Những biến thái ghê rợn của giới giang hồ qua lời "đại ca" giải nghệ

18/02/2012 07:12
Hoàng Vũ/Đời sống&Pháp luật
Qua lời thuật của một đại ca giang hồ giải nghệ, sự thật về giang hồ thời nay đã khiến nhiều người giật mình ghê sợ.


Trong thế giới ngầm của các băng nhóm tội phạm, việc tranh giành ngôi vị, lãnh địa hoạt động hay thị uy để “lấy” và “lên số”, từ dàn quân chém giết đẫm máu như thời trung cổ bằng dao tông, phóng lợ, kiếm, xiên tay bằng sung là chuyện không lạ. Ân-oán, tình-thù đều có mùi của máu và thuốc súng đã quá quen thuộc của lịch sử giang hồ. “Công nghệ” súng đã được áp dụng triệt để từ súng hoa cải đến thời “G8” bút bi ám sát của “Điệp viên 007”. Tất nhiên, thông dụng nhất vẫn là K54, K59, AK báng gập, AR15 cưa nòng…Song theo thời gian, giới giang hồ đã có nhiều biến thái đáng sợ…

“Bộ đội già” và “giang hồ trẻ”

Sơn “tịnh” nhà ở phố Lò Rèn, một phố cổ nổi tiếng Hà Thành, đã “rửa tay gác kiếm” kể về quá khứ: “Thời “bao cấp”, anh có thâm niên “bóc lịch” hơn chục năm. Thời của bọn anh, đại ca giang hồ là một cái gì đó khó khăn, huyền bí với mọi người lắm. Nó có tên tục là “bộ đội già”. Người Hà thành xưa mà nghe danh “bộ đội già” là phát khiếp. Song thời nào cũng vậy, “quân khu bộ đội già” sống với nhau khá đàng hoàng và phân chia khu vực sinh sống rất rõ ràng. Hà thành lúc đó có các quân khu như: “Quân khu Lý Nam Đế”, “quân khu hợp doanh ngoài bãi” (đều ở Ba Đình), “quân khu Nam Đồng” (Đống Đa), “quân khu nhà mả” (Hai Bà Trưng) và “quân khu bang cò ỉa” (phố Lò Đúc-Hoàn Kiếm)…giang hồ thời đó đâu có máu điên như bây giờ.

Trong “làm ăn”, mâu thuẫn giữa các “quân khu” là chuyện thường. Giang hồ có quy luật riêng, giải quyết ân hay oán đều mang đậm chất “anh chị” có chút nghĩa hiệp nhưng đều dựa trên quyền lợi của nhóm. Phần lớn những “ân oán” đều được giải quyết bằng “đàm phán” theo đường “ngoại giao” là bắn tin. Không thấy động tĩnh gì có nghĩa là đồng ý và cứ thế mà làm.Cực chẳng đã mới phải biến “đối thoại thành đối đầu” thôi. Mà ngày ấy, “chiến nhau” phần lớn là giàn trận giáp lá cà bằng “côn nhị khúc”, “con te”, dao tông, kiếm, dao găm, lưỡi lê…Dù là hung khí thô sơ nhưng cũng “oanh liệt” ra trò. Lúc dàn trận hai bên hú như đánh võ trên võ đường, chỉ khác chút là có thêm tiếng chửi, tiếng gầm và khuôn mặt đằng đằng sát khí. Kết thúc những cuộc dàn trận đó là thương tích, máu me nhưng ít khi mất mạng như bây giờ…”.

Lắc đầu, lè lưỡi, cười rồi Sơn “tịnh” nói tiếp: “Nếu hành xử theo kiểu giang hồ bây giờ thì ngày đó chết cả lũ. Có súng đấy nhưng đố giám dùng. “súng Xã hội chủ nghĩa” (súng của các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa) có số, có vạch, “cớm” (tức công an) giỏi lắm, tra ra ngay, cho vào khám cả lũ. Giang hồ thời nay khác lắm, hôm trước chỉ đi nhậu với chúng nó thôi mà “vỡ mật”.

Chỉ mấy chén rượu đã “lời ra”, “căng thẳng” và rút súng…thị uy. Khiếp thế, có một cái khác nữa, ngày xưa giang hồi được gọi là “bộ đội già” cũng đúng: Áo mông-tơ ghi, quần ga, dép lốp, “ổi tàu” (tức mũ cối tàu)…đã là đỉnh lắm rồi. Giờ giang hồ ăn mặc còn “ngon” hơn cả chính khách”. D là đàn anh của Khánh Trắng, gật gù thừa nhận: “Dân giang hồ Hà thành rất “oai”, đi ô tô “sịn”, mặc hàng hiệu, ăn nói nhỏ nhẹ; trong công việc chỉ cần lắc, gật là giải quyết xong”.

Sơn “tịnh “ thừa nhận: “Không rửa tay gác kiếm cũng không xong. Giang hồ trẻ bây giờ “khủng” lắm. Chúng chẳng coi tình nghĩa là gì. Cứ có chút thú oán là tình nghĩa trước đây cũng bằng không. Không thể theo kịp bọn giang hồ trẻ nữa rồi. Tình hay thù chúng cũng đem súng ra bắn, thế làm sao mà ổn được”. Tôi cười mà rằng: “Có nghĩa anh thừa nhận, mình hết thời?”. Sơn thẳng thắn nhìn nhận: “Không hết thời cũng chẳng được. Cần phải thấy mình hết thời thì mới biết sợ. Thời của tôi làm gì có chuyện chịu ơn vì tình cũng bắn mà thù cũng bắn như giang hồ bây giờ.

