Giảm lý thuyết, tăng thực hành

13/08/2011 02:01
Trường Trung cấp Biên phòng 2 (TCBP 2) đào tạo 20 lớp, với hơn 800 học viên, trong đó có gần 100 học viên của nước bạn Cam-pu-chia.

Năm học 2010-2011, Trường Trung cấp Biên phòng 2 (TCBP 2) đào tạo 20 lớp, với hơn 800 học viên, trong đó có gần 100 học viên của nước bạn Cam-pu-chia. Vừa qua, nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp 9 lớp đào tạo cho hơn 300 học viên, kết quả 100% đạt yêu cầu, 67,2% đạt khá giỏi. Nhà trường tích cực đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, tập trung nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên.

Đại tá Dương Công Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên”. Hai năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, khoa tập trung biên soạn mới các giáo trình giảng dạy theo Đề án 63 của Bộ Quốc phòng (chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong toàn quân).

Với quyết tâm cao, hệ thống giáo trình giảng dạy được nhà trường biên soạn xong trước năm học 2010-2011; đồng thời xây dựng được ngân hàng đề thi, đáp án cho tất cả các môn học, gồm đề thi định kỳ, thi kết thúc học phần, thi học kỳ, thi tốt nghiệp… Công trình này giúp giáo viên có nhiều thời gian kèm cặp, giúp đỡ học viên, còn học viên có điều kiện học tập theo hệ thống, sát với thực tế công tác sau này.

Trong những năm học gần đây, nhà trường quyết định điều chỉnh giảm tỷ lệ dạy lý thuyết xuống còn 49%, tăng thời gian thực hành, thực tập, dã ngoại… lên 51%. Vào giờ học buổi chiều, các lớp đều có giáo viên bộ môn, cán bộ quản lý bám lớp để hướng dẫn, tổ chức thảo luận cho học viên.
 

Cán bộ quản lý Trường TCBP 2 với các học viên Cam-pu-chia.
Cán bộ quản lý Trường TCBP 2 với các học viên Cam-pu-chia.

Nhà trường đang sôi nổi với phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt, kỷ luật nghiêm”. Trên giảng đường, các buổi học luôn sôi nổi với các hình thức thảo luận, thực hành, nghiên cứu khoa học; đặc biệt tại 8 phòng học chuyên dùng mới được đưa vào sử dụng, các giảng viên, cán bộ quản lý luôn bám lớp để hướng dẫn, tổ chức cho học viên thảo luận, thực hành kỹ năng sử dụng thiết bị chuyên dùng phục vụ cho huấn luyện nghiệp vụ. Các phòng học chuyên dùng được trang bị máy vi tính, mô hình, hệ thống màn hình, đèn chiếu, trong đó Khoa Biên phòng và Khoa Cửa khẩu được trang bị hiện đại, giúp học viên hiểu bài nhanh hơn, sâu hơn.

Bước đột phá đáng ghi nhận là nhà trường đã đầu tư, xây dựng xong khu huấn luyện để tổ chức giảng dạy và thi các môn học về quân sự cùng một đồn biên phòng “mẫu” ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Với các công trình trên, kỹ năng thực hành của học viên được nâng lên rõ rệt, giúp học viên khi ra trường không bỡ ngỡ, lúng túng trước nhiệm vụ.

Thượng tá Trần Hữu Vun, Trưởng khoa Biên phòng cho rằng: “Việc đổi mới giáo trình và phương pháp giảng dạy, cùng với hệ thống phòng học chuyên dùng hiện đại, bãi tập mới giúp giáo viên hoàn thành bài giảng tốt, học viên hiểu bài nhanh”. Trung tá Nguyễn Hữu Dân, giáo viên Khoa Cửa khẩu khẳng định: “Hệ thống phòng học chuyên dùng giúp nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên trong các nội dung kiểm soát hộ chiếu, hành lý, người qua cửa khẩu…”.

Sau giờ học buổi chiều, đến khu ký túc xá, tôi thấy các học viên trao đổi sôi nổi các nội dung vừa học. Hạ sĩ Nguyễn Huy Thắng, học viên Lớp Trinh sát, Khóa 14 tâm đắc: “Chương trình đào tạo của nhà trường thiết thực, giáo viên giảng dạy nhiệt tình, dễ hiểu; thời gian đi thực tế nhiều, nên kỹ năng thực hành của học viên được nâng cao”.

Học viên Lâm Quang Huỳnh cũng cho rằng: “Phương pháp học tập theo nhóm, kết hợp với thảo luận, thực hành trên phòng học chuyên dùng giúp học viên hiểu bài sâu và tiếp cận với thực tế nhanh”. Học viên Bun-bon nói: “Giảng đường ở đây hiện đại, giáo viên dạy hay và lôi cuốn, nên chúng tôi hiểu bài nhanh”. Nữ học viên Koch-som-nang quê ở tỉnh Tà-keo (Cam-pu-chia) nói rằng: “Ở Việt Nam rất vui, vì môi trường sống thân thiện, được quan tâm chu đáo, giáo viên dạy dễ hiểu; em đã biết hát ka-ra-ô-kê bằng tiếng Việt.

Cũng theo Đại tá Dương Công Hiếu, để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới, Trường TCBP 2 sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý bằng cách tự đào tạo, gửi đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các học viện trong quân đội, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, tăng cường đi thực tế và tích cực nghiên cứu khoa học.

Nhà trường cùng cấp trên quan tâm làm tốt công tác chính sách cán bộ, hậu phương quân đội, như xây dựng khu chung cư, bố trí sắp xếp cán bộ hợp lý, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, để mọi người thêm yên tâm công tác, gắn bó với nhà trường.

{iarelatednews articleid='10220,10154,10132,10031,9995,9970,9950,9769,9854,9795,9829,9434,9046,9412,9439,9498'}

Theo Quân đội nhân dân