Tình yêu kỳ diệu trong phim về 3 chàng trai oan án hiếp dâm

27/09/2011 07:03
Ngọc Yến
(GDVN) - Bộ phim tài liệu “Nếu chỉ còn một ngày để sống” không đề cập tới cái án oan hiếp dâm mà mang đến cho người xem những sắc màu mới.
Tình yêu “thần thánh” Một thời gian dài báo chí đã tốn không ít giấy mực viết về vụ án đã qua 2 cấp xét xử đều xác định 3 thanh niên Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Tình (ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) phạm tội hiếp dâm và cướp tài sản. Kết quả 3 người họ đã phải ngồi tù gần 10 năm trời sau đó mới được Viện KSND Tối cao ra Quyết định huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án này, đồng thời tạm đình chỉ thi hành án (và đang chờ phiên giám đốc thẩm). 10 năm tù tội đã cướp đi tuổi 20 phơi phới của 3 chàng thanh niên và không chỉ thế, cái giá mà Tình - một trong ba chàng trai bị tù oan - đang phải đối mặt là căn bệnh thế kỷ.
Nguyễn Đình Tình và vợ Thành Thị Thủy trên chuyến tàu cùng đoàn làm phim về lại Yên Bái, quê của Thủy (Ảnh đạo diễn cung cấp). 
Nguyễn Đình Tình và vợ Thành Thị Thủy trên chuyến tàu cùng đoàn làm phim về lại Yên Bái, quê của Thủy (Ảnh đạo diễn cung cấp).
Ảnh: Đặc biệt: Hậu trường phim Nguyễn Đình Tình - Thành Thị Thủy
Clip: Vợ chồng Nguyễn Đình Tình cười giòn hạnh phúc
Clip: Mẹ Nguyễn Đình Tình nghẹn lời kể về con
Clip: Lương y Phạm Thị Hồng giải án oan hiếp dâm 10 năm thế nào?
Thoát cái “án tử hình” đối với danh dự của bản thân thì giờ Tình lại nằm trong tay “tử thần” HIV-AIDS. Thế nhưng, cuộc sống dường như luôn có phép màu dành cho những ai lương thiện và nhân hậu. Chàng trai bị phơi nhiễm HIV đã có lúc tưởng như tuyệt đường sống thì giờ đây đang sống những ngày hạnh phúc nhất đời mình. Đối với Nguyễn Đình Tình, khi căn bệnh đã tới giai đoạn cuối, lúc nào anh cũng tâm niệm một điều nếu chỉ còn một ngày được sống thì phải sống sao để không thẹn với lòng mình. Bộ phim tài liệu “Nếu chỉ còn một ngày để sống” được bắt nguồn từ câu chuyện có thật ấy mà ra. Không khai thác câu chuyện là một vụ án, ở góc độ những người làm phim, NSƯT Nguyễn Thước cùng đồng nghiệp Lê Thị Thiện Đoan - cũng là học trò trong lớp đạo diễn của ông - tìm thấy ẩn phía sau đó là những câu chuyện về tình người cảm động. Còn nhớ, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trải lòng: “Sống giữa đời này chỉ có Thân Phận và Tình Yêu. Thân Phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Cũng trên tinh thần ấy, “Nếu chỉ còn một ngày để sống” nói về một tình yêu như thể “thần thánh” nhưng thật ra rất nhân bản, nó nuôi dưỡng con người, đó là đức hy sinh, lối sống trách nhiệm, và cả sự lãng mạn nữa. Bộ phim tài liệu đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến dài gần một giờ đồng hồ kể về mối tình 8 năm trời của chàng thanh niên Nguyễn Đình Lợi khi ở trong tù, về bà Hồng - một lương y nhân hậu đã đâm hàng trăm lá đơn minh oan cho 3 con người hoàn toàn xa lạ, về Nguyễn Đình Tình dù nhiễm căn bệnh thế kỷ nhưng lúc nào cũng tràn đầy khát vọng sống, và về người phụ nữ Thành Thị Thủy dám bất chấp mọi rào cản để đến được với người mình yêu đang bị phơi nhiễm HIV... Đề cập tới nhiều mảnh đời là thế nhưng mối tình giữa Tình và Thủy vẫn là tâm điểm của bộ phim. Bắt tay vào dự án phim chung Nếu chỉ còn một ngày để sống, NSƯT Nguyễn Thước cùng học trò của mình lên những ý tưởng để hoàn thành một bộ phim tài liệu đầy đặn, nghiêm ngắn và được đầu tư chu đáo, kỹ lưỡng. Ngay khi trình Hội đồng thẩm định, kịch bản phim Nếu chỉ còn một ngày để sống của nhà báo, nhà biên kịch Thiện Đoan đã được nhanh chóng được duyệt và được cấp phép làm phim.
Nếu chỉ còn một ngày được sống
Vác máy lên vai, đoàn làm phim trở  lại huyện Yên Nghĩa, Hà Đông để bắt đầu những cảnh quay mới. Nữ đạo diễn Thiện Đoan chia sẻ, việc tiếp cận với nhân vật không khó nhưng làm sao để nhân vật chia sẻ hết những nỗi lòng, những băn khoăn, trăn trở với mình quả không dễ. “Ngày đầu, chúng tôi gặp mẹ của Tình nhưng có lẽ bà đã chai dần với những cuộc hẹn gặp với giới truyền thông bởi kể nhiều, viết nhiều, cho tới giờ phút này con bà vẫn chưa được sống theo đúng nghĩa là một người vô tội. Ra tù nhưng Tình vẫn không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào, ngay cả một tấm Chứng minh nhân dân chứng minh quyền công dân cũng không có. Nhưng có lẽ chính tấm chân tình của những người trong đoàn làm phim đã thuyết phục họ.  Chúng tôi đã tìm thấy ở nhau sự đồng cảm lớn”.
