4 điềm lạ trong vụ điều tra cựu "Tổng quản Trung Nam Hải"

23/12/2014 10:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Cùng với Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch tham gia tạo thành "bè lũ 4 tên" thời hiện tại đã bị Tập Cận Bình tung một mẻ lưới tóm gọn.
Ông Lệnh Kế Hoạch.
Ông Lệnh Kế Hoạch.

Đa Chiều ngày 22/12 đưa tin, vụ Trung Quốc công bố điều tra ông Lệnh Kế Hoạch, cựu Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và được xem như "Tổng quản Trung Nam Hải" một thời đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận.

Chỉ một vụ tai nạn xe hơi đã làm thui chột tiền đồ của một quan chức cấp cao được "quy hoạch" vào Thường vụ Bộ chính trị hay còn nguyên nhân nào khác đang là đề tài bàn tán xôn xao. Truyền thông phương Tây thì cho rằng, cùng với Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch tham gia tạo thành "bè lũ 4 tên" thời hiện tại đã bị Tập Cận Bình tung một  mẻ lưới tóm gọn.

Điềm lạ thứ nhất trong vụ Lệnh Kế Hoạch cũng giống như Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang, đó là những đồn đoán, dự báo các "con hổ" này sẽ bị Tập Cận Bình hạ gục đã xuất hiện trong giới truyền thông phương Tây và người Hoa hải ngoại trước đó cả năm trời. Những đồn đoán này cuối cùng cũng được Trung Nam Hải xác nhận bằng những tuyên bố ngắn gọn, điều tra "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", và sau đó là truy tố.

Điềm báo Lệnh Kế Hoạch "giữa đường đứt gánh" trong lúc quan lộ thênh thang chính là vụ tai nạn siêu xe Farrari do Lệnh Cốc, con trai ông Hoạch điều khiển gây tai nạn và chết trên đường phố Bắc Kinh tháng 3/2012. Báo chí Trung Quốc tuyệt nhiên không có một dòng nào nhắc đến vụ này trước đó.

Tin tức về vụ việc lại xuất hiện đầu tiên trên tờ The Washington Post với nguồn tin riêng từ chính giới Bắc Kinh. 6 tháng sau, ông Lệnh Kế Hoạch bị điều chuyển từ vị trí "Tổng quản Trung Nam Hải" sang Phó Chủ tịch Chính hiệp kiêm Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương, một vị trí thực quyền kém xa Chánh văn phòng Trung ương và hết cơ hội vào Thường vụ Bộ chính trị

Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây cho rằng vụ tai nạn siêu xe Ferrari chỉ là cái cớ, bởi thực tế Lệnh Kế Hoạch đã kết đồng minh với Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang từ trước khi xảy ra vụ Vương Lập Quân, Giám đốc Công an Trùng Khánh chạy vào lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô.

Hình ảnh hiếm hoi vụ tai nạn siêu xe Ferrari tháng 3/2012 làm ông Lệnh Kế Hoạch mất con trai, và cũng thui chột cả tiền đồ chính trị.
Hình ảnh hiếm hoi vụ tai nạn siêu xe Ferrari tháng 3/2012 làm ông Lệnh Kế Hoạch mất con trai, và cũng thui chột cả tiền đồ chính trị.

Vụ tai nạn siêu xe của con trai đã được ông Hoạch phong tỏa thông tin thông qua Chu Vĩnh Khang khi đó đang là Trưởng ban Chính pháp, nắm toàn bộ hoạt động tình báo và an ninh nội địa Trung Quốc. Đổi lại, Lệnh Kế Hoạch buộc phải chấp nhận một số yêu sách của Chu Vĩnh Khang, nhưng thỏa thuận này sau đó bị lộ. Đây mới thực sự là nguyên nhân Lệnh Kế Hoạch mất hẳn tiền đồ chính trị.

Điềm lạ thứ 2 trong vụ Lệnh Kế Hoạch cũng giống như Chu Vĩnh Khang, đó là "chặt đứt tay chân, thân tín trước, công bố điều tra truy tố sau". Lệnh Chính Sách, Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây và là anh cả của ông Hoạch bị bắt trong tháng 6 mở đầu cho cơn bão quét qua gia tộc họ Lệnh ở Sơn Tây.

Chị gái ông Hoạch, bà Lệnh Lộ Tuyến cùng chồng Vương Kiến Khang - Phó Thị trưởng thành phố Vận Thành tỉnh Sơn Tây bị bắt. Em trai út ông Hoạch, Lệnh Hoàn Thành vốn đã tìm cách rời khỏi Trung Quốc sang Hồng Kông, Singapore để tìm đường qua Mỹ cuối cùng cũng bị an ninh Trung Quốc bắt để phục vụ điều tra.

