Góc nhìn: Đội tuyển Anh thất bại vì quá 'tạp nham'

29/03/2013 13:10
Hoàng Quân
(GDVN) - Trong khi TBN rặt người của Barcelona & Real Madrid, Italia toàn AC Milan & Juventus, thì tuyển Anh triệu tập người từ quá nhiều CLB.
Arsene Wenger đã đưa ra một ví dụ hết sức cụ thể: Trong số 11 cầu thủ xuất phát ở trận thắng ĐT Pháp tại vòng loại World Cup 2014 vừa qua, có tới 10 người trong đội hình đá chính của Tây Ban Nha đến từ hai CLB là Barcelona và Real Madrid. Người duy nhất không thuộc hai đội trên là Nacho Monreal, học trò của Wenger ở Arsenal.
Trong khi đó, đội tuyển Anh ở trận hòa Montenegro 1-1 thì đội hình xuất phát có cầu thủ đến từ 4 đội bóng khác nhau, trong khi ở trận gặp San Marino con số này là 6.


Thực ra, 5 cầu thủ đá chính trong đội hình tuyển Anh ở trận gặp Montenegro đến từ Manchester United - Chris Smalling, Wayne Rooney, Tom Cleverley, Michael Carrick và Danny Welbeck - và đó là chưa kể Ashley Young vào sân từ ghế dự bị. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ, Manchester United và các đội bóng còn lại không hẳn đã có lối chơi tương tự nhau. Cặp trung vệ Smalling - Lescott lần đầu tiên đá bên nhau nên chưa thể có được sự cố kết cần thiết, đặc biệt trong hiệp 2 trận gặp Montenegro họ bắt đầu rối loạn khi không kịp điều chỉnh để bắt một lúc 2 tiền đạo của đối phương sau khi Dejan Demjanovic vào sân.
So sánh trong bảng dưới đây, ĐT Anh vẫn dùng người đến từ ít CLB hơn so với các đội tuyển khác, điển hình là trường hợp của Hà Lan, Bồ Đào Nha và Argentina. Nhưng có một thực tế cần nói thêm ở đây: những Croatia, Argentina, Bồ Đào Nha hay Hà Lan không có giải VĐQG lớn mạnh và quy mô như Anh, Đức và Italia. Trong trường hợp của Italia, họ chỉ có cầu thủ đến từ 2 CLB Serie A có mặt trong đội hình xuất phát trận gặp Malta, đó là AC Milan và Juventus.
Xu hướng sức mạnh đội tuyển tập trung vào cầu thủ đến từ một vài CLB đã tồn tại trong quá khứ. Brazil 1970 có 4 thành viên trong đội hình chính đến từ Santos, trong đó có đội trưởng Carles Alberto, Jairzinho và Pele. Hà Lan 1974 dùng người đến từ Ajax và Feyenoord, với cầu thủ đá chính duy nhất không thi đấu ở Hà Lan là Rob Rensenbrink. Nhưng ví dụ tiêu biểu nhất, và cũng sớm được ghi lại nhất trong lịch sử, là "Đội hình Vàng" của Hungary 1952 - 1956.
Đội hình Hungary của thập kỷ 1950 được dẫn dắt bởi Gusztav Sebes, một cựu thành viên Công đoàn Budapest và là chủ tịch Hội đồng Olympic Hungary từ 1948 tới 1960. Khi đó hầu hết các đội tuyển quốc gia đều triệu tập những cầu thủ giỏi nhất chứ không phải cầu thủ đến từ đội bóng mạnh nhất, đặc biệt Liên đoàn bóng đá Anh (FA) còn có một hội đồng triệu tập cầu thủ cho từng trận đấu, dẫn tới tình trạng không có tính liên tiếp. Bằng việc sử dụng cầu thủ đã quen thuộc với sức mạnh của nhau ở cấp độ CLB, Sebes mang tới sự tiếp nối về mặt vị trí ở đội tuyển.

ĐT Hungary gần như bất bại trong giai đoạn 1952 - 1956, với trận thua duy nhất là chung kết World Cup 1954
ĐT Hungary gần như bất bại trong giai đoạn 1952 - 1956, với trận thua duy nhất là chung kết World Cup 1954

Ferenc Puskás, Sándor Kocsis, Zoltán Czibor, József Bozsik và Gyula Grosics đều đã đá cho Budapest Honved, đội bóng của Quân đội Hungary (tương tự như Thể Công của Việt Nam) trong cùng một giai đoạn nhất định của sự nghiệp (trong 5 người thì Czibor sớm rời Honved nhất, vào năm 1952 để sang AS Roma). Trụ cột duy nhất không bao giờ đá cho Honved là Nandor Hidegkuti, nhưng Hidegkuti đã thi đấu cho MTK Budapest (thuộc lực lượng cảnh sát mật Hungary), đội bóng sử dụng sơ đồ 4-2-4 mà sau này được Sebes - một cựu cầu thủ của MTK - áp dụng cho ĐT Hungary.
Mô hình này đã được Liên Xô học theo và đạt được thành công ở cấp độ châu Âu trong thập kỷ 1960. Và ngoài Brazil 1970 lẫn Hà Lan 1974, ví dụ tiêu biểu nhất là ĐT Anh tại World Cup 1966 với lực lượng nòng cốt đến từ West Ham United, trong đó có thủ quân Bobby Moore.
Hoàng Quân