Ông chủ Sữa Ba Vì thổ lộ tham vọng mãnh liệt khi “săn” Trần Bảo Minh

01/11/2012 13:55
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Đối với việc "săn" Trần Bảo Minh, ông chủ nhãn sữa Ba Vì từ chối tiết lộ chi tiết nhưng lại không giấu được kỳ vọng lớn lao về vị CEO này. Ngoài tham vọng tạo ra vị thế mới cho thương hiệu sữa tươi Ba Vì thì bao trùm lên tất cả, có thể nhận ra khát vọng chinh phục thị trường sữa tươi phía Nam của ông Khải là vô cùng mãnh liệt.
Vì sao có cuộc "hôn nhân" Trần Bảo Minh - Sữa Ba Vì?

Rời Asia Foods và nhận lời đầu quân cho Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP), Trần Bảo Minh tuyên bố thời gian này ông tạm nghỉ ngơi tại TP.HCM và đã dành thời gian đi thăm trang trại ở Ba Vì (Hà Nội) của công ty sữa này. Ông nhìn ra tương lai của mô hình hợp tác doanh nghiệp - nông dân. Mục tiêu lớn mà ông Minh ấp ủ là thay đổi bộ mặt nông thôn qua những dòng sữa tươi. Và từ đây, ông hiểu mình muốn gì và cần làm thế nào.
Đó là gánh vác một dự án đồ sộ là phát triển mảng sữa tươi cho IDP, dự kiến kéo dài 3 năm, bắt đầu từ 1/1/2013 - thời điểm Trần Bảo Minh chính thức gia nhập IDP. Ngoài ra, như ông thừa nhận, ông bị hấp dẫn bởi quan điểm kinh doanh không chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá của ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị IDP.
"Phù thủy marketing" Trần Bảo Minh
"Phù thủy marketing" Trần Bảo Minh
"So với các công ty sữa mà tôi từng làm, ở đây mục tiêu lợi nhuận trong 3 năm được công ty đặt ra rất thấp. Còn mục tiêu cao nhất là xây dựng bằng được một thương hiệu sữa tươi Việt Nam, sử dụng 100% sữa tươi của nông dân sản xuất ra", ông Minh từng nói. Còn ông chủ IDP Nguyễn Tuấn Khải chia sẻ, việc triển khai dự án này có mục tiêu bước đầu là xây dựng và cải thiện hệ thống thu mua sữa tươi cho người nông dân nuôi bò sữa ở Ba Vì. Tiếp đó là nâng thương hiệu sữa Ba Vì lên một tầm cao mới, đặt trọng tâm phải đặt được chân vào thị trường phía Nam đầy thách thức.
Trong cuộc trao đổi qua điện thoại với pv, ông Nguyễn Tuấn Khải giải thích: Khi công ty phát triển đến một quy mô nhất định thì cần tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Muốn thực hiện kế hoạch này, IDP cần tuyển dụng những nhà quản trị có tài, và quan trọng hơn là phù hợp với mô hình kinh doanh và văn hóa riêng của IDP. Cần phải nói thêm rằng, IDP là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình gia đình, trong đó hai vị trí chủ chốt do hai cha con ông Nguyễn Tuấn Khải (Chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Tuấn Dũng (Tổng giám đốc), nắm giữ. Thị trường sữa tươi trong nước đang chứng kiến sự lấn lướt của những gương mặt lớn với ngân sách bán hàng và marketing khổng lồ, lấy ví dụ Vinamilk thời điểm năm 2007 - một năm sau khi ông Minh ngồi vào ghế Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, marketing (10/2006) - đã chi tới 975 tỷ đồng cho hoạt động bán hàng và marketing. Ông Khải cho biết, IDP có quy mô nhỏ hơn, do vậy phải tính toán ngân sách sao cho phù hợp. Đối với việc "săn" Trần Bảo Minh, ông Khải từ chối tiết lộ chi tiết, song khẳng định hội đồng quản trị công ty đã cân nhắc kỹ để sắp xếp vị trí phù hợp cho ông Minh. Nói cách khác, ông Minh về IDP với tư cách một nhà quản trị có tài và có thương hiệu cá nhân, nên chiếc ghế ông sẽ ngồi cũng phải "hữu danh, hữu thực" với những cơ chế phù hợp nhằm phát huy tốt nhất khả năng điều hành của mình.Khát vọng mãnh liệt của ông chủ sữa Ba Vì