Tình và Thủy cười vui tươi khi thực hiện một cảnh quay với đoàn phim (Ảnh đạo diễn cung cấp)
Tình và Thủy cười vui tươi khi thực hiện một cảnh quay với đoàn phim (Ảnh đạo diễn cung cấp)
Ảnh: Đặc biệt: Hậu trường phim Nguyễn Đình Tình - Thành Thị Thủy
Clip: Vợ chồng Nguyễn Đình Tình cười giòn hạnh phúc
Clip: Mẹ Nguyễn Đình Tình nghẹn lời kể về con
Clip: Lương y Phạm Thị Hồng giải án oan hiếp dâm 10 năm thế nào?
Đạo diễn Thiện Đoan cũng chia sẻ, nếu chỉ nghe kể thì có lẽ không thể thấu hiểu hết, phải chứng kiến, tiếp xúc mới cảm nhận hết được tình thương yêu của những con người nơi đây dành cho nhau. Càng quay, cảm xúc của những người làm phim càng lớn. Dẫu dạn dày với nhiều cảnh đời, đạo diễn Nguyễn Thước cũng phải dừng tay máy, nép mình vào một góc vắng, giấu đi những xúc động khó nén, cảm xúc luôn tràn đầy. Bộ phim không xoáy sâu vào cái án mà phim xoay quanh câu chuyện trang đời mới của những con người từng trải qua những nỗi oan nghiệt ngã. Câu nói của chàng thanh niên Tình hiện đang bị phơi nhiễm HIV giai đoạn cuối: “Cuộc sống của em có thể tính theo năm, cũng có thể theo tháng thế nhưng dù chỉ còn được sống một ngày trên đời thì em luôn muốn sẽ làm được gì đó cho cha mẹ, cho vợ và những người xung quanh” cứ ám ảnh lấy đạo diễn Nguyễn Thước. Ông tâm sự: “Chứng kiến nhiều cảnh đời, nhưng có lẽ trường hợp của 3 chàng thanh niên khiến tôi không khỏi day dứt và có những khi cảm thấy mến phục. Còn nhớ, lúc họ tâm sự khi còn sinh hoạt trong tù, nhiều người đã khuyên họ viết đơn xin giảm án nhưng họ đã nói rằng họ không có tội nên không xin, và nếu có thể họ sẵn sàng đến tòa phúc thẩm để xin án tử hình, để chứng minh mình vô tội. Giam giữ tuổi thanh xuân trong trại giam, không khi nào họ rũ bỏ nhân cách, họ luôn khát vọng được làm những người tử tế. Nguyễn Đình Lợi tâm sự với tôi: ‘Thực ra vua cũng còn có lúc nhầm cơ mà, giờ em không quan tâm mình phải trả nợ đời như thế nào mà em chỉ đang đợi kết quả của giám  đốc thẩm để được cấp lại Chứng minh nhân dân, để chứng minh trên giấy tờ sự tồn tại bản thân mình bởi đó là chìa khóa mở ra những con đường khác”. Dẫu cuộc đời này mang lại cho họ những nỗi đau không thể xóa bỏ, thế nhưng chính cuộc đời cũng mang lại cho họ nhiều ân huệ. Chính những suy nghĩ tích cực, tính lạc quan của những chàng thanh niên này khiến lay động lòng trắc ẩn trong tôi”. Đạo diễn Thiện Đoan trải lòng: “Mối tình của người con gái Thành Thị Thủy và Nguyễn Đình Tình không khỏi khiến chúng tôi lay động. Khi quyết định làm phim về những người liên quan tới vụ án oan, chứng kiến cuộc sống của họ thì lúc nào trong tôi cũng day dứt một điều đó là làm sao có được một kịch bản tốt nhất, trọn vẹn nhất. Và chính những người như Tình, Lợi, Thủy... như đang tiếp thêm cho tôi niềm tin, sự lạc quan trong cuộc đời này. Trải qua những năm tháng tù tội, hiện nay cả 3 chàng thanh niên đã tìm thấy cho mình cuộc sống riêng. Và Tình - chàng trai bị phơi nhiễm HIV, lúc nào tôi cũng tìm thấy ở cậu ấy sự lạc quan trong cuộc sống. Riêng với Thành Thị Thủy -  vợ Tình, cô dâu mới trong nhà giống như một cô Tấm, lúc nào cũng rạng rỡ, làm cho cả gia đình lúc nào cũng tràn đầy sinh khí”. Bộ phim tài liệu Nếu chỉ còn một ngày để sống đang gấp rút bước vào giai đoạn cuối. Đạo diễn Nguyễn Thước chiêm nghiệm: Nếu chỉ còn một ngày được sống, cũng phải sống đúng bản chất của mình, một người tử tế, lương thiện, và không thử thách nào trong đời, dù chông gai, ngang trái đến đâu, cũng có thể tước đoạt cái quyền làm người tốt của cá nhân mình.
Ngọc Yến