Arsenal và 'cái chết' của chính sách trẻ hóa

02/09/2011 07:32
Đỗ Âu
(GDVN) - Sự vội vã của Arsene Wenger trong những ngày cuối của thị trường chuyển nhượng đã chứng minh rằng chính sách trẻ hóa của ông đã chết.
Có đúng là “Trẻ hóa”?

Dùng từ “trẻ hóa” có lẽ vẫn chưa đúng lắm, dù đội hình Arsenal có nhiều cầu thủ trẻ. Khái niệm trẻ hóa thường bao gồm một hệ thống lò đào tạo hết sức quy mô, và những cầu thủ “tốt nghiệp” từ các lò này sẽ được chuyển thẳng lên các đội U-19 và đội hình chính.

Trong khi ở đội 1 Arsenal hiện tại, chỉ có Jack Wilshere, Kieran Gibbs và Emmanuel Frimpong là những người xuất thân từ lò của Arsenal (Gibbs trước đó là ở đội trẻ Wimbledon trước khi chuyển đi). Trong 3 người thì chỉ có Wilshere là đã chiếm một vị trí chính thức, Frimpong vẫn thuộc diện cầu thủ dự phòng, còn Gibbs có nhiều cơ hội đá chính nhờ sự ra đi của Gael Clichy.

Jack Wilshere có lẽ là trụ cột duy nhất của Arsenal xuất thân từ đội trẻ
Jack Wilshere có lẽ là trụ cột duy nhất của Arsenal xuất thân từ đội trẻ
Mà hiện tại lẫn trong khoảng 3,4 năm trở lại đây, có không ít những cầu thủ được đưa tới sân Emirates không còn trẻ nữa, thậm chí có những cá nhân thuộc vào diện “hàng dạt” như Mikael Silvestre chẳng hạn.

Từ đó mà suy, chính sách “trẻ hóa” của Arsenal thực chất là đưa cầu thủ trẻ từ nơi khác về rèn luyện thành ngôi sao, chứ không phải nhập cầu thủ ở độ tuổi thiếu niên và đào tạo cả về trình độ, chiến thuật lẫn tư tưởng. Với những vị trí không có cầu thủ đào tạo, Arsenal lại nhờ đến chuyển nhượng.

Sự vui sướng ngạc nhiên

Trận thua tan nát 2-8 trước MU đã khiến Arsenal phải nháo nhào lao vào thị trường chuyển nhượng chiêu mộ tân binh vá những lỗ thủng. Thường một CLB chỉ mua cầu thủ để khỏa lấp những điểm yếu trong đội hình, và việc đó thường được thực hiện từ đầu mùa hè để các tân binh làm quen với đội bóng mới.

Nhưng một khi phải lao vào những cuộc mua bán vội vàng, Arsene Wenger đã thừa nhận rằng chính sách đào tạo cầu thủ của mình đã hoàn toàn thất bại. Một CLB từng tự hào là sản sinh ra những tài năng trẻ xuất chúng cho đến ngày 31-8 lại phải đặt cược kết quả của mùa giải này vào một cầu thủ 29 tuổi có tiền sử chấn thương đầu gối, và một người thừa ở Chelsea có thể lực không bền để đá đủ tầm 30 trận/mùa giải.

Sự chào đón Arteta của các Gooner gây ngạc nhiên ngoài dự tính
Sự chào đón Arteta của các Gooner gây ngạc nhiên ngoài dự tính
Một điều ngạc nhiên hơn nữa là với 2 con người đó, các CĐV Arsenal lại dành một sự chào đón nồng nhiệt đến kỳ lạ. Có lẽ màn thảm sát tại Old Trafford đã khiến các Gooner mất sạch lòng tin vào đội bóng con cưng, họ đành trông chờ vào những bản hợp đồng mà tính mạo hiểm của nó có khi ngang bằng với việc chinh phục đỉnh Everest.

Đây có lẽ là những điều mà ngay cả Wenger cũng không dự tính đến cách đây 1 tuần. Trước đó “Giáo sư” đưa về toàn những cầu thủ không quá 25 tuổi như Gervinho, Alex-Oxlade Chamberlain hay Carl Jenkinson. Như vậy là chỉ trong có 1 tuần, người đàn ông 62 tuổi đã buộc phải thay đổi suy nghĩ của mình theo hướng mà các CĐV mong muốn. Lý trí của ông, lần đầu tiên sau nhiều năm làm trẻ hóa Arsenal, đã bị điều khiển bởi hoàn cảnh thực tại.

