3 kịch bản phản ứng của Trung Quốc nếu PCA bác bỏ đường lưỡi bò

04/06/2016 09:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu lựa chọn phản ứng cực đoan một mình một kiểu chống lại phần còn lại của thế giới, Trung Quốc sẽ tự đẩy mình trở thành kẻ thù...

Giáo sư David A. Welch Đại học Waterloo ngày 1/6 bình luận trên The Diplomat về 3 khả năng hay kịch bản Trung Quốc có thể phản ứng trong trường hợp Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng chắc chắn một điều, về mặt ngoại giao Bắc Kinh sẽ tỏ ra "vô cùng giận dữ".

Tàu chiến Trung Quốc tập trận bất hợp pháp gần bãi cạn James trên Biển Đông, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Malaysia, ảnh: The Straits Times.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận bất hợp pháp gần bãi cạn James trên Biển Đông, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Malaysia, ảnh: The Straits Times.

Phán quyết của PCA chắc chắn sẽ làm sáng tỏ những mơ hồ pháp lý quan trọng trên Biển Đông, nó sẽ đưa Trung Quốc vào thế bị ràng buộc. Tuy nhiên, bản chất những khó khăn của Bắc Kinh không nằm ở phán quyết của PCA, mà chính là sự thành công trong việc thuyết phục người dân của mình tin rằng Biển Đông về cơ bản là một cái ao của Trung Quốc.

Sẽ là vô vọng nếu tìm kiếm những tài liệu và căn cứ pháp lý để chứng minh cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng việc Bắc Kinh tuyên truyền thường xuyên, liên tục năm này qua năm khác về cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi từ thời cổ đại" ở Biển Đông đã khiến hầu hết người dân nước này tin vào chính phủ của họ.

PCA gần như chắc chắn sẽ công bố phán quyết về đường lưỡi bò không có căn cứ pháp lý nào, hoặc tuyên bố một số thực thể ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, bất kể nước nào đang chiếm đóng hay kiểm soát các thực thể này.

Kể từ khi Trung Quốc chính thức phê chuẩn UNCLOS, về mặt lý thuyết Bắc Kinh phải chịu ràng buộc pháp lý và tuân thủ phán quyết của PCA trong vụ kiện này, cho dù có tham gia hay không.

Và kể từ khi UNCLOS là luật chơi duy nhất trên Biển Đông khi nói đến các tranh chấp hàng hải, phán quyết của PCA sẽ buộc Bắc Kinh phải đưa ra phản ứng, là 1 trong 3 lựa chọn có thể.

Một là chấp nhận phán quyết của PCA và điều chỉnh yêu sách

Phán quyết của PCA sẽ không ảnh hưởng gì đến yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể trên Biển Đông của các bên, việc tuân thủ phán quyết của PCA sẽ giúp Trung Quốc nâng cao vị thế của mình trong mắt cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng trong khu vực có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nhiên phương án này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho vai trò cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc, vì lâu nay họ vẫn tuyên truyền với dân chúng rằng gần như 85% diện tích Biển Đông là thuộc "chủ quyền Trung Quốc".

3 kịch bản phản ứng của Trung Quốc nếu PCA bác bỏ đường lưỡi bò ảnh 2

Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn UNCLOS, củng cố vị thế ở Biển Đông

(GDVN) - Kêu gọi của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, ngay trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA.

Theo Giáo sư David A. Welch, hai trụ cột chính đảm bảo tính chính danh và khả năng cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc là phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống của người dân và bảo vệ yêu sách chủ quyền.

Trong khi kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, cuộc sống người dân gặp khó khăn do tái cơ cấu mà Bắc Kinh nhận thua sau phán quyết của PCA có thể làm suy yếu vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cá nhân người viết đồng ý với lập luận của Giáo sư David A. Welch rằng, vấn đề chính của Trung Quốc là họ đã trót tuyên truyền cho dân tin là gần như toàn bộ Biển Đông thuộc "chủ quyền Trung Quốc".

