Người của FPT khẳng định: "Không thể có một Trương Gia Bình thứ hai"

02/10/2012 13:04
Hà Nhi
(GDVN) - Chỉ trong vòng 4 năm, FPT đã thay tới "hai tướng", bản thân người sáng lập Trương Gia Bình cũng thừa nhận: “Chuyển giao lãnh đạo FPT không dễ”. Dân FPT cũng khẳng định: Không thể có “một Trương Gia Bình thứ hai”.
Theo nhận xét của một số lãnh đạo đã từng làm việc tại FPT: CEO Nguyễn Thành Nam và CEO Trương Đình Anh đều giỏi nhưng họ đều thiếu. Nguyễn Thành Nam thiếu sự quyết liệt, cá tính đến nghiêm khắc của Trương Đình Anh, còn Trương Đình Anh lại thiếu “chữ tình”, “chữ Lễ” vốn là nét đẹp, nét văn hóa tạo nên nền tảng lâu bền hiếm có ở FPT. Chỉ có TGĐ Trương Gia Bình là người duy nhất có đầy đủ cả “2 cái thiếu đó” của ông Nguyễn Thành Nam và Trương Đình Anh
Tìm được "một Trương Gia Bình" thứ hai ở FPT là điều không thể?
Tìm được "một Trương Gia Bình" thứ hai ở FPT là điều không thể?
“Tìm được một người thay thế anh Bình đã là rất khó. Tìm được một Trương Gia Bình thứ 2 ở FPT là chuyện không thể” – một lãnh đạo đã từng có thâm niên 10 năm làm việc tại FPT nhận xét. Ông Nguyễn Thành Nam rất giỏi, đã từng là giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Phần mềm của FPT, biến cái “không có gì’ thành “có gì”, thực hiện giấc mơ xuất khẩu phần mềm đầy tham vọng của FPT. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nam lại xuề xòa, “bình dân một cách đáng yêu”, một người đã từng làm việc tại FPT chân tình nhận xét. “Tôi chưa thấy một lãnh đạo nào bình dân đến thế, thậm chí sẵn sàng ngồi nhậu với bất cứ một nhân viên nào. Anh không có ô tô riêng, thích đi xe buýt, thậm chí là thích đi bộ. Bắt anh mặc comple chẳng khác nào cực hình. Anh là một tướng cực kỳ dân dã mà tôi biết từ trước đến nay”, một người đã từng làm việc tại FPT đánh giá.
Với tính cách gần gũi, cởi mở, tất cả mọi người - đội ngũ nhân viên của FPT rất quý vị TGĐ này của mình. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng: “Anh Nam thân thiện quá mức, không cần thiết”. Theo lý giải của những người này thì “một lãnh đạo có uy là một lãnh đạo phải làm cách nào đó để nhân viên mình sợ”. Nhưng với một người như Nguyễn Thành Nam, chiến lược điều hành của ông lại thiên về phát triển văn hóa, sự trường tồn, tinh thần và văn hóa làm việc, tạo môi trường cho người ta cống hiến và sáng tạo hết mình. Đây là điều rất quan trọng góp phần làm nên sự thắng lợi của FPT nhưng lại có vẻ “hơi thiếu” đối với các nhà đầu tư hay với các thành viên trong hội đồng quản trị (HĐQT). Bởi lẽ, người sáng lập FPT Trương Gia Bình đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong “thời chiến”, nơi mà kỷ luật là sức mạnh”, vì vậy mà “kỷ luật và tính tuân thủ là điều phải bằng mọi cách đẩy mạnh hơn nữa”. Quan điểm, chiến lược điều hành của Trương Đình Anh lại khác (xem chi tiết tại đây). Ông quản lý theo kiểu "độc tài", sẵn sàng sa thải nhân viên nếu nhân viên đó không hoàn thành kế hoạch hoặc không làm đúng những gì ông yêu cầu. Nhưng Trương Đình Anh đâu biết rằng: Phải có những người đó mới có FPT bây giờ. Tính cách Trương Đình Anh hoàn toàn khác biệt với với quan điểm của Trương Gia Bình. Ông Bình tôn trọng cả người lái xe lẫn cô tạp vụ. Có người bật mí rằng: “Có những cô tạp vụ theo FPT 24 năm tức là bằng tuổi của FPT hiện tại. Ông Bình có tình với cả những người như thế chứ đừng nói gì tới những người lãnh đạo khác”. Ngay cả khi Trương Đình Anh từ nhiệm, trao đổi với báo chí, ông Trương Gia Bình vẫn khẳng định rằng: FPT thành công được như 24 năm qua là nhờ nỗ lực và sáng tạo của tất cả mọi thành viên. “Mỗi lãnh đạo, nhân viên đều được chia sẻ ý tưởng, và chúng tôi có thể chấp nhận cả những ý tưởng khác biệt, hỗ trợ cho những ý tưởng đó được triển khai vì cái chung của cả tập đoàn. Chúng tôi tin vào giá trị đồng đội và làm việc tập thể. Tinh thần đồng đội đó đòi hỏi người lãnh đạo phải biết lắng nghe, có tính thuyết phục với mọi người, bên cạnh khả năng quyết định một cách quyết liệt”, ông Trương Gia Bình từng nói. Trong khi đó, Trương Đình Anh chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái lâu dài. Đó là xây dựng sự bền vững trong văn hóa FPT, tạo nên tính cam kết lâu dài, sẵn sàng sống chết tại FPT – đó mới là chiến lược dài hạn, lâu dài mà người sáng lập ra nó muốn lưu giữ và phát triển. Vì vậy, nếu ai là thành viên của gia đình FPT, đủ hiểu tường tận về văn hóa cũng như lịch sử hình thành và phát triển của FPT thì sẽ không có gì phải sốc với sự “ra đi” của Trương Đình Anh.
Nếu ai là thành viên của gia đình FPT, đủ hiểu tường tận về văn hóa cũng như lịch sử hình thành và phát triển của FPT thì sẽ không có gì phải sốc với sự “ra đi” của Trương Đình Anh.
Nếu ai là thành viên của gia đình FPT, đủ hiểu tường tận về văn hóa cũng như lịch sử hình thành và phát triển của FPT thì sẽ không có gì phải sốc với sự “ra đi” của Trương Đình Anh.
“Văn hóa FPT là “chia sẻ và đoàn kết” như là một gia đình. Do đó, không nên dùng bất cứ sự áp đặt nào. Tôi hiểu anh Bình và các anh sáng lập FPT không phải bất đồng quan điểm trong hoạch định kinh doanh mà bất đồng trong việc bảo tồn văn hóa FPT” – một độc giả của báo Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh. Như vậy, có thể thấy rằng: vị trí TGĐ của FPT là “rất nóng”. Ngoài ông Trương Gia Bình, chưa có vị Tổng giám đốc nào ngồi yên vị đến… 2 năm. Với sự trở lại, tái nhiệm vị trí TGĐ của Trương Gia Bình lần này, nhiều kỳ vọng mới về FPT lại bắt đầu... Tuy nhiên, về lâu dài Trương Gia Bình vẫn phải chuyển giao lãnh đạo sang một người khác. Và ai có thể đảm đương vai trò này là câu hỏi khó có lời giải ít nhất trong thời điểm hiện nay ở FPT... Chính điều này khiến nhiều cư dân FPT đặt câu hỏi: phải chăng nhân sự ở FPT đang phát triển lùi?
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình về văn hóa FPT, xưa và nay, theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi