Kinh hoàng lấy liềm mổ bụng vợ cứu con

04/05/2012 13:52
Theo Lưu Tình/Phụ nữ & Đời sống
Dù đã hơn 16 năm trôi qua nhưng người dân thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện đau lòng về anh nông dân chân đất Nguyễn Dưỡng (SN 1969) trong cơn quẫn trí đã dùng dao cắt rau, liềm cắt cỏ mổ bụng vợ để cứu con.

Phút lâm bồn kinh hoàng

Trở lại thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vào một ngày đầu tháng 5/2012, căn nhà “bi thảm” (theo cách gọi của người dân) của vợ chồng anh Dưỡng đã bị san phẳng từ lâu, giờ chỉ là bãi đất um tùm cỏ lau.

Vào khoảng năm 1989, anh nông dân chân chất Nguyễn Dưỡng lập gia đình với người con gái quê Bình Định Nguyễn Thị Mủn (còn có tên là Hoa, Bống).

Do hai bên gia đình quá nghèo nên khi cưới xong, đôi trẻ đành dẫn nhau ra khu đất hoang gần lộ, dựng tạm ngôi nhà tranh vách đất, sống qua ngày. Thấy họ hiền lành, nhiệt tình giúp đỡ người xung quanh, một người hàng xóm đã cho họ mượn mảnh đất để ở lâu dài.

Năm 1991, khi vợ sinh đứa con trai đầu, trong nhà không còn một đồng, anh Dưỡng phải đi vay mượn tiền hàng xóm được hơn 10.000 đồng (mệnh giá năm 1992) để trả cho người đỡ đẻ.

Hai năm sau, dù cật lực làm việc nhưng “món nợ vượt cạn” ấy vẫn chưa thể trả hết. Đúng lúc này, chị Mủn lại có mang.

Không có tiền để mời bà mụ cộng với bản tính mặc cảm, tự ti của kẻ khốn khó, cả vợ lẫn chồng không biết tính thế nào lại bàn nhau đóng chặt cửa để anh Dưỡng làm nhiệm vụ bất đắc dĩ giúp vợ "vượt cạn".

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ vợ chỉ dẫn từng bước: nấu nước, động viên vợ, kéo đứa con ra và cắt rốn… nên ca vượt cạn thành công. Sau ca làm "bà đỡ" bất đắc dĩ anh Dưỡng tự nghiệm ra rằng "đỡ đẻ dễ òm, đâu có gì khó".

Nhưng cái ngày 8/1/1996 định mệnh cũng đến khi chị Mủn lại mang thai và đến ngày trở dạ. Không ai ngờ ngày đó lại là ngày báo tử giáng xuống gia đình bé nhỏ của anh.

Trước đó vào ngày 7/1/1996, chị Mủn bắt đầu trở dạ, đau đớn từng đợt. Cho đến trưa ngày 8/1, chị Mủn đau đớn đến "chết đi sống lại" nhưng vẫn không thấy bất cứ dấu hiệu chào đời của đứa bé.

Anh Dưỡng đứng ngồi không yên bởi "trước đó nó rặn vài cái là tọt ra liền sao lần này lâu quá”. Trong cơn đau đớn, chị Mủn la lớn “Chết mất… anh ơi… em không rặn được nữa rồi… Anh lấy dao lam rạch ra kẻo con chết ngạt mất”.

Lúc đó mấy đứa con cũng ôm chân anh nói: "Bố làm gì đi bố". Nghe vợ, con cầu khẩn, tâm trí anh Dưỡng trở nên bấn loạn, mồ hôi túa đầy người, chân tay bủn rủn, anh quỵ hẳn xuống nền nhà.

Thấy chồng như vậy chị Mủn hét lớn: "Anh không làm được… cả hai mẹ con tôi chết… anh liệu sống được không?". Nghe vậy, anh Dưỡng vội đứng lên vét nhẵn túi được 500 đồng đưa đứa con trai đầu chạy ra quán mua lưỡi lam.

Lát sau thằng bé hớt hải chạy về, miệng méo xệch: "Nó có giá 800 đồng lận ba ơi, thiếu tiền họ không chịu bán". Anh Dưỡng choáng váng bởi giờ này ai nấy đều đi làm chưa về nên không thể mượn tiền lại cũng chẳng cậy nhờ được ai hết. Mà đưa đi trạm xá thì đã muộn…

Nhưng anh cũng chẳng thể nghĩ được điều gì bởi chị Mủn liên tục ôm bụng lăn lộn, la hét, mấy đứa con anh cũng khóc ré lên... Trong cơn bấn loạn, một ý nghĩ bỗng lóe lên, anh chạy vội xuống bếp tìm con dao thái rau heo mài sơ qua chiếc rựa để kế bên, xách lên nhà cứa lên bụng vợ…

Dao quá cùn, rạch mãi vẫn không đứt, anh vội vàng chụp ngay chiếc liềm cắt cỏ rạch để ở góc phòng, run rẩy đưa lên bụng vợ... Máu phọt thành dòng, chảy lênh láng ướt đẫm cả giường chiếu. Ruột gan người vợ khốn khổ xổ tuột ra, anh vội hốt đặt sang một bên, thọc tay vào bụng, lôi ra đứa con gái đỏ hỏn, rồi dùng chiếc liềm để cắt rốn cho nó.