Thứ 3, hôm 15/12, trước khi Bắc Kinh chính thức công bố điều tra Lệnh Kế Hoạch ít ngày, ông vẫn viết một bài hơn 4000 chữ đăng trên tạp chí "Cầu thị" của Trường đảng Trung ương, ca ngợi Tập Cận Bình hết lời và được Nhân Dân nhật báo trích đăng nguyên văn khiến dư luận bỗng nhiên phân tán, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Một con hổ lớn được cho là đã sa lưới Tập Cận Bình nay lại công khai viết bài ca ngợi, cam kết trung thành với ông Bình khiến người ta phải xem lại các phân tích, đồn đoán trước đó, liệu Lệnh Kế Hoạch có đang lật ngược thế cờ? Bài báo ít nhất 16 lần trích dẫn phát biểu của Tập Cận Bình cũng là lần cuối cùng tên tuổi Lệnh Kế Hoạch công khai xuất hiện trên truyền thông nhà nước Trung Quốc với đầy đủ chức danh, phẩm trật.

Điều lạ thứ 4 là cách đưa tin úp úp mở mở của truyền thông Trung Quốc. Cũng giống như các "con hổ" bị bắt trước đó, thông tin điều tra Lệnh Kế Hoạch được Tân Hoa Xã thông báo ngắn gọn vào đầu giờ tối, các báo lớn nhỏ lấy lại nhưng cũng chỉ để ở mục tin nóng thay vì vị trí tin nổi bật cho độc giả dễ thấy.

Ông Lệnh Kế Hoạch một thời là trợ thủ thân tín của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ông Lệnh Kế Hoạch một thời là trợ thủ thân tín của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Sáng nay, Thời báo Hoàn Cầu có hẳn một bài xã luận phê phán nhà họ Lệnh, trong đó lần đầu tiên nhắc đến các "tin đồn" về Lệnh Kế Hoạch lâu nay. Trong khi đó sáng nay tin về Lệnh Kế Hoạch đã bị rút khỏi Tân Hoa Xã và Nhân Dân nhật báo.

Cách đưa tin của Trung Nam Hải có thể nhằm mục đích hạ nhiệt dư luận, nhưng càng khiến người dân Trung Quốc quan tâm, nhất là cộng đồng sử dụng internet. Liên Bằng, một nhà bình luận viết trên trang cá nhân: "Cái gì phải đến ắ sẽ đến. Nửa năm nay người ta lần lượt bị bắt, nhưng vẫn cứ tỏ vẻ bình an vô sự trước đó bằng cách công khai xuất hiện, viết bài ca ngợi rồi cuối cùng chẳng thoát".

Trương Minh, giáo sư đại học Nhân Dân bình luận: "Quy luật giờ đã khác trước, lộ diện không ăn thua, viết bài đăng báo cũng chẳng giải quyết được gì. Cái đáng chú ý là vận mệnh tay chân thân tín, đặc biệt là của những nhân vật cỡ lớn. Một khi người nhà anh lần lượt bị bắt thì sớm muộn cũng đến lượt anh".

Một nhà bình luận khác, La Xương Bình dựa theo liên tưởng của truyền thông phương Tây so sánh 4 con hổ lớn vừa bị tóm với "bè lũ 4 tên" thời Cách mạng Văn hóa để làm một bài thơ về vụ này: "Tài Hậu nại hà thử mệnh Bạc, Hy Lai nhương vãng tận dân thương. Thùy mưu Kế Hoạch liệp Hồ Lệnh? Nan đắc Chu toàn bất Vĩnh Khang", những chữ viết hoa là tên của Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Bạc Hy Lai.

Đại ý bài thơ này là: Giàu có làm chi khi mệnh bạc, đua nhau vơ vét tận sức dân. Ai lập mưu săn nhà Hồ Lệnh? Khó được chu toàn, chẳng bền lâu. Bài này dùng họ tên "bè lũ 4 tên" thời hiện đại làm tứ, trong đó Lệnh Kế Hoạch vốn thuộc họ Lệnh Hồ ở Sơn Tây.

Lần này, tờ Caixin được cho là 1 tờ báo chính thống hi hữu ở Trung Quốc đưa những thông tin thâm cung bí sử của Trung Nam Hải cũng dẫn nguồn tin khẳng định Lệnh Kế Hoạch có "quan hệ đồng minh" với Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, và mọi khởi nguồn biến cố của họ Lệnh đều bắt đầu từ vụ tai nạn siêu xe Ferrari của Lệnh Cốc.

Hồng Thủy