Hồi ký về Tây Du Ký, kỳ 2:

Tìm thấy tảng đá đẻ Tôn Ngộ Không, Hoa Quả Sơn không có thật!

03/11/2012 07:16
Long Hy
(GDVN) - Để tìm được các cảnh quay ưng ý cho Tây Du Ký, nữ đạo diễn Dương Khiết đã phải đi hàng ngàn cây số khắp Trung Quốc, và có những phát hiện không ngờ để sau này khán giả phải ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ, tráng lệ của những cảnh phim. Dưới đây là một số câu chuyện thú vị trong quá trình tìm cảnh.
LTS: Nếu Ngô Thừa Ân chính là người tạo ra một trong tứ đại danh tác của nền văn học Trung Hoa - Tây Du Ký, thì có thể nói điều tương tự với nữ đạo diễn Dương Khiết trong lĩnh vực phim truyền hình với tuyệt phẩm cùng tên, phát sóng năm 1986. Sau này, "bà phù thủy" đã dựng nên những hình tượng bất hủ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đường Tăng... có dịp kể lại về quá trình làm bộ phim kinh điển trong cuốn Hồi ký của mình. Người hâm mộ như thêm một lần nữa bị mê hoặc, được trở lại sống cùng những bước đường của 4 thầy trò sang Tây Trúc thỉnh kinh.

Giaoduc.net.vn đăng tải loạt bài dài kỳ, giới thiệu một số nội dung chính trong cuốn hồi ký của đạo diễn Dương Khiết, với mong muốn đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu của đông đảo bạn đọc nói chung, các tín đồ Tây Du nói riêng. Mời các bạn đón đọc loạt bài vào lúc 8h sáng các ngày từ thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần, trên chuyên mục Văn hóa của Báo Giáo dục Việt Nam.

Xem lại kỳ 1: Phút sửng sốt của 'bà phù thủy' tạo ra Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới

Tìm được chùa Tiểu Lôi Âm

... Sau ngày đầu tiên cùng các cộng sự hì hục leo núi, đến ngày thứ hai thì Dương Khiết phát hiện thấy một khu vực chùa chiền cổ kính nhưng có nét độc đáo riêng và đặc sắc. Trong đầu đạo diễn Dương lúc ấy đã nghĩ ngay đến những cảnh có trong kịch bản của Tây Du Ký. Vì vậy, bất kể là một tu viện nhỏ nhưng nữ đạo diễn cũng hết sức tò mò và tiến tới thăm quan phía trong, với hy vọng sẽ tìm ra cảnh phù hợp ở vùng núi Cửu Hoa Sơn này, không lẽ lại đi về không. Khi trời đã chuyển về chiều, Dương Khiết khá lo lắng thì bất ngờ bà phát hiện ra một gian đại điện trống rỗng và thoáng đãng, rất hợp ý mình. Từ chỗ ngồi của Phật Tổ Như Lai đến hành lang La Hán, hay vị trí tượng Di Lặc đều bị bỏ trống. Lúc đó trong lòng Dương Khiết đã tỏ ra rất hứng khởi và tâm đắc khi đã tìm được gian đại điện phù hợp với kịch bản.

Ngôi chùa được quay cho tập "Tiểu Lôi Âm tự" tại Cửu Hoa Sơn, tỉnh An Huy.
Ngôi chùa được quay cho tập "Tiểu Lôi Âm tự" tại Cửu Hoa Sơn, tỉnh An Huy.

>>NHỮNG CẢNH HÙNG VĨ, TRÁNG LỆ NHẤT TRONG TÂY DU KÝ

Tuy nhiên, gian điện cũng hoang phế và để lại khá nhiều tàn tích, nhiều bức tượng biến dạng đứng ngồi chỏng chơ. Thế nhưng không gian của đại điện chỉ cần được quét dọn và sắp xếp lại sẽ mang lại một bối cảnh quay hoàn toàn chân thực, cổ kính và không tạo cảm giác là cảnh giả. Dương Khiết đã nghĩ ngay đến khung cảnh trong tập "Tiểu Lôi Âm", mừng vui cảm kích khi cuối cùng bà cũng đã tìm được một bối cảnh quay ở Cửu Hoa Sơn. Về phần ngoại cảnh, thì Bảo điện Nhục Thân với 99 bậc thang sẽ được chọn là nơi Đường Tăng bước từng bước để tiến vào Tiểu Lôi Âm của yêu quái Hoàng My mà ngỡ là đang tiến vào bái kiến Phật Tổ. Như vậy cảnh này đã được Dương Khiết "chấm" cho lần chính thức cùng đoàn phim quay trở lại.