Thấy máu ra nhiều quá, sức khỏe vợ yếu dần, anh vội đặt con sang chiếc phản bên cạnh, hốt hết gan ruột nhét vào bụng rồi lấy chỉ đen (để khâu quần áo) may lại. Khi anh ráng sức siết lại đường chỉ cuối cùng thì chị Mủn giật bắn người lên, thở hắt ra lần cuối, tắt thở.

Bà Nguyễn Thị Bảy, 60 tuổi, nhớ lại: Lúc tôi và mọi người tung cửa chạy sang thì đã thấy thằng Dưỡng và mấy cháu ngồi bệt xuống đất, ôm mặt kêu gào thê thiết. Trên chiếc giường gần đó con Mủn nằm bất động, mắt trân trân nhìn trần nhà.

Trên cái bụng loang lổ máu là một vết mổ dài dọc từ ngực trở xuống, được khâu sơ sài bằng chỉ đen. Cách đó khoảng 5 mét là bé gái sơ sinh còn bết máu nằm khóc đến khản giọng… Vài giờ sau, Dưỡng đến cơ quan chức năng tự thú.

Về phía gia đình, ai cũng trách anh Dưỡng hành động "ngu ngốc", "dại dột" nhưng họ lại thông cảm, hết mực bảo vệ cho anh khi cho rằng hành động mổ bụng vợ là chẳng đặng đừng…

Về phía cơ quan chức năng, chỉ riêng hành vi của Dưỡng cũng đủ cấu thành tội danh giết người. Nhưng suy cho cùng mục đích của anh là để cứu người, cộng vào đó là sự thiếu hiểu biết của một người chưa từng được đi học, cả sự đồng tình, tác động của người vợ xấu số.

Nếu truy tố, bỏ tù thì quả thực quá sức chịu đựng trong khi anh còn phải nuôi ba đứa con nhỏ. Một cuộc họp nhiều bên gồm chính quyền xã, công an, các hội đoàn thể và đại diện thân nhân hai gia đình nhanh chóng diễn ra. Sau khi cân nhắc, toàn bộ hồ sơ vụ việc được khép lại.

Cuộc đời bất hạnh của cô bé mồ côi

Không bị sự trừng phạt của pháp luật nhưng anh Dưỡng chẳng thể thoát khỏi tòa án lương tâm. Bốn ngày sau, anh Dưỡng bỗng hóa điên, bỏ mặc bé gái ở nhà, dắt hai đứa con trai ra đi biệt xứ.

Xuyến cùng bố mẹ nuôi
Xuyến cùng bố mẹ nuôi

Khi đó, không một ai trong số những người thân hai bên nội ngoại muốn cưu mang đứa bé gái bởi một phần vì nghèo, phần vì quan niệm "vì nó mà mẹ nó chết, ai nhận nuôi sẽ gặp xui xẻo".

Thậm chí thím ruột của cô bé còn thay mặt mọi người thông báo: “Đợi đến 12 giờ trưa nay, nếu không có ai nhận nuôi, tụi tui sẽ đem con bé bỏ mặc tại dốc Đồng Dài để nó đi theo mẹ”.

Khi gia đình chuẩn bị "tiễn bé lên đường" thì chị Trần Thị Mâu (SN 1970), một người phụ nữ vừa bị chồng bỏ đã quyết định nhận đứa bé gái về nuôi, đặt tên là Trần Thị Mỹ Xuyến.

"Con bé sanh trong hoàn cảnh ngặt nghèo nên yếu lắm, bệnh đau liên miên, có lúc tưởng như không vượt qua khỏi cơn nguy cấp. Mình lại không có thời gian chăm sóc bởi phải lo kiếm cơm, kiếm tiền mua sữa, mua thuốc… nên bé Xuyến được bố mẹ mình thay nhau trông coi", chị Mâu nhớ lại.

Khi Xuyến được vài tuổi, chị Mâu gặp và kết duyên với anh Trương Văn Kim. Về ở với nhau một thời gian, anh chị cho ra đời hai đứa con một trai một gái.

Những tưởng số phận bi kịch của bé Xuyến sẽ chấm dứt.

Trớ trêu thay, từ lúc được vài tuổi, mắt bé Xuyến đã có dấu hiệu mờ đi. Khi xem ti vi, học bài hay ăn cơm, bé phải ghé sát vào mới thấy. Do không nhìn thấy mặt chữ nên phải mất 4 năm trời, Xuyến mới học qua lớp 1.

Rồi mất mấy năm nữa mới qua được lớp 2, 3. Hết năm lớp 4, do không thấy được nữa, bé Xuyến đành nghỉ học ở nhà. “Lúc đầu tôi tưởng con bé không chịu khó nên không học được, nó lại không nói cho ai biết. Mãi sau này tôi biết thì lại không có tiền chạy chữa.