Về phía mình, Trần Bảo Minh đương nhiên nhận được kỳ vọng lớn lao từ ông chủ sữa Ba Vì, trong tham vọng tạo ra vị thế mới cho thương hiệu sữa tươi Ba Vì. Nhưng bao trùm lên tất cả, có thể nhận ra khát vọng chinh phục thị trường sữa tươi phía Nam của ông Khải là vô cùng mãnh liệt. Hiện tại, điểm yếu lớn nhất của sữa Ba Vì là họ chưa thể chen chân vào thị trường các tỉnh phía Nam đầy hấp dẫn nhưng cạnh tranh hết sức khốc liệt. Hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ của TP.HCM hoàn toàn vắng bóng sản phẩm sữa tươi Ba Vì. Còn tại thị trường miền Bắc, Ba Vì hiện chiếm xấp xỉ trên dưới 10% thị phần sữa tươi. Theo tiết lộ từ Chủ tịch IDP Nguyễn Tuấn Khải, từ khi còn dẫn dắt Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) nhiều năm trước, ông đã có kế hoạch đưa sản phẩm sữa tươi Izzy của doanh nghiệp này vào chinh phục thị trường trọng điểm phía Nam. "Năm lần Nam tiến, Izzy đều không thành công do cạnh tranh quá gay gắt, tôi lại không hiểu rõ thị trường trong đó nên phải rút", ông Khải nói. Lần này, một lần nữa ông chủ sữa Ba Vì đặt mục tiêu chinh phục thị trường rộng lớn phía Nam, chiếm thị phần và phủ sóng thương hiệu với bàn đạp đầu tiên là TP.HCM. Theo ông, điều kiện cần là IDP phải có một nhà quản trị giỏi làm việc tại TP.HCM, hiểu rõ ngành sữa và có khả năng phát triển thị trường. Người đó không ai khác ngoài "phù thủy marketing" Trần Bảo Minh. Còn ông Minh tâm sự: Ông là người đơn giản trong nhìn nhận mục đích sử dụng của chủ doanh nghiệp. Nếu con đường ông và người chủ cùng nắm tay nhau đi có tiếng cười và sự đồng thuận, ông thấy hạnh phúc. Ngược lại, ông chấp nhận buông tay ra đi trong im lặng nếu "cuộc hôn nhân" chẳng may dang dở. Trần Bảo Minh tự nhận đây là sự khác biệt ở ông, nhưng thường xuyên bị thổi phồng quá mức và thường là lý do chính để người ta gán cho ông cái mác "không chung thủy". Cuộc phiêu lưu mới của Trần Bảo Minh với IDP đang ở phía trước. Với vai trò Giám đốc điều hành phụ trách chiến lược kinh doanh, marketing làm việc ở TP.HCM, ngoài nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sữa Ba Vì, thách thức lớn khác của ông nằm ở sự đồng thuận với chủ doanh nghiệp. Trong khi ông Nguyễn Tuấn Khải được biết đến như mẫu ông chủ lặng lẽ làm kinh doanh, ít quan tâm đến thương hiệu, thì Trần Bảo Minh luôn được ưu ái dành cho những khoản kinh phí marketing lớn ở mỗi doanh nghiệp mà ông đầu quân. Hơn nữa, trong tình hình kinh tế đầy khó khăn hiện tại, đòi hỏi một công ty sữa chưa có thị phần tại TP.HCM phải rót "bom tấn" marketing, như Asia Foods từng chi 150 tỷ đồng cho chiến dịch marketing Mỳ Gấu Đỏ, là không hề đơn giản. Có thể ông Khải sẽ chỉ chấp nhận chi lớn trong một giai đoạn nhất định, chứ khó để ông chấp nhận rủi ro trong một khoảng thời gian dài. Ông Minh cho biết, không riêng IDP mà hầu như không có ông chủ nào chấp nhận vung tiền làm marketing mà không thu được nhiều tiền hơn. "Nói tôi đòi ngân sách marketing lớn là chưa đủ. Đúng ra thì 1 đồng chi cho tiếp thị đều được tôi tính toán cẩn thận và mang lại nhiều đồng doanh thu. Các công ty tôi từng làm đều như vậy, doanh thu tăng trung bình vài chục phần trăm. Asia Foods nhờ có chiến dịch marketing lớn đã đạt tăng trưởng lợi nhuận trên 30%, điều này công ty kiểm toán có thể chứng minh", ông Minh cho biết.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Theo Diễn đàn doanh nghiệp