay lại là một động thái nằm trong bối cảnh chung có rất nhiều sự thay đổi lãnh đạo của các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị. Việc này cũng bình thường trong bối cảnh thay đổi chung, hơn nữa sự thay đổi là cần thiết vì cựu TGĐ FPT Trương Đình Anh đã từ chối tiếp tục công việc của mình” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích. Ông cho rằng: Ông Trương Gia Bình trở lại, FPT có nhiều “cái lợi”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: 4 năm, 2 lần đổi tướng, thế hệ trẻ FPT đang “có vấn đề” trong việc lãnh đạo. Vì vậy, nếu xử lý không khéo FPT sẽ mất động lực phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: 4 năm, 2 lần đổi tướng, thế hệ trẻ FPT đang “có vấn đề” trong việc lãnh đạo. Vì vậy, nếu xử lý không khéo FPT sẽ mất động lực phát triển.
Cái lợi lớn nhất có thể thấy: Tân TGĐ này từng là người sáng lập FPT, trước đó đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT FPT, có nhiều năm kinh nghiệm, cống hiến, gắn bó, tâm huyết với doanh nghiệp này. Thêm một cái lợi nữa là sau một thời lui về giữ chức Chủ tịch HĐQT, đứng nhìn FPT ở một điểm nhìn khác, chỗ đứng khác, có khi ông lại có nhiều sáng kiến hơn, bùng phát hơn. “Và tôi hi vọng ông Bình có nhiều đột phá” – ông Phong nói. Ngoài ra, “uy tín, sự tài giỏi, nhiệt thành của ông Bình sẽ tạo ra niềm tin cho cộng đồng FPT. Dân FPT sẽ không gặp phải những bỡ ngỡ ban đầu khi CEO mới lên thay, cũng không phải tìm hiểu nhiều vì ông Bình sẽ không đưa ra những quan điểm bất ngờ”, ông Nguyễn Minh Phong nhận xét. Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng nhìn thấy những cái “bất lợi” khi TGĐ Trương Gia Bình tái nhiệm. Thứ nhất, ông Bình quay lại "ghế nóng" trong tư thế ông không muốn, như vậy cũng có thể là coi là hơi “gượng ép”, dù về mặt tinh thần, ông luôn sẵn sàng ngồi lại vị trí “ghế nóng” để “con thuyền” FPT tiếp tục vững tay chèo. Thứ hai, việc 4 năm FPT thay 2 “tướng” rõ ràng cũng cho thấy: “Thế hệ trẻ đang có vấn đề trong việc lãnh đạo” – ông Phong nhấn mạnh. Tuy vậy, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng: đây cũng là vấn đề chung của bức tranh các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Việc tìm kiếm, chuyển giao lãnh đạo ở các doanh nghiệp lớn đã khó, ở FPT, việc này lại càng không dễ dàng. Bởi lẽ, “tìm được một người vừa có ý tưởng khoa học của một doanh nghiệp giỏi vừa đóng vai trò là một chính khách như ông Bình không phải là nhiều” – ông Phong cho biết. Ngoài ra, ở FPT, từ trước tới nay chỉ tập trung tuyển người từ nội bộ. Không ít các ý kiến đã “góp ý” FPT và các tập đoàn khác của Việt Nam nên có tư duy thoáng hơn trong việc tuyển CEO. Nên tổ chức chọn CEO công bằng, như vậy các công ty sẽ có người giỏi từ nhiều nguồn: Nội bộ Công ty, nhân viên cũ của công ty, đối thủ cạnh tranh và các lĩnh vực khác… Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, FPT lại không phải là một tập đoàn tư nhân hoàn toàn, khác với các quan hệ kinh doanh như ở phương Tây nên mời người ngoài vào cũng không phù hợp. Khi trao đổi với báo chí, chính TGĐ Trương Gia Bình sau chừng ấy năm làm việc và lãnh đạo tại FPT cũng thừa nhận: chủ định chọn duy nhất một ứng viên cho vị trí Tổng giám đốc không hẳn là một cách làm đúng. “Chúng tôi đang nghĩ tới lộ trình tìm lời giải mới, hy vọng sẽ nhanh chóng có lời giải phù hợp” – ông Bình nói khi mới trở lại vị trí TGĐ FPT. Nhìn từ góc độ kinh tế, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhìn nhận: “Trong chuyện này nếu xử lý không khéo sẽ mất động lực phát triển”.
Từ ngày 26/9/2012, Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Trương Đình Anh và bổ nhiệm ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT tạm thời kiêm nhiệm làm Tổng giám đốc FPT.

Lý do ông Trương Đình Anh nêu trong đơn xin từ nhiệm là vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và Hội đồng Quản trị.

Cũng theo FPT, ông Trương Đình Anh sẽ tiếp tục là thành viên Hội đồng Quản trị FPT và Hội đồng sáng lập FPT. Ở các công ty thành viên như FPT Retail, FPT Telecom, FPT Online, ông Trương Đình Anh vẫn là thành viên Hội đồng Quản trị và cố vấn cấp cao.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình sẽ kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ ngày 26/9/2012 cho đến khi việc ông Trương Gia Bình kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc được Đại hội đồng cổ đông thường niên FPT phê chuẩn, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2013.
Hân Ni