Báo Ấn bình luận phát biểu của tướng Nguyễn Chí Vịnh

19/01/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Vịnh không giải thích về sự thay đổi mạnh mẽ này, nhưng theo tờ báo Ấn thì đó là "cuộc đối đầu quyết liệt Việt - Trung trên Biển Đông".
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ảnh: Tuoitrenews.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ảnh: Tuoitrenews.

Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 18/1 dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, Việt Nam và Ấn Độ cần hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn vì những thay đổi mạnh mẽ của bối cảnh an ninh khu vực. The Economic Times đã lý giải "thay đổi mạnh mẽ của an ninh khu vực" là căng thẳng do Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tăng cao.

Việt Nam có niềm tin rất cao vào Ấn Độ, ủng hộ vai trò Ấn Độ ở Biển Đông

Tướng Nguyễn Chí Vịnh được dẫn lời nói rằng: "Bởi vì sự thay đổi rất mạnh mẽ của an ninh khu vực đã tạo ra sự cần thiết cho quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước chúng ta. Chủ yếu là về đối tác chiến lược." Ông Vịnh không giải thích về sự thay đổi mạnh mẽ này, nhưng theo tờ báo Ấn thì đó là "cuộc đối đầu quyết liệt Việt - Trung trên Biển Đông".

Việt Nam "có một danh sách mong muốn dài từ Ấn Độ", bao gồm việc mua ít nhất 4 tàu tuần tra, hỗ trợ huấn luyện phi công cho Không quân Việt Nam để có thể sử dụng các máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga, thậm chí là cả tên lửa BrahMos và những thứ khác.

The Economic Times cho biết, tướng Vịnh nhấn mạnh rằng Việt Nam có "niềm tin rất cao" đối với Ấn Độ trong các vấn đề quốc phòng. Ông cho biết Việt Nam vẫn chưa quyết định về số lượng tàu sẽ mua, nhưng nó không chỉ dừng lại ở 4 chiếc. Những chiếc tàu này sẽ được sử dụng để tuần tra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Việt Nam mong muốn có các tàu giám sát ngoài khơi bờ biển và xung quanh các đảo của mình ở quần đảo Trường Sa, nơi được xây dựng một năng lực đáng tin cậy để ngăn chặn hoạt động (bất hợp pháp) của Trung Quốc với 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636MV của Nga, The Economic Times bình luận.

Ấn Độ và Việt Nam đã kết thúc thành công vòng đối thoại quốc phòng ở New Delhi hôm Thứ Sáu, đây là lần đối thoại đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền.Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Economic Times hôm 17/1, tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết đối thoại năm nay đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ cả hai phía, và đã rất thành công.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Shri R. K. Mathur đồng chủ trì đối thoại quốc phòng Việt - Ấn năm 2015. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Shri R. K. Mathur đồng chủ trì đối thoại quốc phòng Việt - Ấn năm 2015. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.

Quân đội hai nước đã triển khai các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối thoại quốc phòng Việt - Ấn năm nay có lĩnh vực hợp tác mới là công nghệ cao và công nghệ thông tin. Việt Nam đánh giá cao khả năng của Ấn Độ. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Ấn Độ đã giúp Việt Nam đào tạo đội ngũ kỹ sư quân sự, ngôn ngữ, công nghệ thông tin cho lực lượng cán bộ trẻ.

Tướng Vịnh cho biết, đặc trưng của quan hệ đối tác Việt - Ấn là hợp tác chiến lược toàn diện về cả chính trị, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, an ninh quốc phòng. Mối quan hệ này được củng cố khi các lợi ích chiến lược của hai nước trở nên phù hợp hơn. Cơ hội và thách thức của tình hình an ninh khu vực và quốc tế đã đưa Việt Nam và Ấn Độ trở nên gần gũi hơn, cùng nhau bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Nước nào ỷ lớn hiếp nhỏ trên Biển Đông sẽ bị lên án

Với câu hỏi của The Economic Times rằng Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác như thế nào để ổn định tình hình Biển Đông, tướng Vịnh cho biết: Tình hình ở Biển Đông hay rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gắn bó với nhau hơn, gắn với những mục tiêu của tất cả các quốc gia liên quan. Các lợi ích bao gồm tự do hàng hải, tự do thương mại, lợi ích địa chính trị, quốc phòng và an ninh.

Ấn Độ theo đuổi chính sách hành động hướng Đông thì không thể bỏ qua tình hình ở khu vực Biển Đông. "Chúng tôi ủng hộ sự hiện diện của Ấn Độ vì nó là vì hòa bình, hợp tác và vì lợi ích của sự phát triển ở châu Á -  Thái Bình Dương và trên thế giới. Biển Đông có nhiều thách thức, trong đó có tranh chấp lãnh thổ, đe dọa sử dụng vũ lực và coi thường luật pháp quốc tế", tướng Vịnh khẳng định.

Ông cho biết, đây là vấn đề đáng quan tâm không chỉ với các nước trong khu vực mà là tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các bên có lợi ích ở biển Đông. Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ quan điểm tương tự về Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương với mong muốn khu vực trở nên ổn định, hợp tác và phát triển. Bất kỳ nước nào đi ngược lại xu thế này sẽ bị lên án bởi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh này, cộng đồng quốc tế gần đây đã lên tiếng bày tỏ mối quan tâm đối với khu vực, nhấn mạnh giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Mỗi nước cần phải phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Nếu một quốc gia sử dụng sức mạnh và gây tổn hại đến lợi ích của các nước khác trong khu vực, chắc chắn nó sẽ bị lên án, tướng Vịnh khẳng định.

Hồng Thủy