Cảnh phim Tôn Ngộ Không trước chùa Lôi Âm giả.
Cảnh phim Tôn Ngộ Không trước chùa Lôi Âm giả.
Tiểu Lôi Âm ngày nay.
Tiểu Lôi Âm ngày nay.

Vì sợ khi quay trở lại, những bức tượng phật sẽ được lắp đầy gian bảo điện rỗng nên đạo diễn Dương đã nói lại với nhân viên ban quản lý của chùa giữ lại gian điện trống cho đoàn. Khi đó đồng chí trong ban quản lý chùa đã lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu đoàn phim làm gì ở trong gian điện trống tênh đó. Nhưng sau khi được đạo diễn Dương Khiết trình bày và giải thích, ông này liền đảm bảo nhất định sẽ giữ gìn gian điện cho đoàn phim "Tây Du Ký".

Tháng 7/1986, đoàn phim trở lại Cửu Hoa Sơn để quay tập "Vào nhầm Tiểu Lôi Âm" tại gian điện mà yêu quái Hoàng My hóa thành Phật Tổ và ngồi trên Linh Tiêu Bảo Điện giả. Khi đó, đạo diễn Dương đã tỏ ra vô cùng lo lắng vì sợ nhỡ gian đại điện đó đã bị xây mới hay những lý do tương tự? Và liệu những người ở đây có còn giữ nguyên trạng như họ đã hứa với bà trước đó? Đến nơi, đạo diễn Dương đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy bối cảnh quay vẫn được giữ nguyên trạng, ngoài ra còn được quét dọn và lau chúi sạch sẽ như chỉ chờ đoàn phim đến là tiến hành quay luôn vậy. Vị trụ trì tại tu viện này đã nói lại với đạo diễn Dương rằng họ ngày nào cũng mong ngóng đoàn phim tới để quay "Tây Du Ký", đồng thời hy vọng đạo diễn Dương và cộng sự sẽ quay trở lại nơi đây.


Thầy trò Đường Tăng trong chùa Lôi Âm giả.
Thầy trò Đường Tăng trong chùa Lôi Âm giả.

>>NHỮNG CẢNH HÙNG VĨ, TRÁNG LỆ NHẤT TRONG TÂY DU KÝ

Trong những ngày khởi quay, những vị hòa thượng, tăng ni của chùa đều tới để quan sát đoàn phim làm việc, đạo diễn Dương chỉ lo nhỡ họ nổi giận thấy đoàn phim biến gian đại điện của họ thành động yêu quái như vậy. Nhưng không ngờ rằng tất cả các vị hòa thượng ở đây đều lấy làm rất vinh dự và vui vẻ, tận tình giúp đoàn phim trong giờ ăn giấc ngủ một cách chu đáo và nhã nhặn.

Năm 1992, nữ đạo diễn Dương Khiết một lần nữa trở lại Cửu Hoa Sơn để quay bộ phim "Nhân tình phong vũ", cảnh vật nơi đây đã khác trước rất nhiều. Bên trong gian đại điện cũng đã được bày la liệt tượng phật, từ những bức tượng có quy mô hoành tráng như phật Như Lai, Di Lặc đến 18 vị La Hán... khung cảnh vô cùng trang nghiêm và thiêng liêng. Khi đang vãn cảnh thì có một vị hòa thượng đã nhận ra đạo diễn Dương, tiến lại chào hỏi: "Thí chủ có phải là người từng năm nào đến đây quay phim Tây Du Ký? Thí chủ là đạo diễn đúng không?". Dương Khiết ngây người một lúc khi nhưng vẫn không nhận ra người đó là ai, rất có thể vị này là một trong những hòa thượng năm nào thường quây quần vui vẻ bên đoàn làm phim. Dương Khiết vô cùng phấn chấn vì sau ngần ấy năm vẫn có người còn nhớ đến bà cũng như đoàn phim Tây Du Ký.

Hình tượng Đường Tăng (Từ Thiếu Hoa đóng) cùng bạch mã trên đường đi thỉnh kinh.
Hình tượng Đường Tăng (Từ Thiếu Hoa đóng) cùng bạch mã trên đường đi thỉnh kinh.

