Nhìn lại 6 tháng của Arsenal thời hậu Van Persie

16/02/2013 07:34
Hoàng Quân
(GDVN) - Các Pháo thủ đã chật vật ở đầu mùa giải và phải tới tận lúc này họ mới trở nên nguy hiểm hơn và chơi đa dạng hơn.
Mất Van Persie thiệt hơn hay mất Song thiệt hơn?
Khởi đầu của Arsenal mùa giải này là khởi đầu tệ nhất của họ trong kỷ nguyên Arsene Wenger, và cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi các CĐV Arsenal cảm thấy không hài lòng vì những lỗ hổng của CLB kể từ khi Robin Van Persie ra đi.
Tuy nhiên có một điều tôi không hiểu được, đó là tại sao vẫn có người nói bán Van Persie đi là một sai lầm???

Arsenal đã moi được 24 triệu bảng từ Man Utd cho một cầu thủ gần 30 tuổi và chỉ còn 1 năm hợp đồng
Arsenal đã moi được 24 triệu bảng từ Man Utd cho một cầu thủ gần 30 tuổi và chỉ còn 1 năm hợp đồng

Khi Robin Van Persie được chuyển nhượng sang Manchester United, anh chỉ còn 12 tháng trong hợp đồng với Arsenal và chỉ còn cách 6 tháng nữa là được phép đàm phán để chuyển nhượng tự do theo luật Bosman. Van Persie đã kiên quyết không chấp nhận gia hạn với Arsenal, do vậy Arsene Wenger PHẢI bán Van Persie trước khi kết thúc tháng 8/2012, hoặc sẽ không kiếm lấy nổi một xu khi tiền đạo này rời Emirates.
Và theo quy luật chuyển nhượng, với một cầu thủ đã sắp sang tuổi 30 và chỉ còn 1 năm hợp đồng, việc bán cầu thủ đó với giá hơn 20 triệu bảng là một thành công lớn. 24 triệu bảng rõ ràng là con số hời cho Arsenal khi xét về mặt kinh tế lẫn hoàn cảnh mà tôi vừa nhắc lại ở trên.
Trong khi chúng ta cho rằng bán Van Persie đi là một sai lầm, sai lầm thực sự của Arsene Wenger không phải chuyện đó, mà là Alex Song.
Trong mùa giải 2011/12, Song đã đá 34 trận cho Arsenal ở Premier League và Song đã có tới 11 pha kiến tạo khác nhau cho Arsenal, 4 trong số đó giành cho Van Persie. Song và Van Persie có một sự phối hợp ăn ý đáng ngạc nhiên trong mùa bóng này, đặc biệt những đường chuyền dài của Song luôn đặt tiền đạo người Hà Lan vào những vị trí thuận lợi. Những Norwich, Everton và Liverpool đã thủng lưới vì những pha bóng như thế này.

Alex Song ghi 11 kiến tạo trong mùa 2011/12 cho Arsenal
Alex Song ghi 11 kiến tạo trong mùa 2011/12 cho Arsenal

Đấy là chưa nói tới việc phòng ngự. Nếu một người có thể trung bình một trận cung cấp khoảng 3 cú cướp bóng và 2 cú cắt bóng, thì đó là một cầu thủ phòng ngự giỏi. Song trung bình ghi 2.9 pha cướp bóng và 1.9 pha cắt bóng mỗi trận.
Nếu như mất Van Persie, Arsenal mất đi một nguồn hỏa lực hàng công. Nhưng mất Alex Song nghĩa là Arsenal mất đi chỗ dựa cả về công lẫn thủ, đặc biệt là phương diện thủ. Đó là mùa giải mà The Gunners không có Jack Wilshere, trong khi những Mikel Arteta hay Aaron Ramsey đều không phải những tiền vệ phòng ngự thực thụ, Abou Diaby thì thường xuyên nằm bệnh viện, còn Emmanuel Frimpong rất non. Alex Song đã cung cấp cho Wenger một chốt chặn cần thiết trước hàng phòng thủ 4 người. Khi Song ra đi đầu mùa giải này, Arsenal không thể giữ sạch lưới 19 trận đấu trong tổng số 26 trận ở giải Ngoại hạng.
Vị trí trung vệ của Arsenal mùa trước và mùa này chẳng có mấy thay đổi, vẫn là Koscielny, Vermaelen, Mertesacker và thỉnh thoảng là Squillaci. Cũng vì thế mà phong độ hàng thủ mùa trước lẫn mùa này vẫn như thế, chỉ khác là mùa trước còn có Alex Song.
Tấn công đa dạng
Giroud đã phải mất thời gian để hòa nhập với môi trường mới và đồng đội mới, và có rất nhiều người lo sợ rằng việc Van Persie ghi nhiều hơn đồng đội gần nhất tới 22 bàn trong mùa giải trước có thể khiến Giroud không theo kịp.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Arsene Wenger không mua cầu thủ theo kiểu người-thay-người. Ông mua 3 cầu thủ liền, và thành tích ghi bàn của 3 tân binh như sau: Cazorla 9 bàn, Podolski 8 bàn và Giroud 9 bàn.
Như vậy, có thể nói trách nhiệm ghi bàn đã được san sẻ một cách đồng đều cho mỗi cầu thủ. Không chỉ riêng 3 tân binh, Wenger còn có một vũ khí khác cực kỳ nguy hiểm, đó là 11 bàn thắng của Theo Walcott.