Cách đây mấy năm vì thương con quá, nghe có đoàn bác sĩ nước ngoài tới TP Tuy Hòa khám mắt, cấp phát kính miễn phí, tôi đã đưa nó đi chầu chực, chen lấn hơn ba ngày trời mới được họ khám. Khi họ nói nó cận tới… 22 độ, 60-70% khả năng về sau sẽ mù, tôi nghe mà choáng váng”.

Hàng ngày, bé Xuyến vẫn phải theo cha mẹ lên rẫy để làm. Do thị lực yếu nên em phải dò dẫm từng bước một.

“Một lần nó cầm dao chặt lá cây, thay vì chặt lá nó đưa dao vào ngay tay mình làm máu chảy lênh láng nên từ đó trở đi không ai cho con bé cầm dao nữa. Nhiều lúc gieo hạt, thấy con bé bỏ nhầm lỗ, tôi phải nhắc nó bỏ lại. Thấy nó lúi húi mãi mới bỏ hạt vào đúng lỗ, tôi và ông xã vừa buồn cười vừa ứa nước mắt”.

Lúc ở nhà do mắt mũi kém nên việc táng đầu vào tường, vấp ngã gãy tay, chân đối với Xuyến là chuyện "cơm bữa".

Lúc Xuyến đi lững chững, anh Dưỡng đã âm thầm đến thăm. Lần đó khi đứng trước người đàn ông xa lạ, đầu tóc bù xù, áo quần rách rưới, nói cười điên dại ấy, Xuyến khóc sợ quá, ré lên, chạy ngay vào nhà.

Từ đó trở đi, người bố đáng thương không bao giờ trở lại thăm Xuyến. Đến bây giờ trong lòng Xuyến vẫn còn tồn tại hai loại tình cảm: Vừa thương lại vừa hận cha mình.

"Con hận ổng lắm, nếu không phải ổng mổ bụng mẹ để cứu con thì mẹ đã không chết trong đau đớn đến vậy, gia đình con đã không tan nát… Nhiều đêm nằm một mình, nghĩ đến mọi việc, con chỉ biết khóc. Đáng lẽ một đứa tật nguyền như con không nên có mặt trên cõi đời này… không nên làm khổ mọi người".

Sau khi gom góp được ít tiền, chị Mâu và anh Kim đưa bé Xuyến vào TP.HCM khám. Điều trị được nửa chừng, số tiền mang theo hết nhẵn, chị Mâu phải dắt bé Xuyến lân la đến các hàng quán để xin ăn.

Theo kết quả chẩn đoán, bé Xuyến bị cận thị thoái hóa, phải mổ gấp, nếu không phải chịu cảnh mù lòa vĩnh viễn. Số tiền phẫu thuật tầm từ 30-45 triệu đồng, một con số quá cao so với thu nhập của gia đình.

Lần tái khám kế tiếp, được một Mạnh Thường Quân ở TP.HCM giúp đỡ, chuyến đi đỡ vất vả hơn nhưng khả năng chữa khỏi bệnh cho Xuyến vẫn hết sức mù mịt. Theo bác sĩ, bệnh của Xuyến có 2 khả năng xảy ra.

Một là hiện nay bé được 17 tuổi, nếu độ cận tăng đến năm 18 tuổi mà ngưng lại, bác sĩ sẽ mổ cho em (hỗ trợ một nửa chi phí), khả năng thành công hơn 50%.

Hai là nếu độ cận cứ tăng liên tục thì đến một lúc nào đó em Xuyến sẽ mù hẳn, bác sĩ sẽ không thể phẫu thuật được, hoặc nếu phẫu thuật xong thì em sẽ lại tái cận, lại tiếp tục phẫu thuật, rồi độ cận cũng sẽ tăng trở lại cho đến khi mù hẳn.

Bác sĩ bảo gia đình đưa bé Xuyến về quê, cứ 3 tháng sẽ tái khám một lần. Hiện nay, tình trạng mắt của em ngày càng xấu đi, độ cận đã tăng hơn 24 độ.

Khi chia tay với chúng tôi, dù vẫn tỏ ra cứng cỏi nhưng trong giọng nói của bé Xuyến vẫn không giấu được sự tuyệt vọng:

“Chắc không ai cứu được con nữa rồi, bố mẹ vì con đã phải hi sinh quá nhiều… còn hai đứa em của con nữa… Nếu cứ sống rồi để trở thành gánh nặng thì chẳng thà con không có mặt trên cõi đời này sẽ tốt hơn”.

Dù là hộ nghèo, hoàn cảnh lại đặc biệt nhưng hàng tháng gia đình Xuyến chỉ được Nhà nước hỗ trợ khoảng 200.000 đồng. Là một trong những xã nghèo nhất nhì của tỉnh, chính quyền đoàn thể xã Xuân Phước cũng chẳng thể giúp được gì nhiều ngoài những lần đưa vào danh sách hộ cần hỗ trợ.

Hiện tại kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào khoảng rẫy sắn với diện tích 2.000 m2 thuê lại từ người khác. Khi hết vụ, cả nhà lại dắt díu nhau vào TP HCM bán vé số mưu sinh vừa tìm cơ hội cho Xuyến chữa bệnh…

Theo Lưu Tình/Phụ nữ & Đời sống