“Hãy cho tôi 5 phút làm ông Đặng Lê Nguyên Vũ”

19/05/2011 00:18
(GDVN) - "Nếu đặt doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ trong một quyển sách khác với một tiêu chí khác như "Doanh nhân đương đại tài năng và đắc dụng" sẽ hợp lý hơn.

(GDVN) - "Nếu đặt doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ trong một quyển sách khác với một tiêu chí khác như "Các doanh nhân đương đại tài năng và đắc dụng" sẽ hợp lý hơn. Từ suy luận đơn giản này, không chỉ riêng tôi mà bạn đọc cũng dễ thấy rằng, chính những người làm nên quyển sách đã quá vội vàng, bất cẩn khi cho ra đời quyển sách", độc giả Phan Lời chia sẻ.

>> Doanh nhân Việt "tự xử" thế nào nếu là Đặng Lê Nguyên Vũ?

>> Doanh nhân số 1 Việt Nam, anh là ai?

>> Dư luận đang phê phán NXB, nhóm biên soạn hay ông Vũ?

Sau khi những ý kiến tranh luận đa chiều về cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam, chúng tôi tiếp tục nhận được những dòng chia sẻ, đóng góp đầy tâm huyết của độc giả xung quanh quyển sách này và doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ. Điều đọng lại sau tất cả những dòng comment ấy chính là sự trăn trở "Làm thế nào để doanh nhân Việt hiện thực hóa được khát vọng của mình", "Cần phải làm gì để thương hiệu Việt trở thành niềm tự hào với người tiêu dùng Việt và thương hiệu Việt khẳng định được chỗ đứng trong lòng bạn bè thế giới"... và gần hơn, "Nên chăng có một cuộc rà soát lại những đề án, những công trình nghiên cứu khoa học... để khi sản phẩm cuối cùng xứng tầm với tên gọi của nó".

Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục trích đăng ý kiến của nhiều bạn độc giả gửi tới báo bày tỏ quan điểm của mình về cuốn sách cũng như những ấn tượng với riêng với ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Ông Vũ có lỗi gì khi có mặt trong sách "Tài năng và đắc dụng"?

Bạn đọc Nam Giang từ La Haye, Hà Lan trăn trở: "Cuối cùng, chúng ta được gì khi phê phán ông Vũ? Có chăng, cái mà tôi nhận thấy là sự hả hê khó che giấu của nhiều người đọc không rõ mình đang đọc và đang bị dẫn dắt bởi cái gì…".

Đang là nghiên cứu sinh về truyền thông tại Hà Lan, bạn Nam Giang thừa nhận: nhiều khi bạn trở nên tự ti “đi khắp mấy chục nước trên thế giới, tới đâu cũng thấy China town, tới nước nào cũng thấy người Trung Quốc làm chủ. Nhiều nhà hàng Việt Nam mà người Trung Quốc lại làm chủ, nhân viên Việt bưng bê toát mồ hôi, nhiều khi chúng tôi hỏi nhau: “Sao người Trung Quốc giỏi thế?”. Hỏi thì hỏi thế thôi, chứ câu trả lời thì ai cũng biết: Vì họ biết tập hợp nhau lại, họ biết cùng nhau làm cái gì để có lợi cho tất cả, chứ không phải làm cái gì để triệt tiêu nhau mà một mình hưởng lộc”.

Nhiều độc giả cảm thấy tiếc vì ông Vũ đã giao tài liệu về mình để người khác nghiên cứu

Nhiều độc giả cảm thấy tiếc vì ông Vũ đã giao tài liệu về mình
để người khác nghiên cứu.

Bao nhiêu năm, Trung Nguyên hỗ trợ cho những công trình nghiên cứu về văn hóa của Tây Nguyên, dựng những giá sách văn hóa tại các quán cà phê, tổ chức các event giới thiệu cách pha chế và uống cà phê theo kiểu Việt Nam ra nước ngoài,… bao nhiêu nỗ lực như thế, hiếm thấy mọi người hay dư luận bàn đến.

Thậm chí khi ông Vũ đưa ra ý tưởng Thủ phủ cà phê toàn cầu, không ít người nói ông hoang tưởng, khi ông Vũ nói cà phê Việt Nam chất chứa triết lý sống trong đó, cũng nhiều kẻ cười khẩy. Cái lỗi của ông Vũ trong quyển sách đang ầm ĩ này là đã làm việc với một ban biên tập không tốt, là đã cung cấp cho họ quá nhiều thông tin mà nhiều người trong trường hợp đó đã không dám vì có nhiều sự không minh bạch về nhân thân của mình, là còn đang sống trong một thế giới người ta chỉ ca tụng người đã khuất.

Cái lỗi của ông Vũ trong những nỗ lực vì cà phê Việt Nam là đã bỏ công, bỏ của tự mình chuốc mệt mỏi vào mình, vì những con người trên mảnh đất cà phê ngày ngày uống cà phê còn không biết đất nước mình hóa ra lại xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới. Những người đọc báo chưa bao giờ nghĩ mình có khả năng làm cái gì thì sao người khác lại làm được và vì một xã hội đang không biết gửi niềm tin vào đâu. Cái lỗi to nhất của ông Vũ là: Không lo bán cà phê lại cứ thích “ôm rơm nặng bụng”!

