Bản quyền Ngoại hạng Anh và... sữa dê Danlait

22/02/2013 16:10
Song An (Thể thao 24h)
Người dân đang xôn xao câu chuyện về những hộp sữa được cho là nhập khẩu bên Pháp. Đó là sữa dê Danlait.
Sẽ là bình thường nếu nó đơn giản là… sữa, dù là dê hay bò thì vẫn tốt. Thậm chí nhiều người chấp nhận bỏ thêm tiền để mua sữa có mác ngoại về sử dụng.

Điều không bình thường là một công ty trách nhiệm hữu hạn đã hết… trách nhiệm khi “phù phép” biến thực phẩm bổ sung thành “sữa dê”. Và, tệ hại nhất là nhập nhèm biến sản phẩm thành sữa cho trẻ em. Cái gọi là “sữa” của Danlait chỉ có 13 đến 17% là độ đạm trong khi tiêu chuẩn sữa Việt Nam là trên 34% độ đạm.

Vô hình, nhiều bà mẹ những tưởng bỏ ra một khoản tiền mua sữa dê về cho trẻ tẩm bổ hóa ra chỉ là một “ly nước có mùi sữa”. Không ít người rùng mình khi biết chính sự nhập nhèm này đã giúp công ty trách nhiệm hữu hạn kia đẩy giá cao gấp 4-5 lần thị trường.

Nhãn mác sữa dê Danlait
Nhãn mác sữa dê Danlait

Hơn 3 vạn hộp đã được bán ra thị trường.

Ở đây phải hiểu như thế nào?

Người sản xuất không có lỗi vì họ sản xuất “thực phẩm bổ sung”. Cái sai là chính người Việt đã mang về và đẩy nó lên thành giá sữa.

Chuyện mang một thứ giá trị thấp, phù phép cho nó để đẩy giá và lợi dụng tình yêu của người mua không phải hiếm gặp.

Người ta thấy hình ảnh ly sữa Danlait trong câu chuyện về bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh.

Bản quyền Ngoại hạng Anh đang tăng giá phi mã vì: Độc quyền
Bản quyền Ngoại hạng Anh đang tăng giá phi mã vì: Độc quyền

Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh được coi như một món hàng, nhập khẩu về và được coi như một “món ăn tinh thần” cho người hâm mộ Việt Nam.

Cũng lại là một đối tác từ Pháp, rò rỉ thông tin cho rằng họ có bản quyền. Viễn cảnh một công ty trách nhiệm hữu hạn mang về và đẩy giá nó lên là hoàn toàn có thật.

Nguồn gốc là từ hai chữ: độc quyền.

Nên nhớ rằng, sữa dê Danlait nhập khẩu và phân phối độc quyền nên mới dễ bề “nâng giá” và vụ việc chỉ được phát hiện khi nhiều bà mẹ thấy con mình uống sữa dê mà mãi không thấy lớn.

Và bản quyền truyền hình cũng thế. Con số 40 triệu USD cũng chỉ là thông tin ban đầu và cũng chẳng ngoại trừ nó là một chiêu “làm giá” và đó là cơ sở để tạo ra trào lưu nâng giá một loạt dịch vụ truyền hình.

Hãy là người tiêu dùng thông minh để khỏi mất tiền oan vào những ly sữa dối lừa.
Song An (Thể thao 24h)