Ngày ấy, bọn tôi sống bằng cái danh là nhiều, vẫn làm, vẫn có chuyện bảo kê nhưng không hề đâm chém mướn; không có chuyện chẳng biết người ta là ai, nhận tiền là chém người, chém giết…bao giờ”. “Thế cái tình – thù của giang hồ ngày xưa thế nào?”. Sơn phân trần: “Nó không nhuốm đen màu tiền như bây giờ. Đã có tình với nhau thì chịu chết chứ không làm người khác chết.

Còn thù là “xin tí tiết”…nó rất rõ ràng ở chỗ, tôi phải biết lý do trả nợ tình là gì, đối tượng là ai, có đáng chém không thì mới chém (!). không hề có chuyện vì tình mà chém người không liên quan, ảnh hưởng tới mình”. Như vậy cái tình-thù của giang hồ cũng thay đổi theo thời gian sao?”. Theo Sơn, không hẳn là do thời gian mà do quan niệm, cách nghĩ của mỗi “thế hệ” giang hồ khác nhau thì có cách hành xử khác nhau. Rất khó hiểu!

Sơn “tịnh” kể tiếp: “Thù là thù trực tiếp giữa đối tượng này với đối tượng khác chứ không thù bắc cầu theo kiểu “đại ca tao có thù với mày, tao chịu ơn cái tình của đại ca nên thù mày theo đại ca”. Mà đã thù tức thì kiểu gì cũng đánh nhau, chém trực diện chứ không như bây giờ im ỉm rồi bắn súng sau lưng. Nói tóm lại, ngày xưa cách hành xử của giang hồ với nhau không manh động như bây giờ.

“Dựng tóc gáy” vì giang hồ thời nay

Một ánh mắt soi mói, một cử chỉ được cho là thiếu thân thiện, một vụ va chạm giao thông, một dòng “chát” thách đố với nhau trên mạng thời @... tất cả đều có thể dẫn đến một vụ trọng án do súng gây ra. Vụ hỗn chiến đẫm máu giữa hai băng nhóm giang hồ tại ngõ 302 đường Láng (Đống Đa-Hà Nội) làm người ta kinh hoàng. Tuy nhiên, đây không phải là màn thanh toán nhuốm máu đầu tiên của các nhóm “anh chị” thời nay. Các đối tượng gồm Nguyễn Ngọc Hải (17 tuổi - trú tại xóm 13B- xã Nghi Kim - TP Vinh); Hoa Văn Nam (23 tuổi – trú Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An); Bùi Đình An (26 tuổi – trú ở Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh) và Lê Văn Nhật (20 tuổi – trú xóm 8, xã Hưng Lộc, TP Vinh).

Theo đó, nhóm của Nhật do mâu thuẫn từ nhiều ngày trước với một nhóm thanh niên khác tại quán Karaoke nên cả bọn mang theo súng (kèm 6 viên đạn, 1 viên đã bắn và một viên đã được lên nòng) và kiếm rủ nhau đi phục thù. Đến nơi, Nhật cầm khẩu súng bắn một phát xuống đất giương oai, sau đó hai bên lao vào hỗn chiến. Tại hiện trường, có hai nhóm thanh niên đang ẩu đả ở trước quán, trên tay cầm hai thanh kiếm dài 1m, một mác dài 1,5m; một khẩu súng. Trong bốn đối tượng bị bắt thì Nam và Nhật đã có tiền án về tội cưỡng đoạt tài sản và cố ý gây thương tích. Riêng đối với Lê Văn Nhật vừa bị tòa án TP Vinh xử 18 tháng tù, hiện đang tại ngoại chờ ngày thi hành án.

Để giải quyết nợ nần cờ bạc, hai băng nhóm giang hồ tập trung, chuẩn bị vũ khí gồm kiếm Nhật, súng, roi điện để “giáp là cà”. Họ đã “lăn xả” vào chém giết lẫn nhau. Bị trọng thương, Nguyễn Văn Hoàng (tự Hoàng “Trắng”, 31 tuổi, ngụ tại Thanh Hóa) và Nghiêm Viết Hòa (23 tuổi ngụ tại Hải Phòng) đã dùng súng Rulo “nã đạn” về phía đối thủ, gây kinh hoàng cho người dân thành phố. Vụ “vãi đạn” của Đỗ Tiến Cường (tức Lượm, 38 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM), một giang hồ có số cũng khiến nhiều người phải ớn lạnh. Cường mang trên người nhiều “chiến tích” vào tù ra tội nên rất được các tay “giang hồ” phải nể trọng. Ngay sau khi ra tù, Cường lập đường dây cho vay nặng lãi và nhiều hoạt động khác. Để “lấy số”, Cường mua súng K54 thường xuyên mang trong người. Cường đi ô tô, suýt đâm vào xe máy, đã không xin lỗi. Cường còn bảo đàn em cầm mã tấu chém người đi xe máy bị thương. Thấy mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu, Cường không buông tha, bắt đàn em đuổi theo, Cường thì rút súng bắn thị uy.

Kể ra còn nhiều vụ thanh toán rùng rợn hơn nhưng với Sơn “tịnh”, đó là điều không thể chấp nhận được. Những mâu thuẫn nhỏ nhoi, không đáng có trong cuộc sống như va chạm giao thông, có thể hóa giải bằng một lời xin lỗi, giãi bày với nhau. Sơn “tịnh” cho rằng: Đã là giang hồ thực thụ, đừng mang cái mác chẳng mấy hay ho gì ra để dọa người. Ai cũng muốn mình tốt nhưng mình đã đi theo giang hồ thì cũng đừng làm biến thái nó đi. Sơn “tịnh” khẳng định: “Chính vì sự biến thái đó mà kẻ còn lại như tôi chưa bao giờ dám nhắc lại quá khứ…”.

Hoàng Vũ/Đời sống&Pháp luật