Ấn - Nhật bắt tay có đủ cân bằng Trung Quốc?

31/10/2017 14:46
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Mối quan hệ hợp tác song phương giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã trở thành một lẽ tự nhiên để bổ sung cho nhau trong những vấn đề cấp thiết.

Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ đã trở nên nồng ấm hơn, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Ấn Độ hồi tháng 9, giúp mở ra một chương mới trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Hiện Ấn Độ và Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương như:

Hợp tác phát triển lĩnh vực hạt nhân phục vụ cho mục đích dân sự, hợp tác phát triển các thiết bị và công nghệ quốc phòng, hợp tác hàng không, hàng hải, kinh tế - thương mại…

Nhật Bản cũng đã nhất trí cho Ấn Độ vay một khoản tiền lớn trị giá 190 tỷ yên, phục vụ cho dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 500 km.

Đây là tuyến giao thông nối thành phố công nghiệp Ahmedabad ở bang miền tây Gujarat với trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ mà Nhật Bản làm chủ đầu tư xây dựng.

Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã khẳng định tầm quan trọng của quan hệ giữa hai nước đối với việc bảo vệ một trật tự trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: Kyodo)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: Kyodo)

Theo đó, hai nước đang hướng tới nỗ lực phối hợp triển khai thực hiện chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và phồn vinh” mà Nhật Bản và Hoa Kỳ đã khởi xướng, cũng như “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ.

Mới đây, hai nước cũng đã thể hiện sự nhất trí với ý tưởng của Hoa Kỳ về việc thiết lập một liên minh quân sự giữa bốn nước là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, nhằm cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vậy điều gì đã giúp cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản ngày càng trở nên khăng khít hơn?

Giới phân tích đã chỉ ra ba yếu tố cơ bản sau đây:

Thứ nhất, xuất phát từ sự bổ sung cho nhau trong hợp tác kinh tế cả về nhân khẩu, vốn đầu tư, thu nhập và mức độ phát triển giữa Ấn Độ và Nhật Bản.

Ấn Độ có dân số trên 1,3 tỷ người, cao thứ hai thế giới, nhưng mức thu nhập của người dân còn thấp.

Do đó cần có một sự tăng trưởng hàng năm trên 7%, duy trì trong 3-5 năm, để nâng cao đời sống người dân và thực hiện xóa đói giảm nghèo.

Điều đó đòi hỏi phải có một khối lượng tài chính lớn từ đầu tư nước ngoài, cùng với các khoản tiết kiệm nội địa để tạo ra việc làm, thu hút lực lượng lao động đang tăng lên hàng năm nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng cần một khối lượng đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ để tạo ra nền tảng cho một nền kinh tế phát triển theo hướng hiện đại.

Trong khi đó, Nhật Bản là nước có nền kinh tế phát triển mạnh, đứng thứ hai khu vực và thứ ba thế giới, có giá trị vốn thặng dư lớn.

Nhưng dân số lại đang suy giảm và già hóa, khiến cho lực lượng lao động ngày càng sụt giảm, thị trường nội địa cũng dần bị thu hẹp.

Vì vậy, Nhật Bản cần tìm kiếm một thị trường rộng lớn, nhiều lao động dôi dư để đầu tư phát triển.

Với số lượng dân số khổng lồ của Ấn Độ đã tạo ra tiềm năng thị trường vô hạn cho hàng hoá Nhật Bản tràn vào.

Và với một nền kinh tế đang phát triển, Ấn Độ đang tạo ra cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư, quản lý và hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản.

Cái ôm biểu tượng cho sự hợp tác bền chặt giữa Ấn Độ và Nhật Bản (Ảnh: Reuters)
Cái ôm biểu tượng cho sự hợp tác bền chặt giữa Ấn Độ và Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Thứ hai, giữa Ấn Độ và Nhật Bản không có bất kỳ “vết đen” nào trong lịch sử phát triển của hai quốc gia này.

Đây là một yếu tố rất quan trọng để thắt chặt mối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa hai nước.

Tầm quan trọng của vấn đề này có thể thấy được từ việc xem xét những khó khăn gặp phải trong mối quan hệ giữa Nhật Bản với các đồng minh Mỹ và Hàn Quốc, hay như với Trung Quốc.

Trái lại, trong lịch sử Ấn Độ và Nhật Bản không có vấn đề gì có thể gây khó chịu cho cả hai bên.

Bởi vậy, có thể nói mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự giữa Ấn Độ và Nhật Bản đang ngày càng xích lại gần nhau hiện nay như là một lẽ tự nhiên.

Thứ ba, cơ sở bền vững cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản còn xuất phát bởi “chất xúc tác” mang tên Trung Quốc.

Quốc gia này đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong giải quyết các quan hệ song phương và khu vực, làm thay đổi đáng kể trật tự địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhật Bản đã cảm nhận rõ được điều này trong các tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Trung Quốc.

Trong khi Ấn Độ có một đường biên giới dài không xác định ở Doklam, mà Trung Quốc gọi là Donglang cũng đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.

Hai nước phải điều động một lượng lớn quân đội đến đây khi căng thẳng leo thang hồi tháng 8.

Khi đó, Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ đã lên tiếng ủng hộ lập trường của New Delhi và lên án những hành động quân sự của Trung Quốc tại đây.

Trong tất cả các quốc gia ở khu vực châu Á, Ấn Độ và Nhật Bản là những nước có khả năng chịu áp lực cao nhất từ những thách thức của Trung Quốc.

Bởi vậy hiện tại hai nước không chỉ xích lại gần nhau mà còn đang cố gắng tìm cách liên kết với các nước khác trong khu vực thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế và an ninh.

Hiện tại, Ấn Độ và Nhật Bản đang cùng nhau kết hợp giữa các lợi thế so sánh về nhân khẩu, tài chính và địa lý để đưa ra các hoạt động kết nối với các nước khác.

Trong đó, phải kể đến là dự án “Á - Phi tăng trưởng” nhằm liên kết các nước châu Á, châu Phi trong một chiến lược phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng lớn.

Dự án này của Ấn Độ và Nhật Bản được coi như là một sự cân bằng đối với sáng kiến ​​Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Theo dự án này, trước mắt Nhật Bản sẽ đóng góp 30 tỷ USD và Ấn Độ 10 ​​tỷ USD để thực hiện các lộ trình của dự án.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và coi đây như là một khung địa chính trị mới ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, cả Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều đã đồng ý thúc đẩy một sự hợp tác để phát triển các cảng biển, các cơ sở hạ tầng quan trọng để hiện thực hóa chiến lược về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ba quốc gia này sẽ chia sẻ các giá trị lợi ích dựa trên quy định của luật pháp quốc tế về tự do hàng hải, hàng không và an ninh trong khu vực.

Từ những phân tích trên cho thấy, mối quan hệ hợp tác song phương giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã trở thành một lẽ tự nhiên để bổ sung cho nhau trong những vấn đề cấp thiết.

Mục đích là hướng tới sự phát triển, ổn định và thịnh vượng chung cho cả hai quốc gia này.

Đồng thời, sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản còn là cơ sở để tiến tới thiết lập một vành đai an ninh mới theo ý tưởng chiến lược về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của hai nước, cũng như duy trì một trật tự địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà hai nước đã vạch ra.

Tài liệu tham khảo:

[1] The Japan Times/ The enduring basis of strong India - Japan relations.

[2] The diplomat/ Trump’s Indo - Pacific Strategy Challenge.

PHẠM DOÃN TÌNH