Olivier Giroud được đưa về Arsenal không phải để thay thế Robin Van Persie, mà là để tạo nên những giải pháp tấn công mới
Olivier Giroud được đưa về Arsenal không phải để thay thế Robin Van Persie, mà là để tạo nên những giải pháp tấn công mới

Năm ngoái, khi Van Persie ghi bàn thì Arsenal thắng 75% số trận, nhưng khi Van Persie không ghi bàn thì tỷ lệ thắng chỉ là 34%. Nhưng mùa này, nếu Theo Walcott không ghi bàn, Lukas Podolski tỏa sáng trước Stoke, và Santi Cazorla chọc thủng lưới Sunderland.
Điều đó làm dấy lên niềm tin rằng sau khi mùa giải này kết thúc, Arsenal có thể sẽ lần đầu tiên có 4 cầu thủ ghi bàn ở con số hàng chục kể từ khi Arsene Wenger lên làm HLV. Ngay cả trong mùa giải 2003/04 Arsenal cũng không thể có hơn 3 cầu thủ lập công từ 10 bàn thắng trở lên.
Sự xuất hiện của Giroud cao 1m92 mang tới cho Arsenal một phương án ghi bàn khác, đó là bóng bổng. Mùa trước, Arsenal tập trung tấn công trung lộ với 45.14% số đường chuyền vào giữa và chỉ 29.39% đường chuyền ra hai cánh. Năm nay con số thay đổi, 32.3% đường chuyền ở trung lộ và 52.92% ở 2 cánh. Arsenal trung bình mỗi trận tạt bóng 26 lần, đứng chỉ sau West Ham (29). Trong 9 bàn của Giroud mùa này, 4 bàn đến từ đánh đầu.

Podolski và Cazorla đã ghi gần 10 bàn thắng tính tới lúc này.
Podolski và Cazorla đã ghi gần 10 bàn thắng tính tới lúc này.

Trận thắng West Ham 5-1 là một ví dụ cho thấy sự đa dạng trong tấn công của Arsenal. Một cú sút xa trái phá của Podolski, 1 cú đánh đầu sau quả phạt góc, 2 cú đệm bóng sau đường chuyền vào từ cánh của Podolski và một pha phối hợp bật tường.
Việc thay thế Van Persie kiểu người-thay-người là không thể và cũng sẽ không giúp gì được cho Arsenal, tuy nhiên Arsene Wenger đã biết tránh điều đó khi xây dựng đội bóng quanh lối chơi tấn công đa dạng.
Vấn đề còn lại
Chỉ còn một vấn đề với Arsenal, đó chính là phòng ngự.
Như đã đề cập, Arsenal chỉ giữ sạch lưới 7 trận trong 26 trận đã chơi mùa này, tỷ lệ 27%. Tỷ lệ này có thể sẽ còn thấp hơn nữa khi mùa giải kết thúc. Trong khi đó ở mùa 2011/12, tỷ lệ giữ sạch lưới là 13%.
Và cũng không có gì ngạc nhiên khi hàng phòng ngự Arsenal năm nay với năm ngoái hầu như chẳng có gì khác biệt. Trung vệ vẫn là xoay vòng giữa Vermaelen, Koscielny và Mertesacker; Hậu vệ phải là Sagna và thi thoảng là Jenkinson; Hậu vệ trái là Kieran Gibbs.

Cặp trung vệ là điểm yếu lớn nhất của Arsenal lúc này
Cặp trung vệ là điểm yếu lớn nhất của Arsenal lúc này

Mùa này ngoài vị trí của Kieran Gibbs là chắc chắn, các vị trí còn lại đều rất phập phù, và đặc biệt là vị trí trung vệ. Vermaelen vẫn mắc những sai lầm chí tử, Mertesacker đặc biệt chậm trong đấu tay đôi và dù cao 1m98 nhưng bật nhảy rất kém, còn Koscielny dù mùa này đã khá hơn mùa trước nhưng không ổn định.
Những điểm yếu lớn nhất của Arsenal lúc này đều nằm ở khía cạnh phòng thủ, trong đó có việc chống phản công và chống sút xa. Theo thống kê, trung bình Arsenal mỗi trận chỉ bị đối phương dứt điểm 11 lần (chỉ nhiều hơn Man City và Tottenham), tuy nhiên chỉ 10% tổng số cú sút là đủ để Arsenal thủng lưới tới 29 bàn. Do hơn 30% thời lượng cầm bóng của Arsenal là ở bên phần sân đối phương, điều đó cho thấy họ thủng lưới chủ yếu từ các pha phản công của đối thủ.
Một khi thành tích phòng ngự mùa này lẫn mùa trước đều giống nhau, Arsene Wenger thực sự cần phải có điều chỉnh. Cặp trung vệ là vị trí cần thay đổi nhất. Khi có một hàng phòng ngự vững chắc, những bàn thắng của họ sẽ thêm phần giá trị.
Hoàng Quân