Hãy cho tôi 5 phút làm ông Vũ”

Một bạn đọc dũng cảm, xin được là ông Vũ 5 phút để giải quyết những vấn đề dư luận đang quan tâm xung quanh ông. Theo đó "nếu là ông Vũ, tôi xin cảm ơn tất cả quý độc giả đã quan tâm tới tôi và đã có những phản hồi về thông tin dù đồng thuận hoặc không đồng thuận.

Tôi chỉ muốn làm những việc gì có lợi cho đất nước, và tôi đã chọn cuộc đời mình để dấn thân cho cái mong muốn đó. Vì vậy, nếu quý độc giả cảm thông và hiểu tôi thì xin hãy giúp tôi thực hiện mong mỏi đó. Cá nhân tôi cùng tập thể Trung Nguyên và có thể là hầu hết những doanh nghiệp Việt Nam khác đều có mong mỏi tột cùng cho niềm tự hào dân tộc, mong thay đổi một diện mạo mới của Việt Nam.

Để làm được việc đó, tôi và những người doanh nhân như tôi sẽ cần sự đóng góp và giúp sức của những người tài, người có tâm huyết bằng những hành động thiết thực nhất. Chậm một ngày đất nước lùi lại hàng trăm năm".

Bạn đọc Trần Thái Hoa cũng cho rằng: “Chúng ta hãy sáng suốt, bình tĩnh để nhận định vấn đề, đừng vì xu hướng đám đông là tập trung và phê phán chỉ trích Đặng Lê Nguyên Vũ vì như thế chẳng khác nào người Việt chúng ta tự làm nhụt chí mình. Tôi rất mong giới doanh nhân trong nước đừng để đây là cơ hội có các doanh nhân nước ngoài lấn áp thương hiệu Việt tại sân nhà”.

Bạn Lưu Bình chia sẻ về kỷ niệm mình được gặp vị doanh nhân trẻ Đặng Lê Nguyên Vũ. “Tôi đã từng được tham gia 1 buổi giao lưu của ông Vũ - Tổng giám đốc tập đoàn Cà phê Trung Nguyên với sinh viên. Trong buổi giao lưu ấy, anh chia sẽ về ý chí khát vọng trên con đường thành công trong sự nghiệp, ý chí của người Việt Nam. Lúc đầu, tôi cũng không tin anh, nhưng qua những gì anh đã đạt được và những dự án anh đang nổ lực theo đuổi, tôi chắc chắn anh ấy có thể làm được hoặc cũng chí ít là đặt được nền tảng cho tương lai ngành cà phê trong nước, cũng như cho những người trồng cà phê. Mặt khác so với những doanh nhân khác, anh Vũ là người thành đạt từ 2 bàn tay trắng khi tuổi còn rất trẻ. Anh có mọi thứ nhưng anh không sống hưởng thụ, mà thay vào đó anh luôn trăn trở tìm hướng đi cho ngành cà phê Việt Nam nói chung và để khẳng định tinh thần người Việt Nam nói riêng.

"Nếu đặt doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ trong một quyển sách khác với một tiêu chí khác như "Các doanh nhân đương đại tài năng và đắc dụng" sẽ hợp lý hơn. Từ suy luận đơn giản này, không chỉ riêng tôi mà bạn đọc cũng dễ thấy rằng, chính những người làm nên quyển sách đã quá vội vàng, bất cẩn khi cho ra đời quyển sách này", độc giả Phan Lời chia sẻ.

P.T (tổng hợp)

>> Doanh nhân Việt "tự xử" thế nào nếu là Đặng Lê Nguyên Vũ?

>> Doanh nhân số 1 Việt Nam, anh là ai?

>> Dư luận đang phê phán NXB, nhóm biên soạn hay ông Vũ?

>> Tác giả sách vĩ nhân "miễn bình luận" ý kiến của ông Đào Trọng Thi

>> Người Tây Nguyên nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ

>> Người đề xuất ông Vũ vào sách “Tài năng và đắc dụng” nói gì?

>> TGĐ Trung Nguyên đứng chung cùng các vĩ nhân từ năm 2008?

>> TGĐ Trung Nguyên được vinh danh "vĩ nhân" theo tiêu chí nào?

>> Đặng Lê Nguyên Vũ xếp cạnh vĩ nhân: Một công trình được đánh giá tốt

>> "Tôi không tin Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ tiền “đánh bóng” tên tuổi"

>> "Chủ biên xếp Đặng Lê Nguyên Vũ cạnh vĩ nhân là việc làm sai trái"

Loạt bài trên Báo Giáo dục Việt Nam về việc xếp Đặng Lê Nguyên Vũ bên cạnh các vĩ nhân trong cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" đã tạo nên một làn sóng dư luận lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau: Chê - khen; đồng tình - bất bình. Mời Quý độc giả tiếp tục đóng góp ý kiến bằng cách gửi thảo luận hoặc bài viết về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gõ vào ô ý kiến dưới đây. Trân trọng!