Nói về phật giáo trong phim "Tây Du Ký" cũng là một vinh dự đối với đoàn phim khi nhận được sự chào đón và hưởng ứng nhiệt liệt từ các tín đồ nhà phật. Trong lần đoàn phim quay ở chùa Đại Minh tại Dương Châu, khi 4 thầy trò Đường Tăng tiến vào phía trong chùa, vị sư trụ trì Năng Đàm pháp sư không những đón tiếp đoàn phim cùng 3 nhân vật chính bằng thái độ trọng thị mà còn tự thân dẫn đoàn tăng ni hòa thượng của chùa tới hợp tác, nhập vai các hòa thượng. Khi đoàn quay ở chùa Thiên Đồng tại Ninh Ba, cảnh Đường Tăng giảng kinh cho hàng trăm hòa thượng, một cảnh khá hoành tráng và diễn ra vô cùng tôn nghiêm, trang trọng, và ngồi phía trước Đường Tăng chính những cao tăng hòa thượng của ngôi chùa này. Tất cả họ đều tình nguyện hóa thân thành những diễn viên quần chúng bởi họ cho rằng đây không phải chỉ đơn thuần là việc đóng phim mà đang được chính Đường Tăng bằng xương bằng thịt trực tiếp giảng kinh, nên họ đều lấy làm hết sức vinh hạnh lẫn tự hào.

Cất công tìm chùa cháy cho tập "Lửa thiêu Quan Âm viện"

Trong suy nghĩ mỗi người của đoàn làm phim cũng như đạo diễn Dương đều ghi nhớ một điều là suốt quá trình quay, tới đâu cũng phải hỏi han xung quanh xem có ngôi chùa nào bị tán phá do cháy hay không. Thế nhưng câu trả lời đều là không có, chỉ có chùa bị tàn phá chứ không có chùa cháy. Hai việc này tất nhiên là hoàn toàn không giống nhau, nếu không tìm được bối cảnh này thì quả là một trở ngại lớn cho đoàn. Thật may là khi đến đảo Đông Sơn ở Phúc Kiến, tìm cảnh xuất thế cho Ngộ Không, thì đạo diễn Dương đã tìm được một ngôi chùa cháy đúng như bà mong muốn.

Tìm nơi xuất thế cho Tôn Ngộ Không

Nơi Thạch Hầu xuất thế được xác định là cạnh bờ biển có sóng đánh bạc đầu và khá hiểm trở. Và cũng tại đảo Đông Sơn, nơi có bờ biển với cường độ sóng hung dữ nhất của cả nước từng có một nhân viên quay của xưởng phim Bắc Kinh do tiếp xúc quá gần những con sóng lớn mà bị cuốn trôi cả máy quay, may mà người vô sự. Khi đạo diễn Dương tới đây thị sát thì quả thực đúng như đồn đại, sóng ở khu vực này lớp lớp tầng tầng vỗ bờ tạo bọt trắng xóa và khá hung hãn. Ngoài ra đoàn còn phát hiện một khối đá cạnh bờ biển với hình thù lạ mắt và độc đáo. Khi hỏi người dân địa phương ở đây thì được biết là "đá bay" trên trời rơi xuống. Tảng đá đứng chênh vênh trên những mỏm đá cạnh bờ biển nhưng khá chắc chắn, dù nhiều người hợp sức để đẩy cũng không làm thay đổi vị trí. Đạo diễn Dương liền nảy ra ý tưởng lấy tảng đá này làm cảnh quay cho tập "Hầu Vương xuất vấn thế" đồng thời là nơi Tôn Ngộ Không chèo thuyền từ ngoài biển tới để tầm sư học đạo.

Thạch hầu xuất thế (sông Bắc Đới, 1984).
Thạch hầu xuất thế (sông Bắc Đới, 1984).
Hầu Vương (Lục Tiểu Linh Đồng/Chương Kim Lai) " Tầm sư học đạo" (sông Bắc Đới, 1984).
Hầu Vương (Lục Tiểu Linh Đồng/Chương Kim Lai) " Tầm sư học đạo" (sông Bắc Đới, 1984).

>>NHỮNG CẢNH HÙNG VĨ, TRÁNG LỆ NHẤT TRONG TÂY DU KÝ

Cũng tại đảo Đông Sơn, đoàn phim phát hiện ra một trấn nhỏ cổ kính không hề xuất hiện một công trình hiện đại nào, ngay đến đường dây điện cũng không có. Một bối cảnh quay rất thích hợp cho đoạn Tôn Ngộ Không xem kịch, trộm quần áo, băng qua biển cả. Tuy nhiên, điều làm đạo diễn Dương Khiết vô cùng vui mừng là có một ngôi chùa bị cháy rụi ở gần đó. Đạo diễn Dương cùng một vài cộng sự lập tức đến khảo sát tình hình. Quả là không phụ lòng mong đợi, ngôi chùa bị thiêu rụi hoàn toàn và lửa đã làm hư hỏng toàn bộ kiến trúc chùa, vừa hay đáp ứng yêu cầu về bối cảnh cho tập "Họa khởi Quan Âm viện".

