Báo Mỹ: Tội thực sự của Chu Vĩnh Khang là chống đỡ cho Bạc Hy Lai

30/07/2014 10:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang không thể là sự kết thúc của cuộc đấu tranh nội bộ về tương lai của Trung Quốc, The Wall Street Journal nhận định.
Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức.
Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức.

Tờ The Wall Street Journal ngày 29/7 bình luận, kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền chưa đầy 2 năm, ông đã liên tục cho bắt giữ các đồng minh của Chu Vĩnh Khang, một cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị khóa 17. Đầu giờ tối qua Trung Quốc chính thức tuyên bố điều tra Chu Vĩnh Khang "vi phạm kỉ luật nghiêm trọng", nhưng tờ The Wall Street Journal cho rằng cuộc điều tra này giống như một cuộc đấu tranh nội bộ.

Ông Tập Cận Bình cam kết tiêu diệt tham nhũng từ "ruồi" đến "hổ". Sau vụ điều tra Chu Vĩnh Khang, ông Bình sẽ có một thành tích ấn tượng. Nhưng điều đó không có nghĩa là nền chính trị Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng, minh bạch hơn. Trong ngắn hạn, ông muốn kiểm soát tốt hơn bộ máy lãnh đạo đảng, nhà nước, quân đội so với 2 người tiền nhiệm của mình.

Nhưng vụ điều tra này cũng là một động thái rất nguy hiểm. Chu Vĩnh Khang đã từng kiểm soát ngành an ninh, tòa án, kiểm sát cũng như không ít bí mật của Trung Quốc. Ông ấy biết tất cả những thứ được cất giấu và có quan hệ với quân đội để khởi động một điều gì đó. Việc này giải thích lý do tại sao các đồng minh của Chu Vĩnh Khang phải được loại bỏ trước khi quyết định công khai điều tra, buộc tội ông.

Có rất ít nghi ngờ rằng Chu Vĩnh Khang sẽ phải đối mặt với bản cáo trạng ấn tượng với quá khứ từng là ông trùm dầu khí, ông và cấp dưới của mình có khá nhiều cơ hội để rút các nguồn lực nhà nước bỏ vào túi cá nhân. Một dự án nhà máy lọc dầu 6 tỉ USD ở Tứ Xuyên đặt dưới sự giám sát của con trai ông, Chu Bân. Bân cũng bị bắt do cáo buộc có liên quan cùng các quan chức ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc.

Nhưng cái tội thực sự của Chu Vĩnh Khang là ông đã hỗ trợ Bạc Hy Lai thách thức bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc, người đang phải thụ án chung thân cho tội danh lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Chu Vĩnh Khang vẫn tiếp tục ủng hộ Bạc Hy Lai cho tới trước khi cựu Bí thư Trùng Khánh bị bắt.

Từ Tài Hậu và Bạc Hy Lai, 2 đồng minh chính trị của Chu Vĩnh Khang, một người đang bị truy tố, một kẻ đang thụ án chung thân.
Từ Tài Hậu và Bạc Hy Lai, 2 đồng minh chính trị của Chu Vĩnh Khang, một người đang bị truy tố, một kẻ đang thụ án chung thân.

Theo lời khai bị rò rỉ của Bạc Hy Lai, ông đã nhận được sự giúp đỡ từ Bắc Kinh về trách nhiệm để xảy ra vụ cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân cố gắng tìm cách đào tẩu vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Chu Vĩnh Khang cũng được cho là đã dàn tiền bịt miệng gia đình 2 cô gái bị giết trong vụ tai nạn xe Ferrari tháng 3/2012 liên quan đến con trai ông Lệnh Kế Hoạch, một quan chức cấp cao khác là phụ tá của ông Hồ Cẩm Đào.

Điều tra Chu Vĩnh Khang sẽ vi phạm một quy tắc bất thành văn thời hậu Đặng Tiểu Bình mà theo đó các ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đương nhiệm hay nghỉ hưu được miễn trừ truy tố.

Tuy nhiên ông Tập Cận Bình đã có một lý do hợp lý khi Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang được xem như nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc với những "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Ông Tập Cận Bình thấy rằng mình cần có trách nhiệm không để cho các quan chức cấp cao đứng trên pháp luật.

Trong khi nguyên tắc đồng thuận, lãnh đạo tập thể mang tính ổn định chính trị, nó cũng cho phép Chu Vĩnh Khang xây dựng lãnh địa, sân sau của mình trong ngành công nghiệp dầu khí và bộ máy an ninh, tư pháp.

Tập Cận Bình dường như đã thuyết phục được nhiều người trong đảng rằng kim đồng hồ cần được vặn đúng về vị trí để kiểm soát tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên xu hướng này cũng có rủi ro riêng của nó khi cách làm của ông Tập Cận Bình gợi nhớ lại thời đại Mao Trạch Đông. Sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang không thể là sự kết thúc của cuộc đấu tranh nội bộ về tương lai của Trung Quốc, The Wall Street Journal nhận định.

Hồng Thủy