Mô hình kiểu “chống đói”

Một trong những sai lầm lớn nhất của Arsenal (không chỉ riêng Arsene Wenger) đó là đã đi theo mô hình tự phát triển bằng lực lượng do mình đào tạo mà không hiểu rằng mô hình đó không sớm thì muộn sẽ giết chết triển vọng phát triển cả về thành tích lẫn thương mại cho CLB.

Khi Arsenal chuyển sang xu hướng tự phát triển đội hình, họ đã tự giới hạn những lựa chọn của mình trên thị trường chuyển nhượng. Các mục tiêu mà The Gunners nhắm tới mỗi lần đi “chợ” chỉ đơn thuần nhằm lấp những khiếm khuyết đã bộc lộ.

Cái mà một đội hình trẻ cần không chỉ là tài năng mà cả sự giao lưu học hỏi trình độ và kinh nghiệm từ các cầu thủ ở nền bóng đá khác. Có những cầu thủ như vậy trong đội, các pháo thủ trẻ sẽ trưởng thành hơn cả về đẳng cấp lẫn ý thức chiến đấu.

Sai lầm lớn của Wenger là đã không "trộn" các cựu binh với dàn cầu thủ trẻ
Sai lầm lớn của Wenger là đã không "trộn" các cựu binh với dàn cầu thủ trẻ
Không những vậy, việc mua những siêu sao đưa về Emirates còn tạo ra một sức bật lớn với các hoạt động thương mại của CLB. Thực tế cho thấy một cầu thủ chuyển từ đội bóng này sang đội khác luôn gây chú ý với dư luận và người hâm mộ chứ không trầm lặng như một ngôi sao được đôn lên từ đội trẻ, do đó sức hút thương mại của anh ta sẽ lớn hơn cho dù chỉ trong ngắn hạn. Sự xuất hiện của Phil Jones tại Old Trafford rõ ràng gây ồn ào hơn so với khi Darren Gibson được đẩy từ đội trẻ MU lên.

Vì tự trói chân trói tay mình như vậy nên Arsenal ngày càng tỏ ra yếu thế về mặt quảng bá thương mại. Nguồn thu chẳng đáng là bao buộc Arsene Wenger hàng năm phải bán đi những cầu thủ trụ cột, trong khi những đối tượng săn lùng được lại không thể tiếp cận vì thiếu tiền trả phí chuyển nhượng và lương.

Một cách tổng quát, đường lối phát triển ở sân Emirates thực chất là theo kiểu “chống đói”, được ngày nào hay ngày đấy.

Điểm kết thúc của sai lầm?

Kỳ chuyển nhượng kết thúc và Arsenal nhập về 5 tân binh trong độ tuổi 26-31, 3 người trong số đó là đội trưởng ĐTQG. Những cứ liệu này đã cho thấy Wenger đã, dù không chính thức, thừa nhận mình thất bại trong chính sách làm bóng đá hơn nửa thập kỷ qua. Chính sách trẻ hóa đã chết.

Thế nhưng điều quan trọng hơn cả đó là liệu những người đứng đầu CLB đã thay đổi cách nghĩ hay chưa, họ có dám chấp nhận “mở cửa” để hòa nhập với xu thế chung là kết hợp đào tạo lẫn chiêu mộ, có dám bỏ ra những khoản tiền lớn để trả cho những đóng góp của các cầu thủ. Điều đáng lo ngại là những động thái mua bán tấp nập trong ngày cuối cùng cho thấy Arsenal làm việc đó một cách đầy sợ hãi. Một khi đã sợ hãi tức là không tin tưởng con đường mình đã chọn, và khi đó Arsenal sẽ lại quay về với mô hình cũ, thất bại cũ.

Arsenal đang thu mình trước xu thế thương mại hóa của bóng đá
Arsenal đang thu mình trước xu thế thương mại hóa của bóng đá
Có một tiết lộ quan trọng về chuyện tiền thưởng ở sân Emirates. Đó là ngoài những cầu thủ trụ cột được hưởng lương “cứng” và mức thưởng cao, những sao trẻ còn lại nếu được “Giáo sư” xếp vào hạng tiềm năng sẽ nhận thưởng cho mỗi chiến thắng và đóng góp (bàn thắng, kiến tạo) cao hơn những cầu thủ thường. Nghĩa là dù anh có nỗ lực ghi bàn đến mấy, nếu anh không phải cầu thủ tiềm năng thì sẽ không được thưởng cao.

Với chính sách đối đãi cầu thủ như thế, bảo sao đội hình Arsenal mỗi năm lại sứt mẻ hơn trước.
Đỗ Âu