Bác sĩ Anh mô tả sự khủng khiếp ở tâm dịch Ebola

06/08/2014 15:52
Nguyễn Hường
(GDVN) - "Những gì sốc nhất là khi chứng kiến cảnh những bệnh nhân tử vong rất nhanh chóng và cách họ bị giết", Tiến sĩ 28 tuổi nói.

Tờ Daily Mail ngày 6/8 đưa tin cho biết, một bác sĩ người Anh đang làm việc ở Siera Leone, một trong những ổ dịch Ebola ở châu Phi, đã mô tả lại những cảnh tượng kinh dị mà ông và nhóm của mình đã chứng kiến trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác này.

Tiến sĩ Oliver Johnson.
Tiến sĩ Oliver Johnson.

Bệnh dịch xảy ra khi Tiến sĩ Oliver Johnson và nhóm của ông đang hỗ trợ giúp tăng cường hệ thống y tế tại thủ đô Freetown của Siera Leone. Khi đó, ông đã quyết định ở lại và "làm mọi thứ có thể để giúp các nhân viên y tế địa phương mặc dù họ có thể bị nhiễm bệnh".

Nhưng điều kiện làm việc thiếu thốn, vã mồ hôi trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít trong thời tiết nóng nực, mùi hôi thối và clo nồng nặc trong không khí cũng không khiến các chuyên gia y tế Anh "sốc" bằng những cảnh căn bệnh Ebola phá hủy cơ thể của các bệnh nhân.

"Những gì sốc nhất là khi chứng kiến cảnh những bệnh nhân tử vong rất nhanh chóng và cách họ bị giết", Tiến sĩ 28 tuổi nói.

Do bệnh dịch lần đầu tiên xuất hiện ở Siera Leone, nên nhiều người tin rằng căn bệnh là một âm mưu của chính phủ nhằm làm suy yếu các nhóm sắc tộc đối thủ và tìm cách bỏ trốn khỏi bệnh viện. 

Trong khi đó, điều kiện tồi tàn của các sơ sở y tế đã giúp bệnh nhân có thể dễ dàng bỏ trốn. Điều này đồng nghĩa với khả năng lan truyền bệnh sẽ gia tăng. 

Ba quốc gia Tây Phi đang là tâm dịch Ebola.
Ba quốc gia Tây Phi đang là tâm dịch Ebola. 

Khi các bệnh nhân phải cách ly thì một số người bày tỏ lo ngại rằng thân nhân họ đã bị bắt cóc và bị các bác sĩ sát hại.

Dịch virus Ebola hay còn gọi là sốt xuất huyết trắng có khả năng gây tử vong ở người tới 90%. Nó được đặt theo tên con sông Ebola ở Cộng hòa Congo, nơi bùng phát lần đầu tiên năm 1976.

Ebola có hàng loạt biến thể. Virus lây truyền từ động vật hoang dã sang người và sau đó lan truyền từ người sang người. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết loài dơi quạ ăn trái (Pteropodidae) là vật chủ tự nhiên của Ebola. Ngoài ra khỉ đột, vượn, lợn... cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh nếu chúng tiếp xúc với nước bọt hoặc phân dơi.

Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại.

Cơ thể bị virus Ebola tàn phán của một bệnh nhân.
Cơ thể bị virus Ebola tàn phán của một bệnh nhân. 

Người mắc bệnh có lòng trắng mắt chuyển sang màu đỏ và mọc mụn nước dưới da. Hiện chưa có vaccine hay phác đồ điều trị căn bệnh này.

Guinea là quốc gia đầu tiên phát hiện bệnh Ebola tái phát trở lại hồi tháng 3/2014. Nhưng do điều kiện y tế hạn chế dẫn tới xác định nguyên nhân gây bệnh muộn, bệnh dịch đã nhanh chóng lan tới thủ đô nước này và các quốc gia láng giềng như Sierra Leone, Liberia, Nigeria.

Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cho biết tình trạng hiện tại ở Guinea, Liberia và Sierra Leone chỉ diễn biến tồi tệ hơn và cảnh báo hiện không có chiến lược tổng thể nào để giải quyết sự bùng phát của dịch Ebola.

Theo số liệu mới nhất của WHO, dịch Ebola ở Tây Phi đã khiến hơn 1.300 bị nhiễm, ít nhất 729 người đã tử vong. 

Hàng loạt quốc gia châu Âu và Mỹ đã thiết lập các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus Ebola như hạn chế các chuyến bay, tăng cường kiểm soát biên giới và sân bay, mặc dù WHO không khuyến cáo hạn chế di chuyển hoặc giao thương./.

Hình ảnh các bác sĩ làm việc tại tâm dịch Ebola. 
Nguyễn Hường