24 trẻ em nghèo Trung Quốc bị đưa ra thí nghiệm gạo biến đổi gen

12/09/2012 09:55
Bảo Thành (Nguồn: Reuters)
(GDVN) - Các nhà nghiên cứu phá vỡ quy tắc đạo đức khi lấy những đứa trẻ trong các gia đình nghèo ở vùng nông thôn ra làm vật thí nghiệm.
Có thể bạn quan tâm
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 
> Mục mới: Nóng trên mạng

Reuters đưa tin ngày 11/9, các nhà chức trách y tế Trung Quốc đang tiến hành điều tra các cáo buộc rằng một dự án nghiên cứu Trung - Mỹ đã tiến hành thí nghiệm gạo biến đổi gen (GMO) trên trẻ em Trung Quốc.

Trung Quốc là nơi trồng bông biến đổi gen lớn nhất thế giới và là nhập khẩu đậu nành biến đổi gen hàng đầu, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn rất thận trọng trong việc sử dụng các giống lúa biến đổi gen cho mục đích thương mại trong bối cảnh dư luận ngày càng quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã tiến hành điều tra sau khi tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đưa ra báo cáo cho thấy một nghiên cứu tại Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tài trợ đã sử dụng 24 trẻ em Trung Quốc tuổi từ 6 đến 8 để thử nghiệm loại “gạo vàng” biến đổi gen.

Gạo vàng biến đổi gen so với gạo trắng thông thường
Gạo vàng biến đổi gen so với gạo trắng thông thường

“Gạo vàng” này là một loại gạo mới có chứa beta carotene nhằm chống nguy cơ thiếu vitamin A. Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đang hợp tác với các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp và dinh dưỡng hàng đầu để phát triển và đánh giá loại lúa vàng này như một biện pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu vitamin A ở Philippines và Bangladesh.

Nghiên cứu do Đại học Tufts và các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành đã được đăng trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng tại Mỹ hồi tháng 8. Mục đích của nghiên cứu này là chứng minh rằng loại gạo vàng đó có thể cung cấp nguồn vitamin A dồi dào cho trẻ em ở các nước mà người dân có nguy cơ thiếu vitamin A cao.

Nghiên cứu thực phẩm biến đổi gen (Ảnh minh họa)
Nghiên cứu thực phẩm biến đổi gen (Ảnh minh họa)

CDC nói rằng không có tổ chức trong nước nào được phép tham gia vào nghiên cứu đó và cơ quan này đã yêu cầu Đại học Tufts tại Mỹ giúp đỡ điều tra vụ việc.

Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, Phó giám đốc quan hệ công chúng của Đại học Tufts Andrea Grossman nói rằng trường này quan tâm sâu sắc tới các cáo buộc đó và đang xem xét các phương pháp áp dụng trong nghiên cứu hồi năm 2008 để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất.

Bà Grossman phát biểu rằng: “Chúng tôi luôn đặt sức khỏe con người lên hàng đầu, và chúng tôi áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho đối tượng nghiên cứu là con người.”

Báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh đã châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích trên trang mạng Weibo cáo buộc các nhà nghiên cứu phá vỡ quy tắc đạo đức khi lấy những đứa trẻ trong các gia đình nghèo ở vùng nông thôn ra làm vật thí nghiệm.

Trẻ em nghèo vùng nông thôn là dối tượng thí nghiệm của nghiên cứu này? (Ảnh minh họa)
Trẻ em nghèo vùng nông thôn là dối tượng thí nghiệm của nghiên cứu này? (Ảnh minh họa)

Theo CDC, nhà nghiên cứu Ẩm Sĩ An, một chuyên gia dinh dưỡng và an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Khống chế bệnh dịch Trung Quốc đã bị đình chỉ công tác để điều tra sau khi nhà chức trách phát hiện các câu trả lời của ông này không thống nhất. Ẩm Sĩ An được cho là đã thu thập dữ liệu nghiên cứu nhưng không biết rằng nó liên quan tới gạo biến đổi gen.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng đầu thế giới. Nước này đã chứng minh tính an toàn của giống lúa biến đổi gen nghiên cứu trong nước tên là Bt vào năm 2009, tuy nhiên việc sử dụng giống lúa này cho mục đích thương mại vẫn đang bị trì hoãn.

Ngoài các sản phẩm biến đổi gien, ngành công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc vẫn đang chật vật với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sau vụ bê bối sữa bột nhiễm khuẩn gây ra cái chết của ít nhất 6 trẻ em cách đây 4 năm.

Bảo Thành (Nguồn: Reuters)