Abe công du Bangladesh và Sri Lanka cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc

06/09/2014 14:51
Nguyễn Hường
(GDVN) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 6/9 bắt đầu chuyến công du 3 ngày tới Bangladesh và Sri Lanka trong nỗ lực cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á.

Thủ tướng Shinzo Abe đã gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina vào ngày 6/9 ở Dhaka và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse vào ngày 7/9 tại Colombo để thúc đẩy quan hệ kinh tế và an ninh. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Chuyến công du của ông Abe diễn ra sau chuyến thăm Tokyo của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong đó hai bên đồng ý để nâng cao quan hệ lên một "tầm cao mới" với nỗ lực chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của đối thủ Trung Quốc. 

Phát biểu với các phóng viên trước khi rời Tokyo, Abe ghi nhận ông là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Bangladesh trong 14 năm và Sri Lanka trong 24 năm. Ông gọi Bangladesh và Sri Lanka là "các quốc gia có ảnh hưởng ngày càng tăng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị".

Tháp tùng ông Abe trong chuyến công du lần này là 50 giám đốc điều hành của những công ty hàng đầu Nhật Bản.

Ông Abe mô tả chuyến thăm Bangladesh là một "cột mốc quan trọng" trong quan hệ song phương và bày tỏ hy vọng sẽ giành được hợp đồng thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở quốc gia này, bao gồm xây một cầu đường sắt và một đường hầm dưới sông Brahmaputra.

Nhật Bản hồi tháng trước cam kết cho Bangladesh vay 4 tỷ USD. Đáp lại, quốc gia này có kế hoạch thành lập một khu công nghiệp cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đất nước có đầu tư tại Bangladesh thấp hơn nhiều so với Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Nhật Bản và Bangladesh cạnh tranh cho vị trí thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2015-2016. Dự kiến trong chuyến thăm lần này, 2 Thủ tướng Abe và Hasina sẽ thảo luận làm thế nào để xoa dịu tranh chấp.

Ngoài ra, Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm trong việc xây dựng một cảng biển nước sâu ở miền nam Bangladesh mà trước đó Dhaka dự định dành cho Trung Quốc.

Bangladesh và Sri Lanka nằm dọc theo tuyến đường biển giữa các nguồn tài nguyên phong phú ở Trung Đông và Đông Á. Trung Quốc đã giúp xây dựng hải cảng cho các nước dọc theo tuyến đường vận chuyển quan trọng này. 

Tại Colombo, 2 ông Abe và Rajapaksa dự định sẽ tăng cường hợp tác hàng hải và lãnh thổ trong bối cảnh cả hai đều đang phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán. Nhật Bản đã bày tỏ sẵn sàng cung cấp tàu tuần tra để giúp Sri Lanka tăng cường bảo vệ lãnh hải của mình./.

Nguyễn Hường