Nhưng ngoài ra theo người viết, Trung Quốc còn tuyên truyền cho người dân của họ về "thế kỷ bị xỉ nhục" bởi đế quốc, thực dân phương Tây, dẫn đến những mặc cảm và suy nghĩ lệch lạc trong xã hội, để người dân Trung Quốc ủng hộ chính quyền nước này "viết lại luật chơi công bằng hơn", theo lập luận của Bắc Kinh.

Giấc mộng Trung Quốc, phục hưng dân tộc Trung Hoa, Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, toàn những ý tưởng to tát để biến Trung Quốc thành siêu cường, nhưng trên thực tế khiến các nước láng giềng lo ngại bởi vì nó gắn với hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự, phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế.

Hai là chống lại phán quyết của PCA bằng cách rút khỏi UNCLOS và hành động hung hăng, liều lĩnh hơn

Đó là lựa chọn thứ 2 được đặt ra đối với Trung Quốc. Bắc Kinh có thể tuyên bố UNCLOS là "sản phẩm của phương Tây", là không công bằng cho Trung Quốc, gây phương hại lợi ích của nước này nên tuyên bố rút khỏi Công ước để thích làm gì thì làm.

Chắc chắn nhiều người Trung Quốc sẽ ủng hộ quyết định này của chính phủ, nếu Bắc Kinh lựa chọn. Nhiều người Trung Quốc có thể xem động thái này thể hiện sự "hoành tráng", tư thế của Trung Hoa trên vũ đài chính trị thế giới.

Nhưng trên thực tế, nếu lựa chọn cách hành xử này thì uy tín và vị thế quốc tế của Trung Quốc sẽ bị hủy hoại. Sự nguy hiểm của xung đột tiềm tàng trên Biển Đông sẽ leo thang nhanh chóng.

Và theo người viết, nếu lựa chọn phản ứng cực đoan một mình một kiểu chống lại phần còn lại của thế giới, Trung Quốc sẽ tự đẩy mình trở thành kẻ thù của khu vực.

Hình minh họa: Southchinasea.com.
Hình minh họa: Southchinasea.com.

Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không để yên. Các nước láng giềng cũng không thể ngồi nhìn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình có nguy cơ bị đe dọa.

Trung Quốc có thể dễ dàng hơn khi đối phó với một nước, nhưng đối phó với nhiều nước đoàn kết chống bành trướng thiết nghĩ sẽ là một bài toán nan giải, khó có lời đáp như ý Bắc Kinh.

Ba là tiếp tục phản đối miệng phán quyết của PCA và duy trì lập trường mơ hồ trên Biển Đông, rình thời cơ leo thang thực địa

Giáo sư David A. Welch tin rằng, nhiều khả năng phương án thứ 3 này sẽ được Bắc Kinh lựa chọn. Họ tiếp tục giả vờ rằng PCA không có thẩm quyền và có thành kiến, chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh có thể tiếp tục leo thang hùng biện tuyên truyền chống Philippines trong khi từ chối làm rõ yêu sách, đặc biệt là đường 9 đoạn.

Phương án này có thể giữ bất mãn khỏi bùng phát trong nước, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nó sẽ thể hiện một cam kết leo thang trên thực địa bằng hành động.

Chính sách của Bắc Kinh trên Biển Đông lâu nay đã khiến Trung Quốc mất bạn bè, reo rắc hoài nghi, sợ hãi và thù địch, kích hoạt phản ứng của các bên phải tìm cách cân bằng ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bắc Kinh sẽ ngày càng chứng tỏ rằng, trong con mắt cộng đồng quốc tế, Trung Quốc là kẻ phá luật chơi, không đáng tin cậy.

Do đó, vì lợi ích lâu dài của cộng đồng quốc tế cũng như chính Trung Quốc, việc giúp Trung Quốc nuốt viên thuốc đắng - phán quyết của PCA, có thể sẽ mất thời gian, nhưng cuối cùng thì có lẽ Trung Quốc cũng sẽ nhận ra rằng thuốc đắng giã tật. Chính Trung Quốc sẽ được hưởng lợi (chính đáng, hợp pháp) từ phán quyết của PCA mà hiện nay lãnh đạo nước họ chưa thể thấy.

Hồng Thủy