Cách ngôi chùa bị cháy không xa xuất hiện một miếu thờ Quan Đế (Quan Vân Trường - pv), người hành hương lẫn trong khói hương mù mịt và đông không tả nổi, nườm nượp thích vai nhau vào bên trong cúng bái. Theo một người dân địa phương cho biết, vì gian đại điện của ngôi chùa bị cháy nên mọi người đều chuyển sang miếu Quan Đế để lễ phật. Mọi người đều đang kêu gọi xây dựng lại ngôi chùa, và khả năng trong nay mai sẽ xây thành một ngôi chùa hoành tráng hơn. Đạo diễn Dương đã giao hẹn với ban quản lý địa phương sẽ quay lại quay phim muộn nhất là thời hạn cuối năm, đồng thời yêu cầu họ giữ lại ngôi chùa cháy cho đoàn phim tác nghiệp, không cho người dân địa phương trùng tu ngay, đợi sau khi đoàn phim quay xong sẽ tiến hành trùng tu lại. Còn bối cảnh quay Quan Âm Viện trước khi bị cháy, đoàn phim xác định quay tại chùa Dũng Tuyền núi Trống ở ngoại ô thành phố Phúc Châu.

Cách Phúc Châu không xa có núi Thanh Chi nổi danh với tên gọi núi Bách Động. Vùng núi này có hình thù kỳ quái, không quá cao nhưng lại có rất nhiều hang động, bên trong thì động lớn động nhỏ, động này nối tiếp và thông động kia, có thể ẩn náu bên trong mà khó bị người khác phát hiện. Vì vậy, toàn bộ khu vực động này được đoàn phim quyết định dùng để quay động phủ của yêu quái gấu đen, còn gian đại điện của ngôi chùa cháy ở Tuyền Châu thuộc Phúc Châu và những lối ngõ nhỏ ở Truyền Châu cũng sẽ được dùng làm một số cảnh quay khá đắc lực. Như vậy chuyến đi tới Phúc Châu lần này, đạo diễn Dương đã "thu hoạch" được khá nhiều bối cảnh.

Không có nơi nào là Hoa Quả Sơn cả!

Tôn Ngộ Không cùng các con quây quần tại Hoa Quả Sơn. (Lô Sơn, Giang Tây).
Tôn Ngộ Không cùng các con quây quần tại Hoa Quả Sơn. (Lô Sơn, Giang Tây).

>>NHỮNG CẢNH HÙNG VĨ, TRÁNG LỆ NHẤT TRONG TÂY DU KÝ

Về cảnh quay cho Thủy Liêm động của Tôn Ngộ Không đã xác định được bối cảnh thích hợp tại thác Hoàng Quả Thụ, thế nhưng còn ngoại cảnh là Hoa Quả Sơn thì vẫn chưa biết tìm đâu ra. Làm sao tìm được một nơi có phong cảnh đẹp như trong nguyên tác? Vì vậy việc tìm bối cảnh quay cho Hoa Quả Sơn được đoàn phim đặt là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Rất nhiều địa danh đều không được như ý của đạo diễn Dương, vả lại những cảnh quay ở Hoa Quả Sơn lại chiếm không ít trong phim.

Ngoại cảnh Thủy Liêm Động ở Hoa Quả Sơn. (Cảnh quay tại thượng lưu thác Hoàng Quả Thụ, Quý Châu, 1984).
Ngoại cảnh Thủy Liêm Động ở Hoa Quả Sơn. (Cảnh quay tại thượng lưu thác Hoàng Quả Thụ, Quý Châu, 1984).
Cảnh quay tại Hoàng Quả Thụ, 1984.
Cảnh quay tại Hoàng Quả Thụ, 1984.

Dù có phải lược bớt một số cảnh nếu không tìm ra Hoa Quả Sơn ngoài đời thì những địa danh tìm được vẫn không đáp ứng yêu cầu của kịch bản. Biện pháp duy nhất là phải ghép cảnh cũng như quay ở nhiều địa điểm khác nhau để tạo nên Hoa Quả Sơn. Những điểm này gồm đảo Đông Sơn ở Phúc Kiến, vườn bách thảo Lô Sơn ở Giang Tây, Trương Gia Giới ở Hồ Nam, vườn dừa Văn Xương ở Hải Nam, Hoàng Quả Thụ ở Quý Châu, Thất Vương Phần và chùa Giới Đài ở Bắc Kinh. Sau này, khi có người hỏi cảnh quay Hoa Quả Sơn được thực hiện ở đâu, nữ đạo diễn họ Dương chỉ cười trả lời là: "Không có địa danh nào cả, nhưng rất nhiều nơi lại là Hoa Quả Sơn"!

* Kỳ 3 (8h sáng thứ Ba 6/11): Đạo diễn Dương Khiết từng xem thường Lục Tiểu Linh Đồng như thế nào?

Long Hy