Công an tra khảo làm chết người

14/09/2011 07:18
Theo LÊ VĂN NHUNG/Pháp luật TPHCM
VKS truy tố tội cố ý gây thương tích nhưng tòa nhận định có cơ sở buộc tội giết người.
VKS truy tố tội cố ý gây thương tích nhưng tòa nhận định có cơ sở buộc tội giết người. Đánh người, xịt hơi cay trong phòng rồi đóng cửa bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra thì họ phải phạm vào tội giết người mới đúng.
Sáng 1-8-2010, qua tin báo có một vụ trộm ống nước, lực lượng Công an xã Tơ Tung (huyện Kbang, Gia Lai) kiểm tra, phát hiện tại nhà ông Lê Phúc Hùng có nhiều cuộn ống nước tương tự. Ông Hùng đã bị lập biên bản vi phạm và tạm giữ hành chính tại trụ sở công an xã.
Bị đánh vì nghi trộm

Theo hồ sơ, buổi chiều cùng ngày, Hoàng Văn Vang (Trưởng Công an xã) cùng Triệu Tiến Bộ, Lương Văn Tuấn (cùng là công an viên) đã đến lấy lời khai ông Hùng. Vang hỏi ông Hùng: “Ngoài việc trộm hai cuộn dây ống nước thì có trộm tài sản nào khác không?”. 

Ông Hùng trả lời: “Không có”. Sau câu trả lời này, ông Hùng bị còng tay và bị tra hỏi về những vụ trộm khác. Chưa dừng lại đó, ba cán bộ này còn thay nhau đánh ông Hùng. Đến khoảng 17 giờ, họ tiếp tục giữ ông Hùng trong phòng làm việc và bỏ đi ăn cơm. Trước khi đi, Bộ đã dùng bình xịt hơi cay xịt vào phòng giữ ông Hùng rồi đóng cửa lại. Hơn 1 giờ sau thì ông Hùng chết.

Kết quả khám nghiệm tử thi thể hiện ông Hùng bị gãy xương sườn, hai phổi xẹp, có nhiều vết thương khác...
Vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 5-6 nhưng TAND tỉnh Gia Lai phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều lời khai mâu thuẫn cũng như chưa làm rõ hành vi sử dụng bình xịt của bị cáo Bộ.
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: LVN
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: LVN
Có dấu hiệu tội giết người
Ngày 8-9, TAND tỉnh tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Công tố viên cho rằng các bị cáo đã phạm vào tội cố ý gây thương tích với tình tiết dẫn đến chết người (khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự). Bởi lẽ các bị cáo trên đều là công an nên mục đích lúc đầu là đấu tranh đối với người phạm tội nhưng lại lạm quyền dẫn đến chết người chứ không có ý định giết người. Hơn nữa, nạn nhân bị đánh nhưng vẫn còn sống trong phòng lấy lời khai trước khi các bị cáo khóa cửa đi ăn cơm.
Ngược lại, luật sư của phía nạn nhân cho rằng là công an đương nhiên các bị cáo phải biết không được phép dùng nhục hình, tuy nhiên họ đã lạm quyền. Hơn nữa, đã là công an được tập huấn nghiệp vụ nên buộc họ phải biết việc đánh người, xịt hơi cay trong phòng rồi đóng cửa bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra là phạm vào tội giết người.

Cuối cùng, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ tội danh của các bị cáo. Theo tòa, bị cáo Bộ và Tuấn có hành vi bạo lực trong thời gian dài, tính chất sử dụng bạo lực là nghiêm trọng mặc cho nạn nhân kêu cứu. 

Không những thế, bị cáo Bộ là công an viên nên phải biết rõ chất chứa trong bình xịt là chất độc. Phòng tạm giữ ông Hùng nhỏ, đóng kín nhưng bị cáo cố tình sử dụng và đóng cửa trong thời gian dài, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Mặc dù ý thức ban đầu của bị cáo Bộ cũng như bị cáo Tuấn là không mong muốn làm cho nạn nhân chết nhưng hành vi trên có cơ sở xác định các bị cáo phạm tội giết người.

Đối với hành vi của bị cáo Vang, HĐXX cho rằng mặc dù bị cáo có tham gia gây thương tích nhưng không đánh nhiều, không biết bị cáo Bộ dùng bình xịt hơi cay nên cần phải xác định tội danh theo hướng không phải là tội giết người và cả tội cố ý gây thương tích...
Tại phiên tòa ngày 8-9, HĐXX đã công bố kết quả giám định tác hại của chất có trong bình xịt mà bị cáo Bộ sử dụng, trong đó có nội dung: “CS là chất độc thuộc nhóm độc với hệ thần kinh. Khi bị nhiễm độc, cơ thể sẽ bị bỏng rát, đau nhức vùng niêm mạc mắt, mũi, cổ họng và lồng ngực; gây chảy nước mắt, mũi. Nếu nồng độ cao có thể làm tinh thần hoảng loạn, thậm chí ngừng thở dẫn đến tử vong...”.
Theo LÊ VĂN NHUNG/Pháp luật TPHCM